(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngân sách chi thường xuyên cấp cho các cơ sở giáo dục hiện nay ở một số huyện không đúng với quyết định của UBND tỉnh. Có những huyện chỉ đạt được ở mức 4-5%, điều này khiến nhiều trường gặp khó khăn trong chi tiêu hoạt động cũng như dễ phát sinh tình trạng lạm thu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngân sách chi thường xuyên có đang bị cắt xén ở một số huyện?

Ngân sách chi thường xuyên cấp cho các cơ sở giáo dục hiện nay ở một số huyện không đúng với quyết định của UBND tỉnh. Có những huyện chỉ đạt được ở mức 4-5%, điều này khiến nhiều trường gặp khó khăn trong chi tiêu hoạt động cũng như dễ phát sinh tình trạng lạm thu.

Mỗi huyện chi mỗi kiểu

Quyết định 4762 ngày 9/12/2016, của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ghi rõ về việc định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017 và ổn định đến năm 2020 chỉ rõ, “nguồn kinh phí chi nghiệp vụ cho các trường phải đảm bảo tỷ lệ đạt 10%”. Thế nhưng, hiện nay ở một số huyện chi ngân sách nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu theo quyết định, có huyện tỷ lệ (%) chưa được 4%.

Tuy nhiên, sau cuộc khảo sát tại nhiều trường đặc biệt ở cấp tiểu học, đồng thời đối thoại với nhiều phòng tài chính tại một số huyện thì tỷ lệ phần trăm lại khác xa so với những gì mà Quyết định 4762 của Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành.

Theo một số hiệu trưởng, kế toán các trường tiểu học ở nhiều huyện phản ánh, trong năm học 2017 - 2018 nguồn kinh phí chi cho nghiệp vụ mà phòng tài chính cấp về cho trường không đủ 10% như quy định, những năm trước 2017 có nơi chỉ nhận được 3-4%. Như vậy sẽ không thể nào đáp ứng được yêu cầu chi cho các hoạt động như sửa chữa, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, tiền điện sáng...

Vì ngân sách cấp không đủ, nhiều trường rất khó khăn trong tổ chức hoạt động. Cô Ng.T.Đ. (Hiệu trưởng) và cô L.T.T. (kế toán) của một trường tiểu học huyện Hoằng Hóa phân trần: “Do trường nhiều khoản chi, tiền cấp không đủ nên thường các nhà trường phải vận động hỗ trợ từ phụ huynh học sinh. Trường tôi năm ngoái thiếu quá nên phải xin thêm phòng tài chính được mấy chục triệu để sửa sang lại phòng học cho các cháu”.

“Trường chúng tôi một năm có tới hơn chục hoạt động cần tiền nào là khai giảng, tổng kết; nào là đại hội, các ngày lễ, nhiều cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao, thi học sinh giỏi... Những năm trước chỉ gói gọn trong 30 triệu đồng, có năm 35 triệu đồng, tính ra chưa được 3%. Năm nay tăng lên khoảng hơn 5% một chút. Rất khó khăn cho trường. Thầy T., hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn huyện Thiệu Hóa chia sẻ.

Một vị hiệu trưởng khác của trường tiểu học trên địa bàn huyện Hà Trung xin được giấu tên cho hay: "Kinh phí chi nghiệp vụ của nhà trường được cấp chưa đầy 5%, trong khi đó lại phải tiết kiệm thêm 10% trong tổng số tiền được cấp nên không đủ kinh phí để sửa chữa, tăng cường cơ sở vật chất. Tính riêng khoản tiền chi cho tiền điện, tiền bảo vệ nhà trường cũng đã chiếm gần một nửa. Mọi chi tiêu cho các hoạt động dạy và học của nhà trường phải căn ke từng đồng”.

Quyết định số 4762 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ rõ nguồn kinh phí chi nghiệp vụ giáo dục là 10%.

Đại diện Sở GD&ĐT, ông Lê Sĩ Kiệm (Phó trưởng Phòng Kế hoạch) cho biết: “Tỉnh đã quyết định, nên các trường phải được hưởng 10% tiền nghiệp vụ mới đúng. Trong 90% đã bao gồm toàn bộ chế độ con người, phải bóc tách chế độ con người riêng, nếu lấy từ nghiệp vụ chi cho ngân sách, con người nữa là sai”.

Có cắt xén tiền nghiệp vụ?

