(vhds.baothanhhoa.vn) - Xác định nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là tiền đề quan trọng trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo nghị quyết của Đảng, vì vậy nhiều năm qua cùng với việc tạo chuyển biến trong công tác quản lý giáo dục, nền nếp, kỷ cương trường học, ngành giáo dục huyện Thạch Thành đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.

Ngành giáo dục Thạch Thành với hoạt động đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục

Xác định nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là tiền đề quan trọng trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo nghị quyết của Đảng, vì vậy nhiều năm qua cùng với việc tạo chuyển biến trong công tác quản lý giáo dục, nền nếp, kỷ cương trường học, ngành giáo dục huyện Thạch Thành đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.

Ngành giáo dục Thạch Thành với hoạt động đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dụcCô, trò Trường THCS Thành Thọ trong giờ học.

Nhận thức về việc đầu tư cho con em mình theo đuổi chuyện học hành ở nhiều gia đình ngày càng sâu sắc hơn; mối quan hệ giữa nhà trường và cha mẹ học sinh (HS) ngày càng mật thiết; đội ngũ cán bộ, giáo viên đoàn kết, nhiệt tình, tâm huyết với nghề... tất cả đã và đang giúp cho ngành giáo dục huyện Thạch Thành có những bước đi vững chắc trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Kết thúc năm học 2022-2023 ngành giáo dục huyện Thạch Thành đã gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào với tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đến trường đạt 97,5%, trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100%. Tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,98%; 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2. Ở cấp THCS chất lượng giáo dục toàn diện càng được nâng lên; tỷ lệ HS được công nhận tốt nghiệp THCS hàng năm đạt tỷ lệ 99%. Điểm bình quân thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 đạt 6,2 điểm (cao hơn năm học 2022-2023 là 0,8 điểm).

Cũng trong năm học, kết quả thi HS giỏi văn hóa lớp 9 cấp tỉnh đứng thứ 2/11 huyện miền núi và xếp trong tốp 10 toàn tỉnh. Kết quả tham gia cuộc thi giai điệu tuổi hồng năm 2022 xếp thứ 3 toàn tỉnh; thi an toàn giao thông cho nụ cười ngày mai cấp quốc gia, HS trường THCS Phạm Văn Hinh đoạt 1 giải Khuyến khích. Ở cấp THPT, trong kỳ thi HS giỏi văn hóa cấp tỉnh, Trường THPT Thạch Thành I đoạt 43 giải, xếp thứ 5 toàn tỉnh, Trường THPT Thạch Thành III đoạt 27 giải, xếp thứ 35 toàn tỉnh... Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Thành Vũ Đức Vĩnh, kết quả trên không chỉ thể hiện sự phấn đấu, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên và HS trong dạy và học, còn là sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trong toàn huyện đối với sự nghiệp GD&ĐT của huyện nhà.

Đặc biệt, với sự sáng tạo, nhạy bén trong triển khai kế hoạch, các cuộc vận động, phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua “Hai tốt” gắn với những hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị trường đã đem lại những thành tích đáng tự hào. Nhìn lại sau nhiều năm thực hiện phong trào này, ý thức của HS trong việc học tập, rèn luyện được nâng lên rõ rệt. Việc ngăn chặn HS bỏ học gắn liền với việc giúp đỡ HS yếu kém, HS có hoàn cảnh khó khăn được các địa phương và các đơn vị trường quan tâm. Tiêu biểu trong việc thực hiện phong trào thi đua “Hai tốt” phải kể đến các đơn vị trường như: Trường THCS Phạm Văn Hinh - ngôi trường mang tên người chiến sĩ du kích Ngọc Trạo; Trường THCS Thành Hưng, THCS Thành Thọ, tiểu học thị trấn Kim Tân...

Thầy giáo Hà Hữu Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Thành Thọ cho biết: Xác định phong trào thi đua là “đòn bẩy” để cán bộ, giáo viên và HS nhà trường phát huy vai trò, trách nhiệm cũng như khả năng của mình, nhà trường luôn đẩy mạnh và đổi mới hình thức hoạt động, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Trong đó đi sâu vào việc xây dựng các tiêu chí đánh giá, mục đích, ý nghĩa của phong trào và đề ra những biện pháp cụ thể để thực hiện; lấy kết quả thực hiện là tiêu chí quan trọng trong bình chọn thi đua xếp loại hàng năm. Từ việc thực hiện tốt phong trào nên chất lượng dạy và học của nhà trường trong nhiều năm qua luôn đứng trong tốp 10 của huyện. Năm học 2022-2023 chất lượng giáo dục đại trà xếp thứ 6 toàn huyện.

Hay như Trường Tiểu học thị trấn Kim Tân, với nhiều cách làm năng động, sáng tạo trong phong trào như động viên, khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, gắn với việc sử dụng công nghệ thông tin; chỉ đạo đội ngũ giáo viên thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn định kỳ; tổ chức thường xuyên các hoạt động ngoại khóa theo chủ đề của từng tháng với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi; đánh giá thực chất, công tâm việc dạy và học của giáo viên và HS... đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Kết thúc năm học 2022-2023, nhà trường có 373 lượt HS đoạt giải cấp cụm, cấp huyện, cấp tỉnh và quốc gia ở nhiều cuộc thi và các kỳ giao lưu. Trong đó nổi bật có 9 em đoạt giải cấp quốc gia cuộc thi Trạng nguyên toàn tài, 1 HS đoạt giải khuyến khích quốc gia cuộc thi ý tưởng trẻ thơ; 97 HS đoạt giải cấp tỉnh trong cuộc thi Trạng nguyên tiếng Việt...

Cùng với việc thực hiện các phong trào thi đua, ở bất cứ thời điểm nào, địa phương nào, việc nâng cao chất lượng giáo dục trước hết phải xuất phát từ chất lượng đội ngũ. Xác định rõ điều này, trong nhiều năm qua ngành giáo dục huyện Thạch Thành đã triển khai nhiều chuyên đề, hội thảo, giao lưu học hỏi trao đổi kinh nghiệm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, chủ trương kiên cố hóa trường lớp, xã hội hóa và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn huyện đã có 67 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 72,04%.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ phòng GD&ĐT huyện, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục huyện Thạch Thành vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như nhiều trường thuộc các xã có điều kiện kinh tế khó khăn có quy mô nhỏ; các trường đã sáp nhập nhưng số điểm trường nhiều, khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất và quản lý, sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia vẫn thấp so với bình quân chung toàn tỉnh; số trường chuẩn đã quá hạn để công nhận lại còn nhiều; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên còn thiếu so với nhu cầu... Những hạn chế, yếu kém này đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa từ phía cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc, đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân và sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục trong những năm học tới để tiếp tục đưa sự nghiệp giáo dục của huyện Thạch Thành phát triển toàn diện, vững chắc.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]