(vhds.baothanhhoa.vn) - Giáo dục giới tính cho học sinh là cách để giúp các em hình thành những quan điểm đúng đắn về sức khỏe sinh sản và có các kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân. Đây là nhiệm vụ không chỉ của các cấp, ngành, nhà trường mà còn là nhiệm vụ của các bậc phụ huynh và mỗi học sinh.

Giáo dục giới tính cho học sinh: Vẽ đúng đường cho “hươu” chạy

Giáo dục giới tính cho học sinh là cách để giúp các em hình thành những quan điểm đúng đắn về sức khỏe sinh sản và có các kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân. Đây là nhiệm vụ không chỉ của các cấp, ngành, nhà trường mà còn là nhiệm vụ của các bậc phụ huynh và mỗi học sinh.

Giáo dục giới tính cho học sinh: Vẽ đúng đường cho “hươu” chạyMột tiết học về giáo dục giới tính của Trường THCS Thiệu Dương.

Thầy giáo Vũ Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) cho biết: "Các em trong độ tuổi THCS thường bắt đầu có sự thay đổi về tâm sinh lý, sự tò mò về giới, tình cảm khác giới. Vì vậy, nếu không giáo dục giới tính để học sinh hiểu và có nhận thức đúng ngay từ đầu thì có thể sẽ dẫn tới những nhận thức lệch lạc về sau, những hành động không đúng chuẩn mực".

Xác định được tầm quan trọng đó, nhà trường thường xuyên cho học sinh tiếp cận với giáo dục giới tính từ nhiều khía cạnh, phương diện như thông qua các hoạt động tập thể, hoạt động ngoại khóa. Nhà trường cũng phối hợp với đoàn thanh niên phường, trạm y tế phường, các báo cáo viên có chuyên môn, trình độ để trực tiếp truyền dạy cho học sinh các kiến thức về sức khỏe sinh sản. Ngoài ra còn tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: thông qua các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên giữa các khối lớp với nhau; mời các diễn giả về nói chuyện, chia sẻ với học sinh các kiến thức về tình bạn, tình yêu lứa tuổi học trò. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tích cực lồng ghép giáo dục giới tính cho học sinh thông qua các môn học như Giáo dục công dân, Sinh học, Ngữ văn...

Em Nguyễn Hà My, học sinh Trường THCS Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Thông qua các chương trình ngoại khóa, các bài học về giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên do nhà trường tổ chức, chúng em đã có thêm kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình. Đồng thời, chúng em có cách ứng xử phù hợp với bạn bè, đặc biệt là bạn khác giới.

Cô giáo Nguyễn Thị Tú, giáo viên dạy văn, Trường THCS Thiệu Dương, cho biết: Việc giáo dục giới tính cho học sinh được lồng ghép thông qua các tiết học. Bên cạnh đó, giáo viên luôn là những người thường xuyên gần gũi, nắm bắt thông tin, từ đó giúp các em học sinh tiếp cận được với các vấn đề giáo dục giới tính một cách dễ dàng hơn. Ở lứa tuổi này, luôn có mong muốn tìm hiểu về giới tính, nếu lên trường thầy cô né tránh, về nhà gia đình ngại chia sẻ thì học sinh sẽ lựa chọn phim ảnh, internet như là phương tiện để giải đáp sự tò mò của bản thân. Nếu không được quan tâm, hướng dẫn, không ít em sẽ có hành động để lại hậu quả đáng tiếc...

Lực chọn phương án giáo dục giới tính cho học sinh lồng ghép cùng các hoạt động khác như: phòng chống bạo lực học đường, trật tự an toàn giao thông, kỹ năng lái xe an toàn... Trường THCS Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) đã phối hợp với Đoàn thanh niên phường, Công an TP Thanh Hóa, Công ty TNHH Ngôi Sao (TP Thanh Hóa) tổ chức tuyên truyền về các quy định pháp luật. Đồng thời trả lời các câu hỏi liên quan đến kiến thức về trật tự an toàn giao thông, quy tắc và các tình huống thường gặp khi tham gia giao thông, nguyên nhân các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông, các kỹ năng tham gia giao thông an toàn; truyền đạt các kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên; trang bị những kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục. Ngoài ra, Công an thành phố còn tuyên truyền về nguyên nhân của bạo lực học đường, những hậu quả nặng nề mà bạo lực học đường mang đến đối với học sinh, nhà trường và toàn xã hội, đồng thời, hướng dẫn cụ thể cách giải quyết trong những tình huống có thể xảy ra...

Cô giáo Đỗ Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) cho biết: “Ngoài những chương trình ngoại khóa thì hoạt động giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cũng được nhà trường quan tâm, triển khai đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh thông qua việc lồng ghép trong các môn học và các buổi tư vấn trực tiếp cho học sinh”.

Giáo dục giới tính cho học sinh không phải là “vẽ đường cho hươu chạy” mà là chỉ cho “hươu” đường đi đúng đắn, an toàn nhất. Bởi nếu không được giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản, các em sẽ tự tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin không chính thống, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc, đau lòng.

Hoạt động giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên mặc dù đã được các cấp, ngành giáo dục trong tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để hoạt động này đạt hiệu quả như mong muốn, ngành giáo dục cần tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tham gia giáo dục giới tính ở các trường học; nâng cao chất lượng giảng dạy lồng ghép các nội dung giáo dục giới tính trong giờ chính khóa. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động ngoại khóa về giới tính; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn tâm lý học đường trong các trường; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục giới tính cho học sinh...

Bài và ảnh: Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]