(vhds.baothanhhoa.vn) - Bên cạnh việc thiếu giáo viên, thì cơ sở vật chất, thiết bị phụ trợ... thiếu và yếu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học Tiếng Anh, Tin học ở các nhà trường hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cơ sở vật chất kém ảnh hưởng đến chất lượng môn Tiếng Anh, Tin học

Bên cạnh việc thiếu giáo viên, thì cơ sở vật chất, thiết bị phụ trợ... thiếu và yếu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học Tiếng Anh, Tin học ở các nhà trường hiện nay.

Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học Tiếng Anh còn thiếu và yếu

Được “mục sở thị” một giờ học Tiếng Anh tại Trường Tiểu học (TH) Thọ Thanh (Thường Xuân), cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là giờ học này khôngkhác gì so với những môn học khác. Học sinh học Tiếng Anh tại ngay lớp học văn hóa, giáo viên giảng bài và học sinh nghe, ghi chép. Trang thiết bị duy nhất phục vụ dạy học Tiếng Anh ở đây là một chiếc đài catset cũ nhưng lâu rồi không sử dụng được.

Bắt đầu từ năm học 2017 - 2018, huyện Thường Xuân đã hỗ trợ các trường TH và THCS phần mềm dạy và học Tiếng Anh - đây là phần mềm hỗ trợ tích cực cho giáo viên dạy Tiếng Anh theo sách giáo khoa từ cơ bản đến nâng cao với lượng dữ liệu và bài tập phong phú. Tuy nhiên, do thiếu thiết bị, cơ sở vật chất đi kèm, nên đến nay phần mềm này chủ yếu được giáo viên sử dụng để soạn giáo án.

Một nguyên nhân khác ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh trên địa bàn huyện Thường Xuân là huyện mới chỉ bố trí đủ giáo viên dạy Tiếng Anh ở bậc THCS, còn bậc TH hiện đang thiếu 15 giáo viên Tiếng Anh, thậm chí có 9 trường TH học sinh chưa được học Tiếng Anh.

Bà Tống Thị Hoa - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thường Xuân cho biết: Trước mắt chúng tôi đang tổ chức cho giáo viên Tiếng Anh hiện có đi học nâng cao trình độ đào tạo chuẩn. Thứ 2 là nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Cố gắng trong thời gian tới mỗi trường chuẩn sẽ có 1 phòng nghe nhìn phục vụ dạy học Tiếng Anh. Đồng thời tham mưu đảm bảo biên chế giáo viên Tiếng Anh để phủ đủ cho tất cả các trường trên địa bàn.

Huyện Triệu Sơn cho đến thời điểm này tất cả 70 trường TH và THCS trên địa bàn đều chưa có phòng học riêng dành cho môn Tiếng Anh. Bên cạnh đó, nhiều trường chưa có máy tính, máy chiếu, tai nghe... cho học sinh.

Tại Trường TH Minh Dân (Triệu Sơn) mặc dù là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, tuy nhiên, nhà trường hiện chưa có phòng riêng đạt chuẩn phục vụ dạy và học Tiếng Anh.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan - Hiệu trưởng Trường TH Minh Dân cho biết: Để đáp ứng yêu cầu dạy và học ngoại ngữ, nhà trường mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư thêm trang thiết bị như tai nghe, ti vi, phần mềm hỗ trợ dạy và học Tiếng Anh... để nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh của nhà trường.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều trường học thiết bị tối thiểu phục vụ cho việc học Tiếng Anh như đài, băng, đĩa CD, các thiết bị nghe nhìn khác... chưa đủ hoặc cũ, hỏng, không đảm bảo chất lượng. Để nâng cao chất lượng dạy, học Tiếng Anh, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3475 về việc phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025” với tổng nguồn kinh phí gần 89 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí tăng cường cơ sở vật chất là hơn 79 tỷ đồng. Hi vọng rằng chính sách mới này sẽ giúp các địa phương khắc phục phần nào khó khăn về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh.

Phòng máy chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học Tin học

Thiếu giáo viên, máy tính hư hỏng, ít được đầu tư mới cũng đang là thực trạng phổ biến của các phòng Tin học tại các nhà trường.

Cô trò Trường THCS Nam Giang (Thọ Xuân) trong giờ Tin học.

Để được công nhận trường chuẩn Quốc gia, năm 2016, Trường THCS Nam Giang (Thọ Xuân) đã được trang bị phòng máy. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng nhiều máy đã hư hỏng cần phải bảo dưỡng thường xuyên song nguồn kinh phí nhà trường không có.

Không chỉ Trường THCS Nam Giang, gần 80 % số máy tính tại 38 trường THCS trên địa bàn huyện Thọ Xuân cũng đang chờ được thay mới hoặc sửa chữa.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Giang (Thọ Xuân) cho biết: Hiện nhà trường không được phép kêu gọi đóng góp của phụ huynh học sinh để duy tu, sửa chữa máy tính, nhà trường chỉ có thể tiết kiệm nguồn chi thường xuyên để sửa chữa, bảo dưỡng máy nên kinh phí rất hạn hẹp.

Tại TP Thanh Hóa, hầu hết máy vi tính tại các trường đều đã có thời gian sử dụng trên 5 năm nhưng không được nâng cấp hay thay mới kịp thời. Trước đây, các nhà trường vẫn vận động phụ huynh đóng góp kinh phí duy tu, bảo dưỡng các máy tính, song từ năm học 2016 - 2017, Phòng GD&ĐT Thành phố đã có công văn chỉ đạo ngừng thu các khoản như: 10 nghìn đồng/1 tháng đối với học sinh tham gia học nghề tin học; 5 nghìn đồng/ 1 thángphí bảo trì trang thiết bị máy tính với các khối được bố trí học tự chọn Tin học ở các trường có dạy bộ môn này.

Cô giáo Phạm Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường THCS Đông Hương (T.PThanh Hóa) cho biết: Nhà trường rất mong muốn được hỗ trợ máy vi tính mới hoặc nguồn kinh phí để sửa chữa máy móc đã hư hỏng để phục vụ công tác dạy và học nhất là trong điều kiện thời gian thực hiện chương trình đổi mới giáo dục đang đến gần.

Bắt đầu từ năm học 2019 - 2020, môn Tin học sẽ là môn học chính khóa, do đó, các nhà trường cần chủ động tham mưu với chính quyền địa phương để sớm có kế hoạch đầu tư trang thiết bị phòng máy phục vụ việc dạy và học môn Tin học đáp ứng yêu cầu thời đại công nghệ số và cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]