(vhds.baothanhhoa.vn) - Với những ưu điểm như giúp giáo viên (GV) và học sinh (HS) chủ động, sáng tạo trong cách dạy và học, hạn chế tối đa việc truyền thụ kiến thức một chiều, HS tự tin thể hiện quan điểm, khả năng... Mô hình trường học mới VNEN được kỳ vọng sẽ mang lại một luồng gió mới thay thế những hạn chế trong phương pháp dạy học truyền thống. Tuy nhiên, sau 7 năm học triển khai thực hiện mô hình VNEN, kết quả mang lại từ mô hình này vẫn chưa được như mong đợi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mô hình trường học mới VNEN chưa như mong đợi

Với những ưu điểm như giúp giáo viên (GV) và học sinh (HS) chủ động, sáng tạo trong cách dạy và học, hạn chế tối đa việc truyền thụ kiến thức một chiều, HS tự tin thể hiện quan điểm, khả năng... Mô hình trường học mới VNEN được kỳ vọng sẽ mang lại một luồng gió mới thay thế những hạn chế trong phương pháp dạy học truyền thống. Tuy nhiên, sau 7 năm học triển khai thực hiện mô hình VNEN, kết quả mang lại từ mô hình này vẫn chưa được như mong đợi.

Trong tổng số 900 HS toàn trường, Trường TH Đông Cương(TP Thanh Hóa) thực hiện giảng dạy chương trình VNEN từ khối 2 đến khối 5 (khoảng 17 lớp), nhờ vận dụng linh hoạt chương trình VNEN cho phù hợp với tình hình nhà trường, mô hình VNEN thực sự phát huy được hiệu quả. Ở Trường TH Đông Cương, nhờ thực hiện chương trình VNEN nhà Trường đã có sự thay đổi toàn diện từ diện mạo bên ngoài đến chất lượng dạy học.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hòa - Hiệu trưởng Trường TH Đông Cương cho biết: Năm học 2017 - 2018 kết thúc, nhà trường đánh giá: Kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất của HS đều đạt 100%. Chương trình VNEN giúp HS cơ bản thay đổi được thói quen học tập, được rèn luyện tự đánh giá, kỹ năng giao tiếp trực tiếp nổi trội.

Tuy nhiên cô Hòa cũng khẳng định: Do diện tích phòng học được thiết kế theo kiểu truyền thống nên chưa đủ rộng, thoáng, trong khi đó, sĩ số lớp đông nên việc tổ chức lớp học theo nhóm rất khó khăn; Đối với khối lớp 2 việc thực hiện VNEN có nhiều hạn chế do các em chưa đọc thông viết thạo trong khi yêu cầu của chương trình là các em phải tự đọc là làm theo hướng dẫn. Ngoài ra, việc thiếu GV, GV phải thực hiện giảng dạy 2 buổi/ ngày, GV chưa dám linh hoạt, sáng tạo vì sợ sai, tài liệu hướng dẫn học của HS nhiều chỗ chưa hợp lý, logo hướng dẫn đôi chỗ chưa phù hợp... là những bất cập khi thực hiện giảng dạy theo mô hình VNEN ở nhà trường.

Bà Lê Thị Thu Hà - chuyên viên Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa cho biết: Chương trình VNEN thực sự mang lại cho HS nhiều giá trị: Khả năng tự học tốt, HS biết chủ động lĩnh hội kiến thức; VNEN coi trọng tính định hướng, dẫn dắt HS... Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này cũng không ít, do phải đầu tư các sản phẩm học tập có liên quan đến kinh phí; Hết dự án, không được cấp phát sách, HS phải học sách photo còn đội ngũ GV không được tập huấn, GV luân chuyển đến các trường khác nhau sẽ khó tiếp cận phương pháp dạy học ở đơn vị mới...

Tiết học theo mô hình VNEN ở Trường TH Đông Cương (TP Thanh Hóa).

Là hai trường TH trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc thực hiện mô hình VNEN,Trường TH Vĩnh Long và Vĩnh Hùng luôn bám sát định hướng, hướng dẫn của ngành, chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện nhà trường. Song, theo cô giáo Nguyễn Thị Vân - Hiệu trưởng Trường TH Vĩnh Hùng: Quá trình thực hiện vẫn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận với chương trình, đặc biệt là quy trình tổ chức hoạt động học cho HS. Bên cạnh đó, nhà trường thiếu phòng học, phòng chức năng; HS phải học ở 3 điểm trường, trong đó HS là người dân tộc tương đối nhiều, sỹ số lớp đông nên những HS học kém thường ỷ lại cho những bạn học nổi trội hơn; GV vừa thiếu lại yếu về năng lực khi triển khai thực hiện mô hình... dẫn đến hiệu quả trong dạy, học không cao.

