(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đã được áp dụng đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Phát huy tinh thần nỗ lực, năng động, sáng tạo, cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh và cả nước, huyện Nga Sơn đang tích cực, chủ động “gỡ khó”, từng bước thực hiện có hiệu quả Chương trình này.

Huyện Nga Sơn “gỡ khó” thực hiện Chương trình GDPT 2018

Năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đã được áp dụng đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Phát huy tinh thần nỗ lực, năng động, sáng tạo, cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh và cả nước, huyện Nga Sơn đang tích cực, chủ động “gỡ khó”, từng bước thực hiện có hiệu quả Chương trình này.

Nga Sơn là một trong những vùng đất giàu truyền thống hiếu học. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tổ chức chỉ đạo của chính quyền, sự chăm lo của Nhân dân, hệ thống trường lớp học không ngừng được quan tâm đầu tư.

Huyện Nga Sơn “gỡ khó” thực hiện Chương trình GDPT 2018

Những tiết học toán trở nên sinh động, hấp dẫn hơn với các thiết bị dạy học thông minh tại Trường Tiểu học Nga Thiện 1 (Nga Sơn).

Hiện nay, toàn huyện có 75/82 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 91,46%), trong đó có 25/27 trường mầm non, 26/26 trường tiểu học, 20/24 trường THCS, 2/2 trường TH và THCS, 2/3 trường THPT.

Đội ngũ cán bộ quản lý các nhà trường năng động, nhiệt tình, nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Đội ngũ giáo viên giỏi các cấp tăng hằng năm, luôn được tạo điều kiện để phát huy năng lực và nâng cao chất lượng công tác giảng dạy.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình GDPT mới cũng đặt ra một số khó khăn, thách thức đối với huyện Nga Sơn. Cụ thể, số học sinh THCS giảm nhanh nên một số trường THCS trên địa bàn huyện hiện nay có quy mô nhỏ, học sinh ít. Phần lớn các trường này nằm trong lộ trình sáp nhập với trường tiểu học vào năm 2024. Trong khi đó, số học sinh tiểu học tăng, dẫn đến khó khăn cho việc bố trí đội ngũ giáo viên, nhân viên.

Huyện Nga Sơn “gỡ khó” thực hiện Chương trình GDPT 2018

Đội ngũ giáo viên, nhân viên cơ bản đủ về số lượng nhưng thừa, thiếu, mất cân đối giữa các môn, giữa các bậc học. Đặc biệt, ở bậc tiểu học không đủ 1 giáo viên cơ bản/ lớp, giáo viên hợp đồng không có hoặc khó tuyển dụng do lương thấp, buộc phải sáp nhập lớp gây khó khăn cho việc dạy học. Đối với bậc mầm non, huyện Nga Sơn có 477 giáo viên/626 giáo viên theo chỉ tiêu của UBND tỉnh, thiếu 149 giáo viên. Ở bậc học tiểu học hiện có 586 giáo viên/626 chỉ tiêu, thiếu 40 giáo viên.

Hiện nay, cũng chưa có quy định cụ thể về vị trí việc làm, biên chế cho các phòng giáo dục, ảnh hưởng việc chỉ đạo các hoạt động chuyên môn và hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, các điều kiện phục vụ dạy chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số trường đạt chuẩn quốc gia nhưng chưa được quan tâm đúng mức về xây dựng cơ sở vật chất; nhiều lớp học xuống cấp, chật chội, thiếu điều kiện tổ chức các hoạt động giáo dục.

Huyện Nga Sơn “gỡ khó” thực hiện Chương trình GDPT 2018

Số học sinh tiểu học trên địa bàn huyện tăng, dẫn đến khó khăn cho việc bố trí đội ngũ giáo viên, nhân viên.

Với phương châm khó đến đâu tháo gỡ đến đó, ngay từ đầu năm học 2022-2023, công tác tham mưu thực hiện chương trình GDPT mới đã được ngành giáo dục Nga Sơn khẩn trương triển khai. Huyện tập trung rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDPT mới. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 2820/QĐ-UBND ngày 27-7-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó hướng đẫn các trường trong diện sáp nhập rà soát quy mô trường, lớp học trong 2 năm tới và các điều kiện cơ sở vật chất hiện có để tham mưu với địa phương trong việc quy hoạch các khối công trình và xây dựng bổ sung cơ sở vật chất cho các trường học.

Về đội ngũ, UBND huyện đã trình UBND tỉnh và được phép tuyển dụng 20 viên chức sự nghiệp giáo dục, đến thời điểm hiện tại đã thực hiện thi tuyển được 14 viên chức, đang chờ để bố trí, sắp xếp vị trí việc làm. Huyện trình UBND tỉnh cho phép tuyển dụng thêm 50 giáo viên mầm non; tiếp tục bố trí cân đối số lượng giáo viên tiểu học hiện có cho các trường học. Tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp cụ thể trong việc giải quyết số giáo viên THCS dôi dư để bổ sung số giáo viên tiểu học còn thiếu.

Tiếp tục chỉ đạo các trường học tổ chức tốt việc tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên về chương trình GDPT 2018. Đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia đầy đủ, học tập có hiệu quả các lớp chuyên đề, chương trình bồi dưỡng thường xuyên do Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT tổ chức.

Về cơ sở vật chất, Phòng GD&ĐT huyện tham mưu cho UBND huyện có văn bản chỉ đạo hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương xây dựng bổ sung các điều kiện còn thiếu nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chương trình giáo dục mới. Tiếp tục chỉ đạo các trường học tổ chức kiểm kê, rà soát số thiết bị và các điều kiện hiện có, tiết kiệm ngân sách mua sắm bổ sung đồ dùng, thiết bị theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo và hướng dẫn các trường đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy học phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ…

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]