(vhds.baothanhhoa.vn) - Con gái tôi 8 tuổi đi học về kể: “Mẹ ơi, hôm nay bạn N.B lớp con khóc vì các bạn không cho chơi nhảy dây cùng”. Nghe đến đây tôi lấy làm chột dạ bởi không phải đây là lần đầu tiên tôi nghe được chuyện này.

Chuyện về học sinh thời @: Kỳ 1: Thích là tẩy chay

Con gái tôi 8 tuổi đi học về kể: “Mẹ ơi, hôm nay bạn N.B lớp con khóc vì các bạn không cho chơi nhảy dây cùng”. Nghe đến đây tôi lấy làm chột dạ bởi không phải đây là lần đầu tiên tôi nghe được chuyện này.

“1001” lý do tẩy chay

Năm ngoái, một phụ huynh trong lúc chờ đón con đã than thở với tôi rằng: Học sinh bây giờ phân biệt giàu nghèo lắm. Chỉ vì chị làm nghề thu gom rác mà con gái chị học lớp 4 bị một số bạn trong lớp xem thường và không muốn chơi cùng. Có lần vì thương con, chị đã đến lớp gặp riêng các bạn đó để nói chuyện và nhờ cô giáo chủ nhiệm nói hộ thêm. Nhưng tình hình chẳng những không cải thiện mà con chị còn ngày càng bị ghét bỏ nhiều hơn khiến cho người làm mẹ như chị cảm thấy rất đau lòng.

Chuyện về học sinh thời @: Kỳ 1: Thích là tẩy chay

Ảnh minh họa từ internet.

Cháu trai tôi là lớp trưởng của một lớp 6 cũng có thời gian dài bị một số bạn hư hỏng trong lớp ngó lơ, chống đối chỉ vì cái tội hay mách lẻo cô giáo. Có hôm, các bạn ấy còn dấu đồ dùng học tập và xì cả lốp xe đạp khiến cho thằng bé phải nhiều phen khổ sở mà không biết kêu ai.

Cách đây ít hôm, trên nhóm zalo của lớp con gái lớn học lớp 5, một phụ huynh có con bị đánh hội đồng đã bày tỏ bức xúc rằng: “Ai là cha mẹ của các bạn V.B; H.L; T.C; Đ.P thì hãy dạy bảo con đi nhé, tốt nhất là đừng cho các bạn tiền nữa vì mới tí tuổi mà đã dùng tiền để ức hiếp, sai khiến người khác rồi. Đã vậy, khi không được như ý thì lôi kéo phe cánh, tẩy chay bạn bè như kiểu xã hội đen ấy”.

Từ thực tế đó có thể thấy, tẩy chay học đường đang xảy ra ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến các em học sinh tẩy chay và bị tẩy chay lại rất khác nhau và đôi khi là những chuyện nhỏ nhặt không lường trước được. Điều này nếu kéo dài sẽ là một áp lực tinh thần rất lớn bởi vốn dĩ hàng ngày, các em đã phải chịu quá nhiều áp lực để làm vui lòng thầy cô và cha mẹ.

Và hệ lụy

Học sinh là lứa tuổi hồn nhiên, vô tư. Các em đến trường ngoài để học kiến thức còn là để vui chơi, gặp gỡ bạn bè. Thế nhưng, vào một ngày nào đó, các em bị bạn bè hùa nhau nói xấu, chê bai thì thử hỏi nỗi buồn đó sẽ lớn đến thế nào? Và rồi tâm trạng đó sẽ đi về đâu khi không chỉ là một ngày mà là nhiều ngày các em phải chịu đựng? Đó chính là lí do mà nhiều em không còn thích đi học hoặc là chỉ muốn chuyển trường giống như một cuộc trốn chạy. Nhưng thực tế thì các em không có nhiều sự lựa chọn nên vẫn cứ phải tiếp tục đối diện với nỗi buồn dai dẳng ấy đến nỗi sinh ra mặc cảm, tự ti, thậm chí là trầm cảm.

Sự việc một nữ sinh lớp 9 ở Hà Nội vào tháng 4-2022 đã nhiều lần tự hủy hoại bản thân chỉ vì bị bạn thường xuyên miệt thị, xem thường là một hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn tẩy chay trong học đường. Được biết, học sinh này từng có học lực tốt nhưng khi thành tích học tập sa sút thì được bố mẹ gửi đi học thêm ở nhà cô giáo. Sự việc được các bạn trong lớp biết và tẩy chay khiến em bị mắc chứng lo âu, trầm cảm nên đã tự hủy hoại bản thân để giải tỏa.

Chuyện về học sinh thời @: Kỳ 1: Thích là tẩy chay

Trước khi uống thuốc sâu tự tử, bệnh nhi 13 tuổi này đã từng ngất xỉu 1 lần vì bị bạn bè bắt nạt hội đồng nhưng gia đình và nhà trường vẫn không hề hay biết.

Trước đó, vào tháng 3-2021, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đã cấp cứu một bệnh nhi 13 tuổi đến từ Long An uống thuốc sâu tự tử vì áp lực bị các bạn nói xấu không thể chịu đựng. Nguyên nhân là bởi, bệnh nhi có mâu thuẫn với một bạn trong lớp và bạn này đã lên mạng xã hội bêu riếu khiến cho một số bạn cùng hùa theo nói những lời ác ý nên mới dẫn đến sự việc như vậy.

Tình trạng học sinh tẩy chay và bị tẩy chay đang ngày càng trở nên phổ biến nhưng dường như người lớn vẫn xem đó là chuyện trẻ con nên chưa thực sự quan tâm kịp thời. Đó là lý do mà phải khi các sự việc đau lòng xảy ra, cả phụ huỵnh và giáo viên đều mới biết. Vì vậy, thay vì đứng ngoài cuộc lên án, phán xét, người lớn cần phải gần gũi, quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc, tâm trạng của các con em mình. Có như thế mới mong giảm thiểu được hệ lụy của vấn nạn tẩy chay vốn đã âm ỉ từ rất lâu trong các trường học.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]