(vhds.baothanhhoa.vn) - Bước vào kỳ nghỉ hè kéo dài, mỗi bạn trẻ sẽ có cho mình kế hoạch giải trí, nghỉ ngơi và vui chơi ưa thích. Có một sự lựa chọn tuyệt vời cho những ngày hè thêm ý nghĩa vẫn được nhắc đến rất nhiều, là dành thời gian cho những cuốn sách. Đọc sách không chỉ là thói quen giải trí, nó còn được ví như sự “đầu tư” sinh lời chi phí rẻ nhất cho tương lai... Vậy nhưng phải đọc từ đâu, đọc thế nào để hiệu quả và người lớn “ở đâu” trong câu chuyện tạo lập thói quen đọc sách của con trẻ...

Ngày hè và thói quen đọc sách của bạn trẻ

Bước vào kỳ nghỉ hè kéo dài, mỗi bạn trẻ sẽ có cho mình kế hoạch giải trí, nghỉ ngơi và vui chơi ưa thích. Có một sự lựa chọn tuyệt vời cho những ngày hè thêm ý nghĩa vẫn được nhắc đến rất nhiều, là dành thời gian cho những cuốn sách. Đọc sách không chỉ là thói quen giải trí, nó còn được ví như sự “đầu tư” sinh lời chi phí rẻ nhất cho tương lai... Vậy nhưng phải đọc từ đâu, đọc thế nào để hiệu quả và người lớn “ở đâu” trong câu chuyện tạo lập thói quen đọc sách của con trẻ...

Ngày hè và thói quen đọc sách của bạn trẻChị Nguyễn Thị Thu cùng con gái Nguyễn Thu Giang đến thư viện mượn sách.

Một chuyện đọc sách

Nguyễn Thu Giang - 17 tuổi - học sinh Trường THPT Đông Sơn 1 (Đông Sơn) không phải là nhân vật đặc biệt, em cũng không nổi bật với các giải thưởng trong các kỳ thi lớn. Em đơn thuần là một cô học trò yêu sách, có thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ. Nhà ở phường Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa), cách Thư viện tỉnh hơn 4 km. Vậy nhưng, trong những ngày hè oi ả, ngoài việc học thêm, thời gian còn lại Nguyễn Thu Giang dành để đến thư viện, vừa học bài và cả thỏa mãn niềm đam mê đọc sách.

Giang bắt đầu đọc sách từ năm lớp 3. Bố mẹ đều bận đi làm nên em thường xuyên ở nhà một mình. Vậy nhưng em không “cô đơn”. Mẹ em thường mượn sách thư viện về cho con gái đọc. Khi đó, sách với em là công cụ giải trí duy nhất.

Tôi hỏi Giang, sách và thói quen đọc sách mang lại cho em điều gì? Cô học sinh lớp 11 không ngần ngại: “Ban đầu, đọc sách đơn thuần giúp em “giết” thời gian. Bố mẹ thường xuyên đi làm vắng nhà, ngoài việc học, đọc sách giúp em “giết” thời gian trong ngày, ở một mình mà không cô đơn, những cuốn sách như bạn bè. Em đọc bất cứ cuốn sách nào bố mẹ mang về, một cách tự nhiên không chọn lọc. Giống như ta ăn những món ăn mới vậy, có thể thích hoặc chưa thích, nhưng luôn có nhu cầu khám phá. Đến nay, ngoài kiến thức học trên lớp, qua thầy cô thì sách giúp em bổ sung kiến thức rất nhiều, hiểu biết hơn. Đặc biệt, đọc sách hỗ trợ khả năng viết, sử dụng ngôn ngữ của em tốt hơn... Giờ đây, em thích đọc những đầu sách văn học trong nước, ngoại văn và pháp luật”.

Tôi lại hỏi Giang, việc học của em có bận không? “Thực sự rất bận!”. Vậy em dành thời gian nào cho việc đọc sách? - “Nếu mình đã thích điều gì đó, thì luôn có cách dành thời gian cho nó. Em không đọc sách vào khung thời gian cố định. Em đọc mọi lúc có thể. Đọc sách với em bây giờ là thói quen, nhu cầu tự thân”. Suốt 11 năm qua, Nguyễn Thu Giang luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Và em chia sẻ: “Em thích những ngành nghề về ngôn ngữ, giao tiếp nên khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học vào năm sau, em sẽ chọn những ngành nghề phù hợp”.

Tôi tự hỏi, khi cô bé Nguyễn Thu Giang còn nhỏ, nếu mẹ của em không thường xuyên mượn sách ở thư viện về cho con gái đọc, liệu hôm nay niềm đam mê và thói quen của em có khác?

Và bạn, có lẽ cũng sẽ bất ngờ giống như tôi khi nghe chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thu (phường Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa) - mẹ của Nguyễn Thu Giang về “lý do” tạo lập thói quen đọc sách cho con gái: “Khi đó hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có nhiều tiền để mua sách cho con, cũng không thể mua cho con các thiết bị, trò chơi giải trí như nhiều bạn bè cùng trang lứa, chỉ có đến thư viện mượn sách về cho con đọc là “rẻ” nhất”.

