(vhds.baothanhhoa.vn) - “Lần đầu tiên đến mảnh đất này, thực sự tôi lo sợ lắm, đi lại khó khăn, điện sáng không có. Ấy thế nhưng đến nay, Thành Sơn đã đổi khác. Con đường cõng chữ của chúng tôi đỡ nhọc nhằn hơn nhiều”- Đó là chia sẻ của cô giáo Vi Thị Thúy Mơ (sinh năm 1993), Trường Tiểu học (TH) Thành Sơn (Quan Hóa).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cô giáo Vi Thị Thúy Mơ: Yêu nghề, yêu trẻ, yêu quê hương thứ hai của mình!

“Lần đầu tiên đến mảnh đất này, thực sự tôi lo sợ lắm, đi lại khó khăn, điện sáng không có. Ấy thế nhưng đến nay, Thành Sơn đã đổi khác. Con đường cõng chữ của chúng tôi đỡ nhọc nhằn hơn nhiều”- Đó là chia sẻ của cô giáo Vi Thị Thúy Mơ (sinh năm 1993), Trường Tiểu học (TH) Thành Sơn (Quan Hóa).

Cô giáo Vi Thị Thúy Mơ: Yêu nghề, yêu trẻ, yêu quê hương thứ hai của mình!Một buổi dạy của cô giáo Vi Thị Thúy Mơ ở lớp 1A, Trường TH Thành Sơn (Quan Hóa).

Mới đó mà đã 8 năm kể từ ngày cô giáo Mơ (người ở huyện Tương Dương, Nghệ An) đứng trên bục giảng. Tốt nghiệp Trường Đại học Vinh, khoa Giáo dục tiểu học, sau thời gian ngắn làm hợp đồng ở Nghệ An, chị được tuyển dụng và chuyển đến Trường TH Thành Sơn đã được hơn 4 năm. Chị nói: “Khi đến ở môi trường mới, tôi lo lắng và trăn trở nhiều điều. Đất khách quê người, mọi thứ đều lạ lẫm, nhưng chưa bao giờ tôi thấy trống trải, bởi có bọn trẻ nhỏ luôn bên cạnh”.

Tôi đến lớp 1A, Trường TH Thành Sơn, nơi cô giáo Mơ đang chủ nhiệm. Lớp có 27 học sinh, ánh mắt ngơ ngác, nhiều em còn ngáp vội trong giờ học buổi sáng. Giọng xứ Nghệ của chị mềm mại, dễ thương và truyền cảm. Cô giáo Mơ tâm sự: “Đây là điều tôi thiếu tự tin nhất khi lên đây dạy. Nhớ lại, tuần đầu tiên đi dạy, tôi nói gì mọi người cũng không hiểu, học sinh ngơ ngác, ngay cả đồng nghiệp cũng lạ lẫm. Nhưng dần dần việc học và việc dạy không còn bị cản trở vì chất giọng”.

“Ở đây thiếu thốn đủ thứ, từ cơ sở vật chất đến đồ dùng học tập. Đặc biệt, dạy lớp 1 thì càng vất vả, vừa dạy vừa dỗ các con. Cả lớp là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Thái và Mường. Phần nhiều các em phải ở với ông bà vì bố mẹ đi làm ăn xa. Thiếu thốn tình cảm là một chuyện, nhưng thiếu sự dạy dỗ, quan tâm của bố mẹ là điều quan trọng nhất. Vì thế, những vấn đề phát sinh trong quá trình dạy học, ngoài việc đến gặp ông bà của học sinh thì tôi còn phải trao đổi qua điện thoại với bố mẹ” - cô giáo Mơ tiếp mạch chuyện.

“Thương nhất là em Hà Thị Đóa. Mẹ đi nước ngoài 4-5 năm nay, một mình bố nuôi 5 đứa con. Có thời điểm tôi phải mua dầu gội, bút, thước, quần áo cho Đóa. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống phụ thuộc vào việc đi chặt luồng kiếm tiền của bố. Ngày qua ngày, có đồng nào tiêu đồng ấy, không một đồng dư dật. Em Đóa ngoan lắm, biết và hiểu hoàn cảnh của mình, nên gương mặt chẳng bao giờ vui”, cô giáo Mơ kể.

Là giáo viên lớp 1, nên điều đầu tiên cô giáo Mơ nghĩ khi bước lên bục giảng là cứ yêu trẻ, dành hết tình yêu thương cho trẻ. Từ những điều nhỏ nhất như: cất cặp, xóa bảng, vệ sinh trường lớp, hỏng bút..., đều một tay cô chăm lo. Cô giáo vừa như người mẹ hiền vừa dạy dỗ cái chữ, vừa rèn nết người cho các con. Hiểu và thương học sinh thế đấy, nhưng không phải chị chưa bao giờ có ý định tìm một công việc khác nhẹ nhàng hơn. “Có lần tôi bàn bạc với chồng: Hay là em về Vĩnh Lộc xin việc ở công ty cho bớt áp lực, và về quê mọi chi tiêu rẻ hơn. Trên này, đồng lương ít nhưng chi tiêu cái gì cũng đắt đỏ. Chồng tôi động viên: Em đã học mấy năm đại học, lại theo nghề nhiều năm rồi thì cứ tiếp tục cống hiến đi. Biết đâu sau này nhà nước lại có những cơ chế tốt hơn. Học mãi, giờ đi làm công ty cũng phí. Chính vì thế mà tôi lại tự động viên mình cố gắng”.

Khi đến nhà chị ở ngay sát Trường TH Thành Sơn, chúng tôi mới biết đây là căn nhà 2 vợ chồng thuê với giá là 7 triệu đồng/năm. Chị cho biết, kể từ tháng 6-2021, tất cả các xã ở huyện Quan Hóa không còn nằm trong vùng đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, với giáo viên dạy TH mới ra trường bị cắt 70% phụ cấp thu hút, 20% phụ cấp ưu đãi với giáo viên lâu năm. Vì thế, nếu trước đây lương của cô giáo Mơ là 8 triệu đồng thì nay chỉ còn 5 triệu đồng.

Những ngày này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà các thầy, cô giáo phải dạy cả ngày. Ấy thế nhưng cô giáo Mơ vẫn vui vẻ khoe với chúng tôi những bức tranh học trò vừa vẽ tặng cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11: “Xúc động lắm. Tôi không dám nghĩ đến những món quà có giá trị, với tôi những hành động nhỏ và tình cảm thực sự của học trò là sợi dây gắn kết những người như tôi đến và ở lại với mảnh đất này”.

Bằng tâm huyết, niềm đam mê, tinh thần cố gắng không mệt mỏi của bản thân, sự giúp đỡ của đồng nghiệp, năm học 2019-2020, cô giáo Mơ đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện và được Liên đoàn Lao động huyện tặng Giấy khen; năm học 2020-2021, được Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa tặng Giấy khen. Thầy giáo Phạm Văn Loan, Phó hiệu trưởng Trường TH Thành Sơn, cho biết: "Cô Mơ là một đảng viên, giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn vững vàng, nhiệt tình, tâm huyết với nghề, được phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp tin yêu. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng cô Mơ không ngừng nỗ lực trau dồi chuyên môn để trở thành giáo viên giỏi cấp huyện. Chúng tôi hy vọng rằng cô sẽ gắn bó dài lâu với ngôi trường và mảnh đất này”.

Chia tay cô giáo Mơ, chúng tôi còn nhớ mãi đến lời bộc bạch từ ruột gan của chị: “Gắn bó với nơi này tôi càng thêm yêu nghề, yêu trẻ, yêu quê hương thứ hai của mình”.

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]