(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, tại một số địa phương trong cả nước đã xảy ra nhiều tai nạn thương tâm với học sinh (HS) khi sử dụng dịch vụ xe đưa đón không đảm bảo an toàn. Sự việc tương tự chưa xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, song đây cũng là lúc để phụ huynh, nhà trường và các cơ quan liên quan nhìn nhận thực trạng.

Đảm bảo an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ xe đưa đón

Thời gian qua, tại một số địa phương trong cả nước đã xảy ra nhiều tai nạn thương tâm với học sinh (HS) khi sử dụng dịch vụ xe đưa đón không đảm bảo an toàn. Sự việc tương tự chưa xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, song đây cũng là lúc để phụ huynh, nhà trường và các cơ quan liên quan nhìn nhận thực trạng.

Đảm bảo an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ xe đưa đónPhụ huynh cần cân nhắc các yếu tố đảm bảo an toàn khi hợp đồng xe điện không có cửa che chắn để đưa đón học sinh. (Ảnh chụp tại TP Sầm Sơn).

Trong tháng 11-2021, tại một số địa phương trong cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến HS khi sử dụng dịch vụ xe đưa đón. Cụ thể, ngày 2-11, tại huyện Krông (tỉnh Đắk Lắk) xảy ra vụ TNGT khi xe ô tô chở 30 HS, do không đóng cửa khi lưu thông khiến 1 HS lớp 6 bị rơi xuống đường và bị chính xe ô tô này cán lên người, dẫn đến tử vong.

Sự việc trên khiến dư luận chưa hết bàng hoàng thì ngày 22-11, tại huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) đã xảy ra vụ TNGT do xe ô tô khách 16 chỗ chở 19 HS sau giờ tan học. Khi đang lưu thông, xe bất ngờ bị bung chốt cửa, 3 HS rơi xuống đường. Sự việc khiến 1 HS tử vong và 2 HS bị thương nặng.

Điểm chung của cả 2 vụ tai nạn trên đều là các phương tiện giao thông không đảm bảo chất lượng. Điều đáng nói, vì lợi nhuận mà một số đơn vị sử dụng xe hết hạn đăng kiểm, thậm chí cũ nát làm xe đưa đón HS. Còn phụ huynh thì phó mặc sự an toàn của con trẻ, vẫn hợp đồng với những chiếc xe “tử thần” này để đưa đón con em mình hàng ngày.

Thực tế tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, không ít xe đưa đón HS tư nhân do phụ huynh tự hợp đồng. Chúng tôi từng chứng kiến cảnh HS trên địa bàn phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) sử dụng dịch vụ xe điện, khi lên xe một số trẻ vẫn nô đùa. Điều đáng nói, do xe điện không có cửa che chắn và người lớn đi cùng nên rất dễ xảy ra nguy hiểm với trẻ. Không chỉ tại phường Hải Thanh, một số địa phương khác trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, phụ huynh cũng sử dụng dịch vụ này cho con em mình sử dụng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Ưng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã Nghi Sơn, cho biết: Hiện nay ở hầu hết các trường mầm non tư thục trên địa bàn thị xã đều có dịch vụ xe đưa đón của nhà trường. Ngoài ra, tại một số địa phương phụ huynh đã tự hợp đồng với các xe tư nhân để đưa đón con. Mặc dù chưa có con số thống kê về số lượng xe hợp đồng tư nhân này, song để đảm bảo an toàn cho HS khi sử dụng dịch vụ xe đưa đón, Phòng GD&ĐT cũng đã yêu cầu các nhà trường thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy trình đón, trả HS và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời giám sát chất lượng xe dịch vụ để có những khuyến cáo đối với phụ huynh nếu xe không đảm bảo yêu cầu.

Bên cạnh những xe dịch vụ đưa đón HS chưa đảm bảo chất lượng cũng có những đơn vị trường học thực hiện rất tốt dịch vụ xe đưa đón. Tại Trường Mầm non Sakura (phường Đông Hải, TP Thanh Hóa) có 3 xe 16 chỗ đưa đón HS hàng ngày. Tất cả số xe đều được bảo dưỡng định kỳ, mỗi xe nhà trường bố trí 1 giáo viên phụ trách đưa, đón HS. Bên cạnh đó, nhà trường còn triển khai ứng dụng Little lives (hệ thống quản lý trường mầm non hàng đầu của Singapore được công nhận bởi Vụ Mầm non Singapore và Hiệp hội các nhà giáo dục trường mầm non Singapore).

Hiệu trưởng Trường Mầm non Sakura, bà Trương Thị Giang, cho biết: Ứng dụng Little lives đã được nhà trường đưa vào sử dụng 3 năm nay, có rất nhiều ưu điểm trong quản lý các hoạt động của nhà trường. Thông qua ứng dụng, nhà trường cũng giám sát chặt chẽ hơn việc đảm bảo an toàn cho HS sử dụng dịch vụ xe đưa đón. Bên cạnh việc chú trọng năng lực lái xe khi tuyển chọn, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên phụ trách xe thực hiện đón, trả HS đúng quy trình. Theo đó, HS sử dụng dịch vụ xe đưa đón sẽ được giáo viên đưa ra tập trung tại khu vực chờ trước 15 phút tan học. Mỗi HS khi lên xe đều được giáo viên phụ trách xe ghi lại hình ảnh để check-in và gửi lên hệ thống để phụ huynh và nhà trường cùng nắm bắt, và khi trả trẻ giáo viên cũng thực hiện các bước tương tự. Ở mỗi xe, nhà trường bố trí HS không quá số ghế quy định, thắt dây an toàn cho tất cả HS khi lên xe.

Theo quy định của pháp luật, kinh doanh vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện với những yêu cầu bắt buộc về bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện cùng tham gia giao thông khác. Đối với xe đưa đón HS, những yêu cầu này càng phải được nâng cao hơn, bởi các em còn nhỏ tuổi, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông nên dễ bị tổn thương.

Nhiều ý kiến cho rằng, để kịp thời ngăn chặn nguy cơ tai nạn, trước hết cần nhanh chóng triển khai rà soát tổng thể các phương tiện đang được sử dụng vào dịch vụ xe đưa đón HS trên địa bàn tỉnh. Với những xe không đảm bảo điều kiện lưu thông an toàn cần kiên quyết loại bỏ, không để xe chở HS trở thành hiểm họa trên những cung đường. Cùng với đó, cần hướng tới xây dựng tiêu chuẩn riêng cho xe đưa đón phù hợp với lứa tuổi HS. Lái xe cần phải được cấp giấy phép theo đúng phương tiện chuyên chở.

Cùng với các cơ quan chức năng, các nhà trường và các bậc phụ huynh cần phát huy hơn nữa vai trò trực tiếp bảo vệ, giám sát an toàn cho con em mình. Trong đó, phương án tổ chức xe đưa đón HS cần đặt yếu tố an toàn lên trên hết, ràng buộc trách nhiệm từ chủ xe, phụ xe đến đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải trong đảm bảo an toàn cho HS, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]