(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thì vai trò của y tế học đường ở mỗi nhà trường là rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh. Thực tế tại Thanh Hóa, phần lớn các trường đang trống nhân viên y tế học đường, khiến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, hoặc triển khai các biện pháp chuyên môn trong phòng chống dịch gặp khó khăn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi lo thiếu nhân viên y tế học đường

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thì vai trò của y tế học đường ở mỗi nhà trường là rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh. Thực tế tại Thanh Hóa, phần lớn các trường đang trống nhân viên y tế học đường, khiến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, hoặc triển khai các biện pháp chuyên môn trong phòng chống dịch gặp khó khăn...

Công tác y tế học đường hiện nay còn nhiều khó khăn. (Ảnh T.T)

Mặc dù là chuẩn quốc gia, nhưng Trường Mầm non Đông Thọ B (TP Thanh Hóa) vẫn không được biên chế nhân viên y tế học đường (YTHĐ). Bà Lê Thị Lan Anh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Thọ B cho biết: "Do trường không có nhân viên YTHĐ, nên chúng tôi rất lo khi trẻ có biểu hiện bệnh lý đột xuất. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khó lường. Ngoài việc phối hợp với trạm y tế phường khi học sinh có vấn đề về sức khỏe thì nhà trường đang làm tờ trình xin phép được hợp đồng nhân viên y tế (NVYT), tuy nhiên vẫn chưa được phê duyệt".

Với tổng số 1.800 học sinh, Trường THCS Quang Trung (TP Thanh Hóa) là một trong những trường có số học sinh đông nhất thành phố. Mặc dù hàng năm, nhà trường đều phối hợp với trạm y tế phường trong công tác khám sức khỏe định kỳ cho học sinh 1 lần/ năm, tiêm phòng uốn ván cho học sinh nữ... Tuy nhiên, công tác sơ cấp cứu ban đầu, triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn do nhà trường không có NVYT mà do nhân viên văn thư kiêm nhiệm cả công tác YTHĐ.

Bà Lê Thị Ngoan - Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung cho biết: Dù không được biên chế nhân viên YTHĐ, nhưng vì tính bức thiết của hoạt động y tế hàng ngày, nên nhà trường phải tự bỏ kinh phí để ký hợp đồng NVYT. Cũng vì không có biên chế hay được ký hợp đồng không xác định thời hạn với NVYT, nên nhà trường không được trích từ nguồn học phí để trả lương. Do đó, nhà trường phải tự cân đối bằng các nguồn tiết kiệm để hợp đồng nhân viên YTHĐ.

Thực tế, hoạt động y tế trường học không đơn giản là sơ cấp cứu ban đầu, mà còn là tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, xây dựng biểu đồ dinh dưỡng hợp lý, triển khai các chương trình phòng, chống dịch bệnh cho học sinh trong trường, góp phần cải thiện sức khỏe, tinh thần cho học sinh... Tuy nhiên, thực tế công tác YTHĐ hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn: hầu hết các trường học không có biên chế cho NVYT. Để đảm bảo hoạt động YTHĐ, nhiều nhà trường phải lấy nguồn khác để chi trả lương, đặc biệt là 3 tháng nghỉ hè, NVYT không có việc làm nên cũng ảnh hưởng đến đời sống và tinh thần của họ. Mặt khác, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, tủ thuốc của các nhà trường còn thiếu, ít... đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, hiện tại, 100% trường học trong tỉnh đều có cán bộ y tế, nhưng chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Trong số hơn 2.000 trường học ở các cấp học, hiện mới chỉ có khoảng 50 trường có cán bộ y tế có trình độ từ trung cấp y trở lên, còn lại là cán bộ y tế kiêm nhiệm. Chính vì thế, tại nhiều địa phương, 100% trường đều “trắng” NVYT chuyên trách; cán bộ y tế chủ yếu là kế toán, thủ quỹ, giáo viên kiêm nhiệm nên nhiều người còn lúng túng trong triển khai nhiệm vụ và chưa làm tốt việc tham mưu cho lãnh đạo nhà trường trong công tác YTHĐ.

Từ thực tế đó, đã có thời điểm, một số dự án về YTHĐ được triển khai tại trường học như “nha học đường”, “mắt học đường”, “vệ sinh y tế học đường”... nhưng do các trường không có NVYT chuyên trách nên việc thực hiện chưa thường xuyên và hiệu quả không cao. Theo đánh giá của nhiều nhà trường, việc thiếu NVYT có trình độ chuyên môn đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, nhất là khi công tác bán trú đang ngày càng mở rộng, nếu không được chăm sóc chu đáo, học sinh rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, các bệnh về răng miệng, tai nạn thương tích... Mặc dù hằng năm, Sở GD&ĐT đều tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt. Về lâu dài, cần có sự đầu tư đồng bộ, bài bản cùng sự chung tay của các cấp, các ngành.

Vai trò của công tác y tế trường học là rất quan trọng, đặc biệt là trong tình hình các bệnh dịch truyền nhiễm diễn biến phức tạp như hiện nay. Do đó, về lâu dài, ngành GD&ĐT nên có quy định chức danh NVYT như là một vị trí việc làm bắt buộc trong trường học để có cơ chế pháp lý tuyển dụng, giúp nhà trường thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe học sinh. Ngành y tế cũng cần tăng cường phối hợp, hỗ trợ các trường học trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ NVYT, cung cấp các loại thuốc, trang thiết bị, dụng cụ y tế, phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh...

Hạ Lan


Hạ Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]