Từ Quyết định 4762 nêu rõ: Năm 2017 ngoài việc đáp ứng đầy đủ chế độ lương, các khoản có tính chất lương để chi trả cho số biên chế được UBND tỉnh giao và các chính sách, chế độ của nhà nước phát sinh; Ngân sách tỉnh bố trí đủ 10% nghiệp vụ, đảm bảo kinh phí cho việc dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo... các địa phương không được sử dụng kinh phí để chi cho giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế UBND tỉnh giao và các nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật.

Thế nhưng, một số huyện giao tiền nghiệp vụ cho các trường thấp, chưa đảm bảo được tỷ lệ quy định, có trường chỉ đạt 3-4%, mà phần lớn nằm ở khối tiểu học, có huyện giao nguồn tăng lương trong nguồn chi cho nghiệp vụ làm ảnh hưởng đến ngân sách phục vụ dạy và học của các trường. Trong phân bổ ngân sách chưa xác định được nguyên tắc và tiêu chí, chưa tính đến yếu tố đặc thù của từng cấp học, trường học, vùng.

Theo ông Trần Anh Tuyển (Phó phòng Tài chính huyện Hoằng Hóa) "vấn đề 10% chi cho hoạt động thường xuyên ở Hoằng Hoá không phải trong tổng toàn bộ ngân sách, trong tổng kinh phí mà phải trừ phụ cấp đứng lớp, thâm niên".

Ví như Trường Tiểu học Hoằng Cát năm 2017, 10% không phải trong tổng chi 2 tỷ 282 triệu mà phải trừ đi tiền chế độ, phụ cấp thâm niên, NĐ 116, NĐ 119, mới ra được số tiền chi cho nghiệp vụ các trường, tổng tiền này tiếp tục trừ 10% cho tiết kiệm. Như vậy, qua đối chiếu bảng chi, tổng % nghiệp vụ Trường Tiểu học Hoằng Cát nhận được còn là 169 triệu đồng (7,5%).

Nhìn vào bảng chi cho sự nghiệp giáo dục huyện Lang Chánh ở khối tiểu học, dù có tính thế nào đi nữa thì cũng không thể nào quá 5%. Vậy số (%) còn lại nằm ở đâu? Bà Lê Thị Thắm (Phó Phòng Tài chính huyện Lang Chánh) cho biết: Trong tổng 10% huyện đã phải tiết kiệm để lấy kinh phí cải cách tiền lương, kinh phí xây dựng trường chuẩn và một phần chi trả lương cho giáo viên thừa biên chế”.

Tương tự ở huyện Thiệu Hóa, tổng (%) nghiệp vụ chi cho các trường chỉ ở mức 4-5%, và những năm trước 2017, ở mức 3%. Về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Tiến - Trưởng phòng Tài chính huyện cho biết: “Thiệu Hoá năm 2017 thừa 200 biên chế, trong khi tiền tỉnh giao là giao theo biên chế của tỉnh, khi về huyện, huyện phải chi trả theo chỉ tiêu hiện tại của huyện nên rất khó để đáp ứng đủ (%) theo như quy định".

Tại Nga Sơn, nhìn vào bảng chi thường xuyên hàng năm cho các trường khối tiểu học có phần vượt trên 10%. Bà Mai Thị Oanh (Trưởng phòng TC-KH huyện Nga Sơn) chia sẻ: “Nga Sơn vẫn còn lượng giáo viên dư thừa do lịch sử để lại. Tuy vậy, dù thế nào đi nữa, có tính trừ ra sao thì vẫn phải đảm bảo cho các trường đủ tỷ lệ % như quy định. Đối với Nga Sơn chúng tôi chia theo từng vùng, theo từng nhóm lớp hay các trường có giáo viên thâm niên khác nhau. Kết quả có trường trên 10%”.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Ngân sách huyện, xã (Sở Tài chính) cho biết: "Sở cấp đủ 100%, nếu đúng quy định thì các phòng tài chính huyện phải là 90% chi chế độ con người, 10% chi cho nghiệp vụ. Sở cũng đã kết hợp tổ chức nhiều cuộc thanh tra tại một số huyện và kết quả thực tế ở nhiều huyện không đủ 10%, có huyện rất thấp".

Do ngân sách chi thường xuyên cấp không đủ chi, đặc biệt ở khối tiểu học không có nguồn thu từ học phí nên rất khó khăn trong tổ chức triển khai kế hoạch giáo dục. Điều này khiến nhiều cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong chi tiêu hoạt động cũng như dễ phát sinh tình trạng lạm thu như hiện nay.

Doãn Tài


Doãn Tài

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]