Ở miền núi, nhất là ở những ngôi trường vùng sâu, vùng xa, ngày Nhà giáo Việt Nam có rất nhiều điều đặc biệt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ký ức về ngày 20-11 của những người thầy vùng cao

Ở miền núi, nhất là ở những ngôi trường vùng sâu, vùng xa, ngày Nhà giáo Việt Nam có rất nhiều điều đặc biệt.

Ký ức về ngày 20-11 của những người thầy vùng caoCô và trò học sinh lớp 1A, Trường TH Lâm Phú chụp ảnh lưu niệm ngày 20-11. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

1.Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, không khí trầm lắng hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn là cảm giác bồi hồi đối với những người trong nghề. 26 năm về trước, cô giáo Trịnh Thị Luận về công tác tại Trường Tiểu học (TH) Cẩm Lương (nay là Trường TH&THCS Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy). 26 năm đồng nghĩa với 26 cái tết của nhà giáo. Tết nào cũng là những kỷ niệm đẹp đối với cô Luận.

Ký ức về ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên đối với cô giáo Luận thật đặc biệt. “Tôi không thể quên những hình ảnh của ngày 20-11 đầu tiên trong nghề. Ngày đấy, điều kiện về kinh tế, đường giao thông còn rất khó khăn. Trường cách nhà 16km và đi dạy bằng xe đạp. Tôi dạy ở khu lẻ, cách khu chính 3km đường đồi, chỉ đi bộ không thể đi xe đạp. Ngày 20-11, rất xúc động, khi trò chúc mừng cô bằng nải chuối, cây mía. Cô trò vui vẻ cùng ăn và hát. Trò hồn nhiên lắm, có em ăn xong, nói rất to: Ăn no rồi, về thôi...”, cô giáo Luận nhớ lại.

2. Ngày 20-11, ngày tri ân đối với nhà giáo. Hoa chúc mừng của trò bao giờ cũng là những bông hoa đẹp nhất. Với giáo viên vùng cao, trước đây, trò tặng cô chỉ có hoa rừng. Về công tác cùng trường với cô giáo Luận sau 2 năm, cô giáo Phạm Thị Lan bồi hồi kể lại: “Có rất nhiều bất ngờ, thú vị. Vui nhất với tôi đấy là trò hái hoa rừng chúc mừng cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Có những em kết thành bó với đủ loại hoa: mua rừng, mười giờ, mào gà... Có thể học trò chưa hiểu hết được ý nghĩa của các loài hoa nhưng với các em, đấy là những bông hoa đẹp nhất để mang tặng cô giáo. Tôi rất trân trọng. Ở vùng khó, với giáo viên chúng tôi, đó là nguồn động viên rất lớn”.

Trường TH&THCS Cẩm Lương, trước đây thuộc vùng 135. Đây là một trong những ngôi trường còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất ở huyện Cẩm Thủy. Bàn ghế học sinh xuống cấp, trang thiết bị dạy và học còn thiếu. Lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, nhất là trong các năm từ 2017 - 2019, lũ về, nước ngập lên đến tầng 2. Hiện, nhà trường còn thiếu 10 giáo viên. Tuy nhiên, trong khó khăn, cán bộ, giáo viên vẫn luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn ngày càng được nâng lên. Trong nhiều năm, nhà trường luôn có học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh.

Ký ức về ngày 20-11 của những người thầy vùng cao

Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam của cô và trò lớp 1B, Trường TH&THCS Cẩm Lương. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Ngày 20-11 năm nay, nhà trường chỉ tổ chức tọa đàm mà không giao lưu văn hóa, văn nghệ. Hiệu trưởng Trường TH&THCS Cẩm Lương, thầy giáo Nguyễn Khang Quang cho biết: “Ngày 20-11 ở vùng cao với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Dù còn khó khăn nhưng vào ngày tết của nhà giáo, rất ấm áp, thân tình. Hai năm nay, do dịch nên các lớp không tổ chức, nhưng thường thì cứ đến ngày 20-11, các thầy cô sẽ mua quà và cùng học sinh liên hoan chúc mừng ngay tại lớp học”.

3. Quê ở huyện Đông Sơn nhưng ngay sau khi ra trường vào năm 1995, cô giáo Trịnh Thị Xuân lên công tác tại huyện miền núi Lang Chánh. Chị đã từng làm việc tại Trường TH Tam Văn và sau này là Trường TH Lâm Phú. 26 năm gắn bó với miền núi, nhiều câu chuyện trong nghề được chị chia sẻ bằng niềm đam mê, nhiệt huyết. Trong không khí ngày tết các nhà giáo, chị phấn chấn: “Ở trên này, học trò còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng rất tình cảm, gần gũi, đặc biệt vào ngày 20-11. Tôi nhớ vào ngày Nhà giáo Việt Nam, có học trò mang tặng cô một bó măng rừng, có em tặng cô vài bò gạo nếp. Đấy là những món quà của núi rừng, rất quý”.

Trường TH Lâm Phú là một trong những trường vùng sâu, vùng xa của huyện Lang Chánh, điều kiện dạy và học còn nhiều khó khăn. Giáo viên thiếu, phòng chức năng chưa có, trường có 1 khu chính và 2 khu lẻ là Nà Đang và Cháo Pi. Từ khu chính đến khu lẻ cách nhau 15km đường rừng. Trong khi đó, phụ huynh phần lớn đi làm ăn xa, phó mặc việc học của con cái cho nhà trường. Thầy giáo Tạ Văn Biên, Hiệu trưởng Trường TH Lâm Phú, chia sẻ: “Ở vùng đất khó, nếu thầy cô không nỗ lực, không nêu cao trách nhiệm thì việc học của các em sẽ còn khó hơn”.

Ngày 20-11, ngày tri ân thầy cô giáo. Ngày nay, hoa rừng có thể đã được thay bằng hoa hồng, hoa cúc; nải chuối, cây mía có thể đã được thay bằng chiếc khăn ấm... Ký ức về ngày 20-11 bình dị, ấm áp của người thầy vùng cao, với những điều thật đặc biệt, vật chất không nhiều nhưng tình cảm lớn, đấy là tấm lòng học trò trên vùng đất khó...

Anh Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]