(vhds.baothanhhoa.vn) - Tháng 11 ở vùng biên, cái lạnh đã ùa về thổi qua những lớp học và khu nhà ở của giáo viên dựng tạm bằng phên nứa để cắm bản. Tháng 11 vùng biên không chỉ đẹp bởi hoa đào bắt đầu kết nụ khoe sắc, mà rực rỡ hơn bởi những bông hoa trong lớp học nằm lưng chừng núi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hoa nở tháng 11

Tháng 11 ở vùng biên, cái lạnh đã ùa về thổi qua những lớp học và khu nhà ở của giáo viên dựng tạm bằng phên nứa để cắm bản. Tháng 11 vùng biên không chỉ đẹp bởi hoa đào bắt đầu kết nụ khoe sắc, mà rực rỡ hơn bởi những bông hoa trong lớp học nằm lưng chừng núi.

Gần 30 năm là giáo viên cắm bản

Vượt qua quãng đường hơn 20 km từ trung tâm xã Tam Chung vào bản Suối Lóng với một bên là vách núi chon von, một bên là vực sâu hun hút. Con đường cũng lởm chởm đất đá bởi hàng nghìn khối đất từ trên đồi đổ ập xuống trong cơn lũ dữ cách đây 3 tháng. Sau gần một giờ đồng hồ hết rồ ga lên dốc rồi vừa đi bộ vừa đẩy xe, chúng tôi cũng đến được nơi cần đến. Thầy Hà Văn Cát đón chúng tôi bằng nụ cười tươi rói: “Lâu lắm rồi thầy trò bản Suối Lóng mới có khách vào thăm”. Lũ trẻ như được thầy Cát dặn dò trước, xếp hàng ngay ngắn chào khách bằng tiếng phổ thông còn chưa sõi rồi lại tụm năm tụm bảy với trò chơi nhảy lò cò trên nền đất.

5 năm về trước, tôi cũng có dịp gặp thầy Cát ở điểm trường bản Ón, xã Tam Chung. Khi đó thầy Cát cùng 3 thầy cô khác bám lớp bám trường tại bản người Mông này. Thầy Cát nhớ lại:Khi đó, lớp học ở bản Ón chỉ là những phòng học dựng tạm bằng phên nứa. Học trò nghèo chân không giày dép, áo quần mỏng tang co ro đến lớp. Khu phòng ở của giáo viên cũng chỉ là căn phòng được dựng bằng phên nứa. 8 thầy, cô giáo tiểu học và mầm non chung nhau trong 1 phòng ở ngăn đôi, từng cơn gió lạnh rít qua từng lỗ hổng trên mái lợp tạm bằng lá cọ. Thầy Cát bảo với tôi: “Hơn 30 năm rồi mình là giáo viên cắm bản nên quen với cuộc sống và trò nghèo ở bản rồi. Mấy lần nhà trường cho mình về khu trung tâm dạy học nhưng mình không muốn về. Vì thế, năm nay mình lại đến với trẻ em bản Suối Lóng”.

Có lẽ, chỉ những người ở lại với vùng cao hơn nửa đời người như thầy Cát mới hiểu được vùng đất này và những đứa trẻ nơi đây cần gì. Không phải là cuộc sống ngày 2 buổi theo cha mẹ địu em lên rẫy, chúng được đến trường học chữ, được vui chơi trong sự yêu thương của những thầy cô giáo cắm bản.

Câu chuyện của chúng tôi ngắt quãng bởi tiếng vài đứa học trò gọi thầy Cát, lúc thì “thầy ơi em nhặt rau nhé”,hay “hôm nay nấu bao nhiêu lon gạo hả thầy?”. Thầy Cát nói: "Ở đây, các thầy cô giáo xem bọn trẻ như con mình vậy. Những hôm học 2 buổi, mấy đứa học sinh nhà ở xa chẳng thể đi bộ về được, thầy trò lại nấu cơm ăn chung. Bữa cơm chỉ có thêm ít rau rừng hay măng rừng các em mang từ nhà đi, có hôm nấu mì tôm làm canh, chỉ những hôm đầu tuần có chút đồ tươi như thịt, cá để cải thiện do mình mua từ thị trấn Mường Lát".

Thầy Hà Văn Cát, giáo viên Trường Tiểu học Tam Chung đã có gần 30 năm gắn bó với vùng biên Mường Lát.

Thầy Cát lên với vùng biên Mường Lát từ năm 1991, từ khi huyện Mường Lát chưa chia tách từ huyện Quan Hóa cũ. Tôi hỏi thầy Cát: “Chừng ấy năm là giáo viên cắm bản, thầy Cát có kỷ niệm nào đáng nhớ dịp 20/11 không?” Thầy Cát bảo: "20/11 của giáo viên cắm bản chẳng ồn ào như phố huyện nhưng lũ trẻ cũng mang hoa rừng đến tặng thầy cô giáo. Hôm đó, trên mỗi bàn giáo viên trong lớp học sẽ có một lọ hoa. Nhưng món quà lớn nhất của những giáo viên cắm bản là học trò thường xuyên đến lớp, sĩ số lớp học không vơi đi sau mỗi cái tết hay mùa lúa rẫy”.

