(vhds.baothanhhoa.vn) - Không còn mặn mà với việc bình xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” nhưng ở một số nơi lại đang có dấu hiệu mắc chứng bệnh thành tích...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Danh hiệu gia đình văn hóa: Chưa ổn lắm!

Không còn mặn mà với việc bình xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” nhưng ở một số nơi lại đang có dấu hiệu mắc chứng bệnh thành tích...

Áp lực nhất vẫn là tỷ lệ

Không tổ chức bình xét hoặc có bình xét cũng chỉ là đại khái, qua loa, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn vẫn xếp là “Gia đình văn hóa”..., đấy là những chuyện có thật đã xảy ra ở nhiều địa phương. Đầu năm đăng ký, cuối năm bình xét nhưng việc bình xét như thế nào, nghiêm túc hay đơn giản thì đó lại là cả một câu chuyện dài...

Phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), năm 2017, có 1.219 hộ/1.438 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm 84,7%). 8 phố đều đạt danh hiệu phố văn hóa. Theo ông Nguyễn Đức Trường - Phó Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng: Bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” đặt ra nhiều vấn đề trong đó áp lực nhất vẫn là tỷ lệ. Con số 84,7% là con số tương đối cao, còn nếu cố gắng đạt lên 90 - 95% thì phường sẽ không thể phấn đấu được. Mặc dù có tiêu chuẩn, tiêu chí hẳn hoi nhưng việc bình xét vẫn mang tính định tính là nhiều còn nếu định lượng thì sẽ không đạt tới con số 84,7%.

Cùng quan điểm với vị Phó Chủ tịch phường, ông Nguyễn Thanh Tùng, trưởng phố Hàm Long II cũng cho rằng, gánh nặng lớn nhất vẫn là áp lực về tỷ lệ. Năm 2017, phố Hàm Long II có 153/173 hộ đạt danh hiệu “gia đình văn hóa” (đạt 88,43%). Thế nhưng con số này vẫn làm ông trưởng phố “phân vân”, việc bình xét ông vẫn thấy chưa... ổn lắm. Theo ông Tùng thì Nghị quyết Đảng bộ phường đưa ra tỷ lệ bao nhiêu thì buộc các phố cũng phải phấn đấu bấy nhiêu. Đã làm trưởng phố được 5 năm, năm nào ông Tùng cũng thấy nhược điểm: “Người dân giờ cứ hời hợt với danh hiệu “gia đình văn hóa”, không thấy trân trọng danh hiệu cho lắm. Tuy nhiên, lúc mà không được vào danh sách lại “kiện” ngay. Trong việc bình xét ở phố tôi rất dân chủ, công bằng, nhưng nếu không nặng về áp lực chỉ tiêu thì có lẽ sẽ công bằng nhiều hơn, vì thế việc bình xét có đôi lúc vẫn còn vướng vào bệnh thành tích, kiểu như cắt hộ A thì cũng phải cắt hộ B, mà cắt cả 2 thì lại thấp tỷ lệ...”. Ông Tùng nói.

TP Thanh Hóa đạt 90% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa năm 2016.

Có chạy theo thành tích?

Tại huyện Thiệu Hóa, trong năm 2017, toàn huyện có 87% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Đây là một con số tương đối cao, tuy nhiên theo ông Trần Ngọc Tùng - Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thiệu Hóa thì việc tổ chức đăng ký danh hiệu “Gia đình văn hóa” ở cấp cơ sở chưa được triển khai đồng đều, chưa đảm bảo đúng quy định tại Thông tư số 12 ngày 10/10/2011 của Bộ VH,TT&DL. Do đó, việc bình xét ở một số nơi vẫn còn những sai sót, hạn chế. Ông Tùng cũng khẳng định, có nhiều đơn vị làm tốt việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” và không có một lỗi vi phạm nào, như xã Thiệu Nguyên là một ví dụ. Năm 2017, Thiệu Nguyên có tới 88, 2% gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”. Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư kiêm trưởng thôn Nguyên Sơn, một trong những thôn luôn dẫn đầu về tỷ lệ gia đình văn hóa ở Thiệu Nguyên cho biết: “Chúng tôi làm đúng quy trình và làm rất nghiêm túc. Ở đây, người dân rất coi trọng việc bình xét danh hiệu “gia đình văn hóa”, tuyệt đối không có sự nể nang và không mang bệnh thành tích. Trong năm 2018 này, chắc chắn sẽ có vài hộ bị trượt danh hiệu vì không đóng tiền điện sáng của thôn dù chỉ có 8 nghìn đồng/tháng...”.

Để được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” thì gia đình đó phải đáp ứng đủ 3 tiêu chuẩn (gồm 11 tiêu chí) theo Thông tư số 12 của Bộ VH,TT&DL. Tuy nhiên, việc rà soát có những lúc, những nơi đang còn vướng những sai sót, bắt đầu sai từ cấp cơ sở mà chung quy cũng vì 2 chữ: thành tích. Mà câu chuyện chạy theo thành tích thì không thể khắc phục ngày một, ngày hai nhất là khi các vụ bạo lực trong gia đình đang có xu hướng gia tăng, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo thì danh hiệu “Gia đình văn hóa” cần phải bình xét nghiêm túc hơn bao giờ...

Có thể khẳng định danh hiệu Gia đình văn hóa dù nhiều nơi đã cố gắng áp theo các tiêu chuẩn, tiêu chí, tuy vậy, hiện tượng mấy ông trong Ban liên cán ngồi tự chấm rồi về sau đến đưa cho gia đình tấm giấy công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” không phải là chuyện hiếm. Như thế liệu có ổn không? Dẫu ai cũng biết câu trả lời, nhưng rồi cũng tặc lưỡi, danh hiệu chỉ là danh hiệu.

An Việt


An Việt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]