(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều quan điểm trái chiều đã được đưa ra khi hội đồng trường (HĐT) có sự tham gia của học sinh. Trong đó, liệu để học sinh vào HĐT có thực sự phát huy được hiệu quả?

Khi học sinh vào... hội đồng trường

Nhiều quan điểm trái chiều đã được đưa ra khi hội đồng trường (HĐT) có sự tham gia của học sinh. Trong đó, liệu để học sinh vào HĐT có thực sự phát huy được hiệu quả?

Khi học sinh vào... hội đồng trườngChi đội trưởng lớp 7A, học sinh Lê Vũ Khánh Ly (đứng) thành viên HĐT Trường THCS Yến Sơn (Hà Trung).

Phải chọn học sinh ưu tú

Năm học 2021 - 2022, học sinh Lê Thị Khánh Linh, Bí thư chi đoàn, lớp trưởng lớp 12 C12, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa) được lựa chọn là thành viên trong HĐT.

Đến thời điểm hiện tại, Lê Thị Khánh Linh đã tham gia 3 cuộc họp cùng với các thành viên khác trong HĐT. Theo chia sẻ của Linh, ở cuộc họp thứ nhất, em chỉ lắng nghe, không tham gia phát biểu. Lê Thị Khánh Linh nhớ lại: “Đứng trong HĐT là vinh dự nhưng thực sự cũng áp lực vì không biết khi tham gia em sẽ làm được gì. Nhưng khi đã xác định rõ, bản thân là đại diện cho tiếng nói học sinh nhà trường, mang tâm tư, nguyện vọng của các bạn gửi đến thầy cô thì em bình tĩnh hơn. Phải đến cuộc họp lần 2 và 3, em mới tự tin đứng lên phát biểu về những vấn đề liên quan đến học sinh”.

Đối với Lê Vũ Khánh Ly, Chi đội trưởng lớp 7A, một thành viên trong HĐT, Trường THCS Yến Sơn (Hà Trung) thừa nhận: “Vào HĐT, em rất lo vì bản thân nhỏ tuổi nhất, cũng có những sự lúng túng nhưng khi được các thầy cô động viên, chia sẻ, em mạnh dạn hơn, dù vậy vẫn cần thêm sự tự tin”.

HĐT với nhiệm vụ về chiến lược, tầm nhìn và kế hoạch, mục tiêu phát triển nhà trường, các dự án trong từng giai đoạn và từng năm học... của nhà trường. Theo Điểm B, Khoản 1, Điều 10 Thông tư 32 ngày 15-9-2020 về Điều lệ trường THCS và THPT thì học sinh là một trong những thành viên HĐT. Đa số các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã triển khai, thực hiện, còn cấp THCS, mới có một số địa phương thực hiện.

Đối với những đơn vị đã thực hiện thì phần lớn đều cho rằng, việc học sinh vào HĐT cần có sự lựa chọn nghiêm túc, ở đó học sinh phải có đầy đủ yếu tố khi tham gia. Theo thầy Chu Hồng Văn, Hiệu trưởng, Chủ tịch HĐT Trường THPT Đào Duy Từ: “Phải chọn đúng người, đấy là tiêu chí đầu tiên. Phải là học sinh ưu tú với nhiều thành tích tốt trong học tập, có phẩm chất đạo đức và có tầm ảnh hưởng đến học sinh. Chọn đúng thì thực hiện nhiệm vụ sẽ tốt”...

Tránh tình trạng chỉ lắng nghe mà không phát biểu

Học sinh vào HĐT, có nhiệm vụ cùng các thành viên khác quyết định những quyết sách của nhà trường. Vấn đề đặt ra, học sinh vào HĐT có phát huy được hiệu quả? Thầy Lê Văn Dị, Hiệu trưởng, Chủ tịch HĐT, Trường THPT Quảng Xương 1 (Quảng Xương), cho rằng: “Nhà trường đã có học sinh vào HĐT. Nhưng theo tôi, chưa phát huy được hiệu quả. Tôi nói như vậy vì nhà trường có 2 nội dung quan trọng nhất đó là nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường trang thiết bị, đồ dùng dạy học. 2 vấn đề này, học sinh tham mưu thế nào. Hoàn toàn rất khó, vì vậy tôi thấy có những cái bất cập khi đưa học sinh vào HĐT”. Còn theo ông Lê Huy Nhị, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thọ Xuân: “Theo quan điểm của tôi, đối với cấp THCS, học sinh không nên vào HĐT vì có cần dân chủ đến mức phải đưa học sinh vào? Nếu trong trường hợp các em chưa hiểu, chưa biết gì mà để các em tham gia, vô tình sẽ tạo thêm áp lực”.

Khi học sinh vào... hội đồng trườngHiệu trưởng Chu Hồng Văn, Chủ tịch HĐT Trường THPT Đào Duy Từ trao đổi một số vấn đề liên quan đến học sinh với thành viên HĐT - học sinh Lê Thị Khánh Linh.

Với những quan điểm trên, rõ ràng học sinh cần phải tạo niềm tin, mà niềm tin ở đây được “đo” bằng sự hiểu biết, năng lực, trình độ thì mới có một “chỗ đứng” đúng nghĩa ở HĐT. Nếu không, ngay cả khi đã là thành viên của HĐT thì vai trò cũng rất mờ nhạt. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hà Trung lại đưa ra đánh giá khách quan hơn: “100% các trường THCS trên địa bàn huyện đã có học sinh tham gia vào HĐT. Đây là việc rất cần thiết vì học sinh được hiểu biết về kế hoạch nhà trường và đại diện cho học sinh nhà trường để bày tỏ những suy nghĩ, nguyện vọng...”. Ở Trường THCS Yến Sơn (Hà Trung), Hiệu trưởng Lê Thị Hương, Chủ tịch HĐT, khẳng định: “Học sinh vào HĐT đã phát huy được vai trò của bản thân trong việc thông tin 2 chiều từ nhà trường đến học sinh, từ học sinh đến nhà trường. Tất nhiên, trong các phiên họp, học sinh cũng chưa thực sự chủ động nhưng khi được hỏi thì em cũng có trình bày tâm tư của bản thân cũng như học sinh khác”.

Như vậy thì không chỉ thực hiện đúng quy trình, đủ thành phần mà quan trọng làm thế nào để học sinh không chỉ ngồi để lắng nghe mà còn phải biết đứng dậy để có ý kiến. Đây là điều quan trọng để phát huy hiệu quả khi học sinh tham gia vào HĐT. Theo chia sẻ của hiệu trưởng Chu Hồng Văn, Chủ tịch HĐT Trường THPT Đào Duy Từ: Nếu trước đây, không có học sinh trong HĐT có thể các chủ trương, giải pháp của thầy cô chỉ áp đặt một chiều, giờ các em sẽ có những phản hồi, rất cần thiết và có giá trị. Bởi giáo viên không chỉ dạy chuyên môn mà còn phải nắm bắt được tâm lý của học sinh. Hiệu trưởng Chu Hồng Văn nhấn mạnh: “Học sinh đã vào HĐT thì nên tránh tình trạng để các em ngồi im. Chủ tịch HĐT phải biết khơi dậy, dẫn dắt, phải tìm những điểm liên quan để mời học sinh phát biểu. Đừng để các em ngại ngùng, e dè mà phải cho các em thấy được vai trò của bản thân, thấy được sự tôn trọng của người khác dành cho mình. Có như vậy thì mới phát huy tác dụng”.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]