Hành trình “đi xin” cơm có thịt và áo ấm cho học trò

Chia tay thầy Hà Văn Cát và học sinh bản Suối Lóng, tôi tìm về với Trường Tiểu học Trung Lý để nghe kể câu chuyện về những người thầy “đi xin” từng bữa cơm có thịt, bộ áo ấm, từng đôi dép tổ ong cho học trò nghèo vùng biên. Bởi “hành trang đến trường của học sinh miền núi chỉ là vài cân gạo, vài quả bí ngô, măng rừng và 20 nghìn đồng để chi tiêu trong một tuần thì lấy đâu ra tiền mua áo ấm hay góp với nhau để có một bữa cơm có thịt” - thầy Lê Quang Tùng, giáo viên Trường Tiểu học Trung Lý nói với tôi. Thầy Tùng cũng có gần 30 năm gắn bó với giáo dục vùng biên, cũng chừng ấy năm thầy đi xin gạo, áo ấm, giầy dép cho lũ trẻ nghèo vượt núi đến trường.

Thầy Tùng nói: “Chương trình cơm có thịt và khu nhà ở bán trú cho học sinh được nhà trường triển khai từ năm 2014 thông qua việc các thầy cô nhà trường kêu gọi sự hỗ trợ từ bạn bè và các nhà hảo tâm nhằm giúp các em học sinh nội trú có bữa cơm ngon, đủ sức khỏe để tiếp tục hành trình đi tìm con chữ. Hành trình ấy đã có không ít những gian nan, đôi khi các thầy cô giáo lại trở thành những lái buôn, buôn bán các sản vật như măng khô, khoai mán để lấy lãi gây quỹ, góp thêm vào bữa cơm của các em”.

Thầy Tùng kể cho tôi nghe về những thầy cô giáo cũng đã ngót 30 năm ở lại vùng biên Mường Lát, gắn bó với giáo dục vùng cao như một duyên nợ. Câu chuyện về thầy giáo Hoàng Văn Thành (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung) “đi xin” từng cái áo ấm, từng đôi dép cho học sinh vào mỗi mùa đông lạnh giá. Hay câu chuyện về những cô giáo sau giờ lên lớp lại trở thành đầu bếp, xuống nấu từng bữa cơm cho học trò nghèo... Họ đã sống và cống hiến cả tuổi thanh xuân cho mảnh đất biên cương này bằng cái tâm nhiệt thành và cả trái tim yêu thương của nhà giáo.

Hoa nở trong lớp học

Sân Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Tam Chung đã rộn ràng tiếng nô đùa của học sinh. 3 tháng trước, tôi có mặt ở trường sau khi cơn lũ lịch sử đi qua. Mọi thứ ngổn ngang với khu nhà bán trú học sinh bị đất đá vùi lấp, hư hỏng. Sau lũ, thầy và trò nhà trường động viên nhau bám trường, bám lớp tiếp tục sự nghiệp trồng người trong ngổn ngang bùn đất. Thầy Phạm Văn Kiên - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Tam Chung nhớ lại: “Khi đó vừa thương học trò vất vả, vừa lo những nguy hiểm chực chờ, các thầy cô nhà trường tìm mọi cách cho các em học sinh ở lại trường, lấy tạm khoảng sân của khu nhà ở giáo viên làm bếp ăn tạm cho học sinh, bớt cho các em đi bộ mấy chục cây số đến trường”.

Ở vùng cao, giáo viên và học sinh cũng quen dần với lũ và sạt lở đất. Tôi đi qua sân Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Tam Chung đã nghe tiếng lũ trẻ nô đùa trong giờ ra chơi. Cô giáo Thủy lại cùng đám học trò tưới cho mấy bồn hoa ở khuôn viên nhà trường may mắn không bị đất đá vùi lấp khi ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến gần.

Với những người thầy gần nửa đời người gắn bó với giáo dục vùng biên như thầy Cát, thầy Tùng, thầy Kiên thì học trò là tài sản quý giá nhất vừa là lẽ sống, mục tiêu. Họ đã sống và cống hiến cả tuổi thanh xuân cho giáo dục vùng biên, nơi mà nỗi lo về cái đói và mưa lũ thường trực hơn cả nỗi lo thất học. Tháng 11 vùng biên, hoa nở khắp cả một góc rừng nhưng vẫn có những bông hoa đẹp nhất nở bên trong những lớp học nằm lưng chừng dốc núi.

Linh Nga


Linh Nga

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]