(vhds.baothanhhoa.vn) - Tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số trẻ em trai sinh ra trên 100 trẻ em gái, là một chỉ số nhân khẩu học, phản ánh cơ cấu giới tính của một quần thể dân số. Việt Nam chính thức mất cân bằng giới tính khi sinh từ năm 2006. Theo phân tích của các chuyên gia dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ làm thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai, phá vỡ cấu trúc cân bằng giới trong nguồn lực lao động; gia tăng các tệ nạn xã hội; ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội...

Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số trẻ em trai sinh ra trên 100 trẻ em gái, là một chỉ số nhân khẩu học, phản ánh cơ cấu giới tính của một quần thể dân số. Việt Nam chính thức mất cân bằng giới tính khi sinh từ năm 2006. Theo phân tích của các chuyên gia dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ làm thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai, phá vỡ cấu trúc cân bằng giới trong nguồn lực lao động; gia tăng các tệ nạn xã hội; ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội...

Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinhThanh Hóa hiện là một trong các tỉnh có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở nhóm cao trong cả nước. Ảnh: Vũ Khoa

Thanh Hóa hiện là một trong các tỉnh có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở nhóm cao trong cả nước (115 trẻ trai/100 trẻ gái/năm 2020). Nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính là do tư tưởng phải có con trai nối dõi tông đường vẫn còn rất nặng nề trong một bộ phận Nhân dân, đặc biệt là vùng biển, miền núi và công giáo; công tác kiểm tra phát hiện và xử lý các trường hợp cung cấp dịch vụ, phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi còn gặp nhiều khó khăn. Bộ máy tổ chức làm công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở cơ sở chưa ổn định, nên ảnh hưởng đến sự nhiệt huyết của họ dẫn đến công tác tổ chức và phối hợp đạt hiệu quả chưa cao.

Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020 (gọi tắt là đề án) được triển khai tại 310 xã/21 huyện, thị, thành phố với nhiều hoạt động, như: Tuyên truyền, tư vấn trực tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh xã, cung cấp thông tin, hội thảo, nói chuyện chuyên đề với cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể, cán bộ DS-KHHGĐ xã; nhân bản và cung cấp các sản phẩm truyền thông... Cụ thể, đã tổ chức 6 lần hội thảo cấp tỉnh; 50 lần cấp huyện cung cấp thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cho lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; 17 lớp tập huấn, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng 840 tin, bài, 20 phóng sự; tổ chức 520 buổi nói chuyện chuyên đề, sản xuất hơn 290.600 tờ rơi và 9.370 cuốn sách lật, thành lập và hướng dẫn hoạt động cho 210 câu lạc bộ. Cùng với đó, phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tiến hành mỗi năm 1 đợt thanh, kiểm tra các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm và nạo phá thai về thực hiện các quy định của pháp luật. Có thể nói, bằng các hoạt động can thiệp và rất nhiều cố gắng, trong 5 năm qua, Thanh Hóa đang dừng lại ở việc giữ cho tỷ số giới tính không tăng quá 115 bé trai/100 bé gái.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành dân số tiếp tục triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ nhằm giải quyết các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục giảm sinh nhằm sớm đưa mức sinh về mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Tại huyện miền núi cao Quan Sơn, những năm qua công tác dân số được cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, tư tưởng trọng nam khinh nữ là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Hiện nay tỷ số giới tính khi sinh của huyện là 113 bé trai/100 bé gái.

Bà Lê Thị Thái, Trưởng phòng Dân số Truyền thông- Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế huyện Quan Sơn, cho biết: Năm 2021, huyện Quan Sơn tiếp tục được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh triển khai tổ chức thực hiện đề án tại 6 xã, thị trấn, gồm: Sơn Lư, Sơn Hà, Trung Thượng, Trung Tiến, Trung Hạ, Trung Xuân. Để triển khai đề án được hiệu quả, phòng đã tham mưu cho lãnh đạo trung tâm xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong đó, tăng cường cung cấp thông tin về mất cân bằng giới tính khi sinh, tạo sự ủng hộ của lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo cũng như sự đầu tư nguồn lực cho triển khai các hoạt động giảm thiểu; tổ chức nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã. Ngoài ra, thông qua những người có uy tín trong cộng đồng, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong thôn, bản, đặc biệt là giới trẻ về mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tại huyện miền biển Hậu Lộc, mặc dù công tác dân số được chú trọng nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và sinh con thứ 3 vẫn diễn ra. Nguyên nhân là do, những hộ đi biển thì muốn sinh con trai để nối nghiệp đi biển của bố; những gia đình có điều kiện thì muốn sinh thêm để đông con nhiều cháu; những gia đình sinh con một bề thì muốn có nếp có tẻ... Tình trạng đông con, sinh con thứ 3 trở lên đang tạo áp lực cho việc giải quyết các vấn đề y tế, giáo dục... tại một số xã trên địa bàn huyện Hậu Lộc.

Năm 2021, huyện Hậu Lộc tiếp tục được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh triển khai thực hiện đề án trên địa bàn 11 xã. Đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều nội dung hoạt động, như tuyên truyền nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh lồng ghép vào hoạt động ngoại khóa ở các trường trung học phổ thông, trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên; tổ chức hội thảo chuyên đề hàng năm nhằm cập nhật kịp thời thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tình hình triển khai kết quả thực hiện đề án; tổng hợp phân tích, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái như hỗ trợ gia đình phụ nữ sinh con một bề là gái; các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người già không có con trai...

Để kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính hiện nay, bên cạnh những nỗ lực của ngành Dân số tỉnh, rất cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của ngành chức năng, coi đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội để ổn định dân số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tùy theo tình hình thực tế, mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh cần áp dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp, chú trọng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, sinh con một bề, các phòng khám sản khoa, nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên. Và điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của từng người dân trong việc quyết định sinh con tự nhiên, đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh. Đó chính là một trong những chỉ tiêu rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]