(vhds.baothanhhoa.vn) - Vấn nạn lạm thu đầu năm học mặc dù đã được các cấp, các ngành chấn chỉnh, song đâu đó vẫn còn tình trạng lạm thu, thu sai quy định khiến phụ huynh bức xúc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải quyết lạm thu: Trả lại sự mô phạm cho ngành giáo dục

Vấn nạn lạm thu đầu năm học mặc dù đã được các cấp, các ngành chấn chỉnh, song đâu đó vẫn còn tình trạng lạm thu, thu sai quy định khiến phụ huynh bức xúc.

Để chấn chỉnh và hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các khoản thu theo quy định, ngay từ khi năm học mới chưa bắt đầu, Sở Giáo dục & Đào tạo Thanh Hóa đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các trường học năm học 2018 - 2019. Văn bản cũng nêu rõ, địa phương nào để xảy ra tình trạng lạm thu, gây bức xúc trong nhân dân thì Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện và Sở Giáo dục & Đào tạo. Các trường THPT, Trung tâm GDTX và Trung tâm KTTH-HN tỉnh chịu trách nhiệm trước Sở Giáo dục & Đào tạo về thực hiện các khoản thu, chi theo quy định trong hướng dẫn.

Văn bản hướng dẫn là thế, song nhiều cơ sở giáo dục vẫn bất chấp quy định một đường, làm một nẻo.

TP Thanh Hóa được xem là “điểm nóng” về thu chi đầu năm học, mặc dù năm nào Sở Giáo dục & Đào tạo, UBND TP Thanh Hóa cũng có văn bản chấn chỉnh. Ông Tạ Hồng Lựu - Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo TP Thanh Hóa cho biết: Năm học 2017 - 2018, Phòng Giáo dục & Đào tạo TP, UBND TP Thanh Hóa đã xử lý mạnh tay, kỷ luật, cảnh cáo đối với Trường Tiểu học (TH) Quảng Cát, TH Hàm Rồng và một số trường khác vì đã để xảy ra lạm thu. Ngay từ đầu năm học 2018 - 2019, phòng đã triển khai nghiêm túc, đúng quy trình việc thực hiện các khoản thu chi đầu năm. Quá trình triển khai thực hiện, hiệu trưởng nào không bám sát văn bản chỉ đạo, để xảy ra những sự việc đáng tiếc sẽ phải nhận hình thức kỷ luật theo quy định.

Quyết tâm là thế, văn bản chỉ đạo cũng đã rõ ràng, cụ thể, vậy phải chăng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe? Địa phương thiếu kiên quyết khi xử lý sai phạm?

Các cháu Trường MN Ánh Dương (TP Sầm Sơn) trong giờ học ngoại khóa.

Là một trong những địa phương quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp để không để xảy ra lạm thu đầu năm học. TP Sầm Sơn đang quyết liệt quản lý công tác thu chi đầu năm, giao trách nhiệm cho phòng Tài chính - Kế hoạch và công tác quản lý cho các xã, phường. Đối với những khoản thu theo quy định, phòng Giáo dục & Đào tạo TP Sầm Sơn đã có văn bản hướng dẫn cụ thể gửi các nhà trường. Đối với khoản thu xã hội hóa yêu cầu các nhà trường phối hợp với phụ huynh lập kế hoạch, báo cáo với xã, phường và Phòng Giáo dục & Đào tạo duyệt kế hoạch mới được triển khai thu.

Ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo TP Sầm Sơn cho biết: Phòng Giáo dục & Đào tạo TP Sầm Sơn đã công bố 2 số điện thoại đường dây nóng phản ánh lạm thu, đồng thời kiên quyết tham mưu cho UBND TP, nhà trường nào còn thiếu 1 số trang thiết bị không đảm bảo, chưa được công nhận chuẩn của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm thì không cho bán trú.

Ông Hoàng Trung Kiên cũng khẳng định, đến thời điểm này, ngoài các khoản thu theo quy định, chưa có đơn vị nào trình báo cáo các khoản thu ngoài kế hoạch như xã hội hóa... Phòng cũng chưa nhận được bất cứ phản ánh nào về lạm thu của các đơn vị trường học trên địa bàn.

Không chỉ công khai số điện thoại đường dây nóng phản ảnh lạm thu, PhòngGiáo dục & Đào tạo Nga Sơn (huyện Nga Sơn) còn yêu cầu các nhà trường công khai niêm yết các khoản thu tại bảng tin cũng như trên các lớp học để phụ huynh đọc và thực hiện.

Phó trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo Nga Sơn Phạm Văn Úy, cho biết: Ngoài việc triển khai các văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục & Đào tạo, tại các hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, lãnh đạo phòng Giáo dục & Đào tạo đã chỉ đạo các trường phải chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Nếu đơn vị nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND, phòng Giáo dục & Đào tạo huyện.

Để tránh việc lợi dụng tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp, vừa qua, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ra Thông tư số 16 có hiệu lực từ ngày 18/9/2018 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, theo thông tư quy định: Các cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung như: Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục... Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục được nhận tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành. Các cơ sở giáo dục không được quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp.Việc quản lý, sử dụng các khoản tài trợ phải theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và không để thất thoát, lãng phí.

Hi vọng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm cao từ Trung ương tới địa phương, tình trạng lạm thu đầu năm học sẽ được đẩy lùi và tiến tới chấm dứt, trả lại cho môi trường giáo dục sự mô phạm vốn có.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]