(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nằm trên những ngọn núi cao, biệt lập khu trung tâm, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn… là điều rất dễ nhận thấy tại các điểm trường lẻ ở Lang Chánh. Tuy gian khó, nhưng con trẻ ở những bản làng xa xôi của huyện miền núi 30a này vẫn luôn ước mơ, khát vọng học chữ để mong cuộc sống ngày mai tươi sáng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lang Chánh: Gian nan sự học tại các điểm trường lẻ

(VH&ĐS) Nằm trên những ngọn núi cao, biệt lập khu trung tâm, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn… là điều rất dễ nhận thấy tại các điểm trường lẻ ở Lang Chánh. Tuy gian khó, nhưng con trẻ ở những bản làng xa xôi của huyện miền núi 30a này vẫn luôn ước mơ, khát vọng học chữ để mong cuộc sống ngày mai tươi sáng.

Trường Tiểu học xã Lâm Phú nằm ở trung tâm xã, trường có 3 phân khu, trong đó điểm lẻ tại bản Nà Đang, cách trung tâm trường tới 17 km là khó khăn nhất. Nơi đây cơ sở vật chất, điều kiện học tập còn nghèo nàn, nên sự học gặp vô cùng khó khăn. Phòng học được tận dụng vừa làm phòng giáo viên lại vừa trở thành điểm dạy học, được ngăn cách bởi những tấm vải mỏng.

Những năm trước đây, bản Lót (xã Tam Văn) như một thế giới lạc lõng, thầy cô nào được phân công lên đây nhận công tác đều cảm thấy chán nản, lo lắng dù có tâm huyết và yêu nghề đến mấy, bởi quá khó khăn. Hiện nơi đây có 5 phòng học, 37 học sinh, với 3 giáo viên trực tiếp giảng dạy, cuộc sống vô cùng khắc nghiệt, phòng học của thầy và trò chật hẹp, chủ yếu bằng tranh tre, nứa lá. Thiếu điện, thiếu nước luôn là nỗi lo thường trực của thầy cô. Vào mùa mưa, bản hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài, học sinh phải nghỉ học vì sợ phòng học bị sập.

Điểm Trường Tiểu học xã Tam Văn tại bản Lót (huyện Lang Chánh).

Với thâm niên hơn 10 năm công tác, gắn bó với vùng đất này, cô giáo Hà Thị Vượng chia sẻ: “Phân hiệu trường tại bản Lót là xa nhất và khó khăn nhất. Mỗi sáng trước khi lên điểm trường, các thầy cô thường mua thức ăn mang lên nấu ăn trưa. Còn học sinh mỗi khi mùa đông đến, những đứa trẻ cũng chỉ có quần áo mỏng, chân không giày dép, đầu không mũ vẫn miệt mài băng rừng đến trường”.

Khó khăn là vậy, nhưng học sinh ở đây rất chăm chỉ, chuyên cần đến lớp, nhà trường và các phân hiệu đã cố gắng hết mình những mong tạo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh được học chữ.

Còn tại làng Húng, xã Giao Thiện, mặc dù được các cấp, chính quyền quan tâm, tuy nhiên sự học tại đây vẫn còn chồng chất những khó khăn, dường như cái nghèo khó đã níu giữ những đôi chân trẻ thơ đi tìm con chữ. Hiện khu lẻ làng Húng chỉ có 4 lớp học. Trong ngôi nhà gỗ 3 gian dựng tạm bợ là nơi học tập của 42 học sinh mầm non và tiểu học, trong đó một lớp đã quá dột nát.

Tân Bình là bản khó khăn của xã Tân Phúc, toàn bản hiện có 124 hộ/564 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Thái, Mường, cả bản có tới trên 90% hộ nghèo, thu nhập của người dân không có gì ngoài ngô, sắn và lúa nương, vào mùa giáp hạt, cả bản rơi vào tình cảnh thiếu đói. Thế nhưng, từ khi có trường, có lớp, lại được thầy cô tâm huyết, nhiệt tình đến tận bản, lúc đầu bọn trẻ rất mừng vì được học cái chữ, nhưng về sau cũng lác đác thưa dần, bởi vào mùa mưa, giao thông bị chia cắt.

Điểm Trường Tiểu học xã Tân Phúc, tại bản Tân Bình.

Thầy giáo Đỗ Văn Hòa, điểm trường Tân Bình chia sẻ: “Mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị của phân khu còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng cũng đáp ứng nhu cầu dạy và học, học sinh được học dưới những phòng học kiên cố, không còn nỗi lo sập, dột nát mỗi khi mưa về. Phần lớn học sinh ở đây thuộc diện hộ nghèo, nhưng các em lại rất chăm ngoan, cố gắng học tập, vì thế phân khu luôn đảm bảo 100% trẻ ra lớp đúng độ tuổi.”

Theo báo cáo của phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh, hiện toàn huyện có 38 trường ở 3 cấp học, trong đó có 54 điểm lẻ chủ yếu của cấp tiểu học và mầm non. Phần lớn tại các điểm lẻ, tình trạng thiếu phòng, xuống cấp còn phổ biến, một số trường mầm non phải tổ chức cho trẻ học trong các phòng tạm, tranh tre, hệ thống nước sạch, đồ chơi, sân chơi, bãi tập còn thiếu thốn. Tại một số xã vùng cao như: Lâm Phú, Yên Thắng, Yên Khương… tình trạng thiếu phòng học và nhà công vụ ở cấp học mầm non, tiểu học còn phổ biến.

Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]