(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ ngày 1-8-2021, giáo viên sẽ tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên theo Nghị định số 77/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo (gọi tắt là Nghị định số 77). Đây là nguồn động viên lớn đối với những người trong nghề.

Niềm vui trở lại

Từ ngày 1-8-2021, giáo viên sẽ tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên theo Nghị định số 77/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo (gọi tắt là Nghị định số 77). Đây là nguồn động viên lớn đối với những người trong nghề.

Niềm vui trở lạiPhụ cấp thâm niên tiếp sức cho giáo viên phấn đấu, cống hiến nhiều hơn. (Tiết học toán của cô và trò Trường THCS Bình Minh - Ảnh tư liệu do nhà trường cung cấp).

Tiếp sức cho giáo viên yên tâm công tác

Trước đó, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được thực hiện theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP, ngày 4-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 thì giáo viên không còn được hưởng phụ cấp thâm niên. Trong khi chờ văn bản hướng dẫn thực hiện thì hơn 1 năm qua, giáo viên ở Thanh Hóa vẫn được chi trả tiền phụ cấp thâm niên. Nhưng họ lo lắng, không biết khi nào phụ cấp thâm niên này sẽ bị cắt và liệu có bị truy thu phần đã được cấp từ 1-7-2020 đến nay hay không? Nghị định 77 ra đời, đã giải tỏa tâm lý cho đội ngũ nhà giáo. Theo đó, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo tiếp tục được áp dụng từ ngày 1-7-2020 cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới theo quy định của Chính phủ.

24 năm công tác tại Trường THCS Bình Minh (thị xã Nghi Sơn), hơn một năm trước, cô giáo Trần Thị Hằng không khỏi long lắng khi được thông tin dừng phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo. Chồng cô Hằng cũng là giáo viên, đồng nghĩa hai vợ chồng sẽ không còn được hưởng 3 triệu đồng/tháng tiền phụ cấp thâm niên. Với Nghị định 77, niềm vui đã trở lại. Cô giáo Trần Thị Hằng chia sẻ: “Bản thân tôi rất phấn khởi. Khi công việc của nhà giáo với nhiều vất vả, áp lực thì phụ cấp thâm niên rất có ý nghĩa. Đó là nguồn động viên lớn để chúng tôi yên tâm công tác tốt hơn”.

Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều người trong nghề. Thầy giáo Mai Văn Thuận, có 16 năm công tác tại Trường THPT Ba Đình (Nga Sơn), cho rằng: “Giáo viên, phần lớn thu nhập là lương, nếu cắt phụ cấp thâm niên sẽ thiệt thòi. Nghị định 77 sẽ tiếp sức cho nhà giáo có thêm niềm tin để phấn đấu và cống hiến nhiều hơn”.

Nếu dừng phụ cấp thâm niên, Trường THPT Ba Đình (Nga Sơn) sẽ có 88 cán bộ, giáo viên bị ảnh hưởng, trong đó, người có thời gian công tác nhiều nhất là 34 năm. Phó Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Hoàng Thị Uyên cho biết: “Nếu chủ trương dừng phụ cấp thì phải chấp hành, nhưng thực tế, tất cả cán bộ, giáo viên đều rất buồn. Tuy nhiên, đến lúc này, ai cũng mừng vui. Nghị định 77 tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với ngành giáo dục, ghi nhận những đóng góp, cống hiến của nhà giáo trong sự nghiệp trồng người”.

Phụ cấp thâm niên là cần thiết

Nghị định 77 quy định: Nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

Trong điều kiện hiện nay, tình trạng thiếu giáo viên trực tiếp giảng dạy đang là khó khăn lớn cho việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục ở hầu hết các địa phương. Cụ thể, nhiều vị trí giáo viên không có đủ nguồn để tuyển dụng (giáo viên văn hóa tiểu học, giáo viên tin học); chất lượng giáo viên được tuyển dụng không cao... Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo bà Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghi Sơn, thì: “Nghề dạy học không phải là nghề hấp dẫn trên thị trường lao động, vào học các trường sư phạm không phải là sự lựa chọn ưu tiên của đại đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Trong tình hình đó, các chính sách về tiền lương, phụ cấp nhằm cải thiện, nâng cao thu nhập cho nhà giáo là giải pháp cần thiết”. Bởi vậy Nghị định 77 ra đời được xem là giải pháp cần thiết và kịp thời.

Việc ban hành Nghị định 77 quy định về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo tiếp tục thể hiện sự quan tâm, chăm lo kịp thời của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo và sự nghiệp phát triển giáo dục. Trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân thì số tiền phụ cấp thâm niên này sẽ góp phần làm vơi bớt khó khăn đối với các thầy, cô giáo. Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa, cho rằng: “Phụ cấp thâm niên nhà giáo không chỉ góp phần động viên các giáo viên an tâm công tác, khuyến khích những người có năng lực trình độ ở lại trong ngành, tạo động lực cho việc thu hút sinh viên tham gia các ngành học sư phạm mà còn là sự quan tâm, giao trách nhiệm của Nhà nước, Nhân dân cho đội ngũ thầy cô đang làm nhiệm vụ giáo dục”.

Nghị định số 77/2021/NĐ-CP được áp dụng đối với các nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo..., hiện đang được hưởng lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, gồm: Nhà giáo mang mã số có các ký tự đầu là V.07, V.09; nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các tàu huấn luyện, phòng bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập... Riêng nhà giáo không thuộc 2 nhóm đối tượng trên nhưng giữ mã số có các ký tự đầu là V.07 và V.09 thì không được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]