Công việc của một lao động tự do khiến chị Nguyễn Thị Thu khá bận. Vậy nhưng chị vẫn cố gắng tranh thủ lúc rảnh rỗi để cùng các con đến thư viện đọc và mượn sách. Ngày cuối tuần, tôi tình cờ gặp người mẹ ấy tại Thư viện tỉnh. Chị cho biết, do công ty mất điện nên được nghỉ buổi làm, vì thế đã quyết định cùng các con đến thư viện. Chị cùng con gái lớn tìm mượn sách yêu thích và đăng ký làm thẻ cho hai con nhỏ (lớp 1 và lớp 3).

Với kinh nghiệm của một người mẹ luôn quan tâm đến việc đọc sách của con, chị Thu cho biết: “Muốn con cái yêu thích việc đọc thì trước hết bố mẹ phải làm gương. Thật khó nếu cứ yêu cầu con đọc cái này, cái kia trong khi bố mẹ lại dửng dưng, xa lạ với việc đọc. Cũng như nhiều đam mê, sở thích khác, thói quen đọc sách được hình thành từ cả quá trình. Không thể phủ nhận, do có quá nhiều loại hình, công cụ giải trí hấp dẫn, đặc biệt là điện thoại kết nối mạng nên con trẻ bây giờ “lười” đọc, nhưng không thể vì thế mà bố mẹ buông xuôi, mặc kệ trẻ “bơi” trong những sự lựa chọn dễ dãi. Khi đăng ký làm thẻ thư viện cho hai con nhỏ (em của Giang) tôi muốn các cháu được đến thư viện mỗi tuần. Ngay cả khi các cháu chưa có “suy nghĩ” về việc đọc, nhưng ít nhất việc đến thư viện thường xuyên sẽ giúp con không xa lạ với sách”.

Câu chuyện về thói quen đọc sách của cô học sinh Nguyễn Thu Giang và cả hình ảnh chị Nguyễn Thị Thu tranh thủ đi xe đạp điện đưa các con đến thư viện khiến tôi suy nghĩ nhiều. Chị nói: “Tôi làm công nhân, tôi không phải là một người mẹ thành công để con cái tự hào”. Nhưng có lẽ chị không biết, trong cảm nhận của tôi, chị là một người mẹ rất đáng để nhiều người học hỏi. Nếu người làm cha mẹ nào cũng giống chị, ý thức về tầm quan trọng của việc đọc sách với con trẻ, thì câu chuyện hình thành văn hóa đọc trong bạn trẻ có phải đã khác.

Hãy dành thời gian đến thư viện

Có mặt tại Thư viện tỉnh vào một ngày cuối tuần, tôi thực sự bị cuốn hút bởi không khí học tập, đọc sách của các bạn trẻ tại đây. Phòng đọc sách và học tại chỗ với sức chứa hơn 300 chỗ ngồi đã đông kín. Người đến đọc sách, nghiên cứu tài liệu, các bạn học sinh đến học bài, ôn thi... đông nhưng không ồn ào, tránh gây ảnh hưởng đến người khác. Một không khí học tập, đọc sách thật sự rất “đẹp”.

Ngày hè và thói quen đọc sách của bạn trẻNhững bạn đọc nhí thỏa thích với niềm vui đọc sách trong không gian phòng đọc thiếu nhi đầy sáng tạo.

Còn ở phòng đọc thiếu nhi, những bạn nhỏ đang thỏa sức khám phá tri thức trong không gian đọc sách đầy sáng tạo. Khác với sự nghiêm túc, yên tĩnh ở phòng đọc và học, ở phòng thiếu nhi bạn đọc nhí có thể đọc sách ở mọi tư thế có thể. Chưa kể, còn có các trò chơi khám phá tri thức nhân loại ở nhiều chủ đề khác nhau do cán bộ thư viện tổ chức vô cùng hấp dẫn, phù hợp sở thích trẻ nhỏ, như: khám phá thế giới động vật; thiên nhiên kỳ thú; cuộc sống quanh ta... Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, cán bộ phòng Phục vụ bạn đọc, cho biết: “Nghỉ hè là dịp cao điểm trong công tác phục vụ bạn đọc. Ngoài việc cố gắng đáp ứng tốt nhất nhu cầu của bạn đọc thì chúng tôi mong muốn các em nhỏ sẽ có những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn nhất khi đến thư viện. Trong dịp hè, trung bình mỗi ngày Thư viện tỉnh đón và phục vụ khoảng 1.000 lượt bạn đọc, trong đó bạn đọc trẻ, bạn đọc nhỏ tuổi chiếm số lượng lớn”.

Có ai đó sẽ hỏi, ngoài sách - thư viện có gì mà hấp dẫn đến vậy? Bạn sẽ không thể hiểu hết, cho đến khi bước chân vào đây. Hãy bỏ điện thoại xuống, bỏ bớt những trò chơi vô bổ, hãy thử một lần đến thư viện và đọc cuốn sách mà mình muốn. Bạn sẽ nhận ra, chúng ta đã từng “lãng phí” không ít thời gian cho những điều không mang nhiều ý nghĩa.

Một nhà bác học nổi tiếng thế giới đã từng nói, đại ý: Điều chúng ta biết chỉ như giọt nước, còn những điều chưa biết là cả đại dương mênh mông. Phàm là con người, đặc biệt là tuổi trẻ, mấy ai không khát khao khám phá. Và đọc sách, đó chẳng phải là cách “dẫn lối” tốt nhất cho con đường để ta bước đến tri thức nhân loại...

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]