(vhds.baothanhhoa.vn) - Con chuẩn bị vào lớp 1, nhiều bậc phụ huynh vội vàng đi tìm thầy rèn chữ, những mong con theo kịp bạn bè. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện này, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra...

Khi cha mẹ tìm “lò” luyện chữ cho con

Con chuẩn bị vào lớp 1, nhiều bậc phụ huynh vội vàng đi tìm thầy rèn chữ, những mong con theo kịp bạn bè. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện này, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra...

Khi cha mẹ tìm “lò” luyện chữ cho conỞ lớp mẫu giáo lớn (5-6 tuổi) của bậc mầm non, trẻ làm quen với chữ cái, con số...

Đồng thuận “ngầm”

Con nghỉ hè được 10 ngày, chị Vân Linh ở phường Long Anh (TP Thanh Hóa) gọi điện cho những người bạn có con năm nay vào lớp 1 để hỏi về cô giáo luyện chữ đẹp. Rất nhiều giáo viên đã được bạn bè giới thiệu và cuối cùng chị Linh chọn một cô giáo trong nội thành, cách nhà chị khoảng 5km. “Rất hoang mang, lo lắng khi con hầu như chưa biết được gì, bảng chữ cái không nhớ, chưa viết thành thạo được chữ nào, vào lớp 1 như thế này sẽ rất khó khăn nên tôi quyết định đưa con đi luyện chữ”, chị Linh bộc bạch.

Mai Nhi là một đứa trẻ sinh vào cuối năm 2016, là con của chị Lam Nhung ở thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn). Theo suy nghĩ của chị Nhung, nếu con chị vào lớp 1 sẽ “non” hơn các bạn khoảng vài tháng. Chính vì vậy, chị cần phải đưa con đi tìm thầy luyện chữ. Chị nói: “Không luyện chữ, luyện đọc trước thì con không thể theo kịp các bạn. Theo tôi, đây là giải pháp hữu hiệu nhất...”.

Hầu như các bậc phụ huynh có con vào lớp 1 đều có một sự đồng thuận ngầm: con phải đọc thông, viết thạo vì vậy con cần đi học lớp tiền tiểu học. Hơn nữa, ở mầm non, mới dừng ở việc để trẻ làm quen với chữ cái, con số, tập tô màu con số, chữ cái đó. Và theo quan điểm của nhiều ông bố, bà mẹ, việc làm quen này không có nhiều tác dụng, nhất là sau khi chia tay bậc mầm non, các trẻ lại bước vào 3 tháng nghỉ hè thì lại càng nhanh quên hơn. Nếu không cho luyện chữ thì con của họ sẽ thành “lạc hậu” và kém cỏi.

Và nghịch lý

Khẳng định, học viết là một công việc khó khăn bởi con chữ cần viết đúng độ rộng, độ cao, khoảng cách giữa các con chữ... Không dừng ở đây, viết chuẩn, viết đẹp cần phải biết được cách cầm bút, đặt bút như thế nào cho đúng. Điều này lý giải thêm một nguyên nhân, vì sao một số phụ huynh, dù con đã biết viết vẫn muốn đưa con đi luyện chữ vì con viết còn xấu, không đúng ô, đúng dòng...

Nhưng theo quan điểm của những người trong ngành, đang có sự mâu thuẫn. Theo Tiến sỹ Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý, Trung ương Hội khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, luyện viết trước khi vào lớp 1 là vô tình thui chột hứng thú học của trẻ. Bởi nếu khi trẻ đã biết hết, cô giáo sẽ dạy nhanh. Khi đó, những trẻ không được dạy trước lại trở thành nạn nhân vì không được quan tâm, phải chạy đua để theo kịp các bạn khác. Hoặc theo một vị cán bộ khác của ngành cũng cho rằng, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 mới bắt đầu học chữ. Vì vậy, nếu cho trẻ học chữ, viết chữ trước là sai. Sai cả thầy dạy và sai cả phụ huynh.

Tuy nhiên, không ít giáo viên lại “khó chịu” khi trẻ vào lớp 1 nếu chưa đọc thông viết thạo hoặc thường so sánh con của phụ huynh này với phụ huynh kia nếu bạn này viết đẹp hơn... Chị Cẩm Di ở phường An Hoạch (TP Thanh Hóa) cho biết, một năm về trước, con chị vào lớp 1. Trước đó, con chưa hoàn toàn thuộc bảng chữ cái, kém về viết nhưng vì bận công việc nên không thể đưa con đi luyện chữ. Chị Di nhớ lại: “Khi con vào lớp, thực tế là con thua rất nhiều bạn. Mỗi lần đến đón con, cô giáo thường nhăn mặt và nói, con viết chậm và xấu quá, bố mẹ về nhà nên rèn thêm cho con. Nhưng khi về luyện thêm cho con ở nhà, hôm sau cô nhắn tin lên nhóm của lớp, nói chung chung rằng, bố mẹ không được dạy con viết ở nhà, vì nếu dạy không đúng sẽ làm mất nét chữ, càng làm cho con viết sai. Vậy phụ huynh biết phải làm sao”.

Cũng một năm về trước, khi đấy Li Na, con của anh Lê Dân ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) học lớp 1. Thời gian đầu khi con mới vào lớp, đi học về anh Dân thường thấy nét mặt của con không vui. Gặng hỏi thì con bảo, cô giáo thường khen các bạn viết nhanh, viết đẹp còn con anh viết xấu nên không được khen. Anh Dân kể lại: “Có lần, chính giáo viên đã gặp tôi và hỏi, hè có cho con đi luyện chữ không. Giờ phần lớn các bạn trong lớp đều đọc tốt, viết tốt nhưng còn một số bạn học rất kém, trong đó có con tôi khiến cả cô và trò đều vất vả”.

Qua 2 câu chuyện, cho thấy, bản thân giáo viên cũng đặt ra những tiêu chuẩn đối với trẻ khi vào lớp 1, như chia sẻ của một giáo viên tiểu học trên địa bàn TP Thanh Hóa, nếu học sinh biết càng nhiều thì càng đỡ cho cô, cô lại có thời gian để kèm các bạn khác. Chính vì vậy, học sinh nào trước đó đã được đến các “lò” luyện chữ thì rõ ràng rất được cô ưu ái và chắc chắn, vì điều này mà giáo viên cũng sẽ nhàn hơn. Nếu muốn vậy, phụ huynh không thể không đưa con đi tìm thầy dạy chữ, vì với họ, đó là một hành trang tốt cho con vào lớp 1, con đỡ thua bạn kém bè mà lại không bị giáo viên phàn nàn... Suy cho cùng, sự lựa chọn nào cũng có những nguyên nhân của nó...

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]