(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong lịch sử khoa cử dân tộc, Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) nổi danh là vùng đất hiếu học khi nơi đây có đến 12 người đỗ đại khoa, ghi danh bảng vàng. Đáng nói, có một gia đình mà cả bố, con trai và con rể đều đỗ đại khoa, khiến đương thời và hậu thế ngưỡng mộ nhắc nhớ.

Chuyện gia đình khoa bảng trên vùng đất học

Trong lịch sử khoa cử dân tộc, Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) nổi danh là vùng đất hiếu học khi nơi đây có đến 12 người đỗ đại khoa, ghi danh bảng vàng. Đáng nói, có một gia đình mà cả bố, con trai và con rể đều đỗ đại khoa, khiến đương thời và hậu thế ngưỡng mộ nhắc nhớ.

Chuyện gia đình khoa bảng trên vùng đất họcVăn bia về cuộc đời, sự nghiệp của quan Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất đã được hậu thế “tôn tạo” để nhắc nhớ nhau về tài năng, nhân cách tiền nhân.

Lịch sử khoa cử thời phong kiến của nước ta kéo dài 844 năm, từ đời vua Lý Nhân Tông (1075) đến triều vua Khải Định nhà Nguyễn (1919) với tổng số 187 khoa thi (đại khoa), 2900 (có tài liệu ghi 2991) người đỗ Tiến sĩ và tương đương. Theo sách “Hoằng Lộc đất hiếu học” (NXB Thanh Hóa, 1996), Hoằng Lộc có lịch sử khoa cử 438 năm. Người khai khoa là Tiến sĩ Nguyễn Nhân Lễ đỗ khoa Tân Sửu (năm 1481). Trong hơn 4 thế kỷ, Hoằng Lộc có 12 người đỗ đại khoa (Tiến sĩ) - 7 người được khắc tên tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Trong 12 vị đại khoa ở Hoằng Lộc, Thám hoa Nguyễn Sư Lộ (đỗ Chế khoa năm 1554 triều vua Lê Trung tông) là bố vợ Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất (đỗ Chế khoa năm 1565). Tiếp nối truyền thống, con trai cụ Nguyễn Sư Lộ là Hoàng giáp Nguyễn Thứ cũng đỗ khoa thi năm 1598.

Thám hoa Nguyễn Sư Lộ - thầy dạy học bên đường

“Sư Lộ” - người thầy dạy học bên đường. Đây là cách gọi tên thân mật và vô cùng trân quý mà người dân đất học dành cho vị Thám hoa. Theo đó, cụ Nguyễn Sư Lộ có tên thụy là Văn Đạt, sinh năm 1519. Khi còn trẻ đã nổi tiếng học vấn uyên thâm, sâu rộng. Với sự hiểu biết của mình, hàng ngày ông thường ra phiến đá bên đường cái cạnh nhà ngồi đọc sách, viết chữ. Người làng qua lại, trẻ em đi học về có điều gì chưa hiểu, chữ nào chưa biết đến hỏi đều được ông giảng giải tận tình. Lâu dần, phiến đá ông ngồi bên đường giống như bục dạy học của thầy giáo.

Tương truyền, lúc sinh thời ông vẫn thường giản dị nói: Học trò đi học thì phải vào nhà học, phải theo bài bản. Nhưng trong đời có bao nhiêu người không được đi học, không có lớp. Và cũng có bao nhiêu điều phải học ngoài nhà trường. Lớp học giữa đường cũng là lớp học... Cảm kích tấm lòng của ông, người đời tôn kính thường gọi ông là Sư Lộ (người thầy dạy học bên đường). Tên gọi Sư Lộ được cả sử liệu và dân gian nhắc đến, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp làm quan của ông.

Thầy giáo Nguyễn Sư Lộ là tấm gương sáng về sự mẫu mực, thanh cao trong cách sống; mẫn tiệp, uyên bác trong quá trình truyền đạt kiến thức. Làm quan đến chức Lại bộ cấp Sự trung (tước Đoan Túc hầu) nhưng khi trở về quê nhà, cụ Nguyễn Sư Lộ đã cùng với các thầy đồ trong làng chăm lo dạy dỗ việc học hành cho con em trong làng. Một trong những “học trò” xuất sắc của cụ Nguyễn Sư Lộ chính là Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất.

Quý mến cậu học trò Bùi Khắc Nhất nhà nghèo mà ham học. Lúc bấy giờ dù đã đỗ đạt và làm quan lớn trong triều song cụ Nguyễn Sư Lộ vẫn dốc lòng bồi đắp, dạy dỗ kiến thức để mong học trò Bùi Khắc Nhất có ngày đỗ đạt, vinh hiển. Không chỉ vậy, ông còn gả con gái đầu của mình (Nguyễn Thị Sen) cho học trò. Không phụ sự kỳ vọng của thầy dạy, cũng đồng thời là bố vợ, chỉ sau vài năm, Bùi Khắc Nhất đã đề danh bảng vàng tại khoa thi năm Ất Sửu 1565, đỗ Bảng nhãn.

Ngày nay, “hòn đá Sư Lộ”- nơi cụ Sư Lộ ngồi dạy học bên đường vẫn được người dân vùng đất học Hoằng Lộc gìn giữ như một kỷ niệm - hiện vật vô giá, biểu thị cho truyền thống, tinh thần ham học của người dân địa phương.

Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất - vị Phúc thần của làng quê

Khác với bố vợ, con đường quan nghiệp của Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất nhiều thăng trầm. Có lúc đạt đến vinh quang hiển hách, nhưng có thời điểm phải ngậm ngùi oan khuất. Dẫu vậy, ông vẫn là một trong những người làm quan có tước vị (làm đến chức Thượng thư, tước Quận công) cao bậc nhất ở Hoằng Lộc thời phong kiến.

Cuộc đời ông gắn với một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc. Bước vào quan lộ, phục vụ triều Lê Trung hưng cũng là khi nội chiến đất nước diễn ra quyết liệt. Ông lần lượt đảm nhận những cương vị trọng yếu trên các lĩnh vực: Hữu thị lang Bộ Công; Tả thị lang Bộ Hình; Thượng thư Bộ Hộ; Thượng thư Bộ Binh... Đóng góp công sức vào thắng lợi của nhà Lê, phục hưng đất nước.

Với 44 năm làm quan tại 6 Bộ (Bộ Lại; Bộ Lễ; Bộ Hộ (Thượng thư); Bộ Binh (Thượng thư); Bộ Hình; Bộ Công) trải qua 3 triều vua, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ở cương vị nào quan Thượng thư Bùi Khắc Nhất cũng trọn vẹn với trọng trách được giao phó.

Khi đất nước xảy ra chiến tranh (nội chiến), dù là quan văn nhưng ông được triều đình tin cậy giao giữ chức Thượng thư Bộ Binh trong nhiều năm. Năm 1578, ông cùng với Thái phó Vinh Quận công Hoàng Đình Ái (người Vĩnh Lộc) chỉ đạo việc chôn đóng cọc ven núi Mông Sơn (thuộc Nga Sơn ngày nay) nhằm giữ nơi quan yếu, ngăn chặn hiệu quả sự tấn công của nhà Mạc; năm 1580, ông lại cùng với Thái phó Trào Quận công Vũ Sư Thước đốc thúc quân sĩ lấp các bến cảng xung yếu ở Thanh Hóa đề phòng quân Mạc tiến công bằng đường biển.

Khi nhà Lê Trung hưng thắng nhà Mạc (1592), chuẩn bị trở về Thăng Long, lúc bấy giờ đang giữ chức Hữu thị lang Bộ Công, Bùi Khắc Nhất lại được triều đình giao phụ sách tu sửa cung điện, kho tàng, thành lũy. Chỉ sau 1 tháng, công việc đã hoàn tất.

Đặc biệt, khi ở Bộ Hình, trông coi việc hình án, ông thu phục nhân tâm bởi tấm lòng trinh bạch ngay thẳng, dùng đức hiếu sinh để cứu vớt người lỗi lầm, nổi tiếng với câu nói: “Ngục vô oan gia, thiên hạ xưng bình” - trong ngục không có người oan thì thiên hạ bình yên. Cuộc đời làm quan của Thượng thư Bùi Khắc Nhất luôn tâm niệm: “Đời làm quan, vốn để lại cho con cháu lớn nhất là chữ Phúc... người làm quan có giữ được thanh bạch thì mới để phúc cho con cháu đời sau mãi mãi”. (Theo gia phả họ Bùi xã Hoằng Lộc).

Với những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp làm quan, Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất là công thần Trung hưng nhà Lê. Không chỉ vậy, sau khi mất, ông được triều đình phong kiến sắc phong Phúc thần - Thượng đẳng thần, được suy tôn là Thành hoàng làng. Trở về Hoằng Lộc hôm nay, Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền thờ và lăng mộ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất là địa điểm tâm linh được người dân giữ gìn cẩn trọng.

Và Hàn lâm viện Thị giảng Nguyễn Thứ

Xuất thân trong gia đình khoa bảng, có bố là Thám hoa Nguyễn Sư Lộ và anh rể là Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất, từ nhỏ Nguyễn Thứ đã sớm định hướng cho mình con đường bút nghiên, học hành. Ông tham gia khoa thi Mậu Tuất (1598) tại Thăng Long khi cuộc nội chiến Nam - Bắc triều mới chấm dứt. Khoa thi này chỉ lấy đỗ 5 người và không lấy Tam khôi nên Nguyễn Thứ trở thành Đình nguyên (đỗ đầu kỳ thi Đình).

Theo ghi chép trong gia phả dòng họ Nguyễn (xã Hoằng Lộc), Nguyễn Thứ từng giữ chức Hàn lâm viện Thị giảng giữ việc giảng đọc sách cho vua, giảng giải kinh nghĩa, ứng đối, cố vấn cho vua và phụ trách việc giải thích, bình luận, chú thích các văn thư, thơ ca, chế biểu. Đây là chức quan triều cận nhà vua... Tuy chức vụ ông đảm nhiệm không cao nhưng khá quan trọng, vì đây là cơ quan giúp việc cho vua và triều đình trong soạn thảo, ban bố sắc lệnh, chiếu chỉ, đòi hỏi người làm việc phải có học vấn sâu rộng...

Làng khoa bảng với nhiều người đỗ đạt như vùng đất cổ Hoằng Lộc vốn đã không nhiều, nhưng đỗ đạt hiển hách, làm quan thanh liêm, làm thầy mẫu mực, là những nhân cách “để đời” cho người đương thời và hậu thế kính ngưỡng, noi theo như gia đình cụ Nguyễn Sư Lộ thật sự là chuyện hiếm. Bởi vậy trong dân gian đến nay vẫn lưu truyền lời ngợi ca: “Phụ, tử, tế đại đăng khoa/ Nhất nhị tam danh tụ nhất gia” (Cha, con, rể đều đỗ đại khoa. Nhất nhị tam danh họp một nhà)...

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]