Tương tự như vậy, tại Trường TH Hà Ngọc (Hà Trung), dù nhà trường triển khai mô hình này theo hướng linh hoạt chọn lọc những ưu điểm nổi trội, nhưng thực tế nhà trường cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, có khó khăn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Do không có nguồn kinh phí nên việc đầu tư, mua sắm đồ dùng, trang thiết bị phục vụ hoạt động nhóm trên lớp chưa bảo đảm, HS phải học sách photo trắng đen.

Cô giáo Mai Thị Tuyển - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Chất lượng HS nhà trường không đồng đều, nhiều em lớp 2 chưa đọc thông, viết thạo, ý thức tự học của các em chưa cao là “rào cản” trong quá trình triển khai mô hình. Ngoài ra, các môn như Toán, Lịch sử, Địa Lý có sẵn tài liệu hướng dẫn 3 trong 1, nhưng đối với các môn Thể dục, Mỹ Thuật, Âm nhạc vẫn sử dụng tài liệu giáo dục hiện hành nên GV gặp khó khăn khi nghiên cứu phương pháp giảng dạy theo mô hình VNEN...

Ngoài ra, cô Tuyển cũng bày tỏ băn khoăn, năm học 2020 - 2021 sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nên hiện tại chúng tôi cũng chưa biết có tiếp tục giảng dạy theo mô hình VNEN nữa hay không.

Mô hình VNEN thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo nguyên tắc lấy HS làm trung tâm, theo đó, GV chỉ là người giao việc, hạn chế tối đa thuyết trình, giảng giải mà tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức học tập, hỗ trợ, thúc đẩy quá trình học tập của HS. HS tự thảo luận theo nhóm, phân công nhiệm vụ cho nhau và gặp vấn đề khó không giải đáp được mới yêu cầu sự trợ giúp bằng thẻ cứu trợ.

Đánh giá kết quả sau 7 năm triển khai mô hình trường học mới VNEN trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT, cho biết: Hiệu quả mà mọi người dễ nhận thấy nhất khi thực hiện mô hình VNEN là sự trưởng thành, thay đổi nhanh chóng của HS. Các em tự tin, mạnh dạn giao tiếp ở trường cũng như ở nhà, nhất là HS vùng dân tộc; Hội đồng tự quản và các công cụ hỗ trợ học tập trong lớp học thực sự góp phần đáng kể vào sự thay đổi nhà trường; Ngoài ra, quá trình thực hiện VNEN còn tạo sự gắn kết giữa phụ huynh với nhà trường để hỗ trợ nhà trường, đồng thời mang kiến thức thực tiễn ứng dụng vào những hoạt động cụ thể tại gia đình...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc áp dụng VNEN cũng đã bộc lộ những khó khăn và hạn chế rõ rệt: Sách giáo khoa nặng lý thuyết, lượng kiến thức trong một tiết học quá nhiều; Một bộ phận khá đông HS còn yếu về ngôn ngữ nói; việc chuẩn bị bài cũ ở nhà còn hạn chế... nên để tiết dạy thành công đòi hỏi GV phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để có thể huy động tất cả HS cùng làm việc; Điều kiện cơ sở vật chất hiện tại chưa đảm bảo: phòng học thiếu không gian cho việc tổ chức các hoạt động theo nhóm; bàn ghế cũ và không phù hợp với dạy học theo mô hình mới; trang thiết bị dạy học còn nhiều khó khăn...

Thực tế cho thấy khi điều kiện khó khăn, năng lực GV chưa đồng đều và còn nhiều hạn chế thì dù mô hình có tốt tới đâu thì hiệu quả của nó cũng chỉ đạt được tới một giới hạn nhất định.

Được biết, năm học 2012 - 2013, Thanh Hóa có 91 trường tiểu học thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố tham gia mô hình trường học mới VNEN (trong đó có 15 trường thuộc các xã đặc biệt khó khăn, 46 trường thuộc khu vực miền núi). Đến năm học 2018 - 2019 đã có 4 trường xin không tham gia mô hình và được Sở GD&ĐT chấp thuận, trong đó, TX Bỉm Sơn có 2 trường, huyện Đông Sơn có 2 trường.

Quan điểm của ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa hiện nay là không nhân rộng mô hình VNEN mà khuyến khích các nhà trường linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện đồng thời động viên các nhà trường tiếp tục thực hiện mô hình VNEN đến khi Bộ GD&ĐT đưa ra chương trình mới.

Hạ Lan


Hạ Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]