(vhds.baothanhhoa.vn) - Một "bài toán" được xem là khó nhất từ trước đến nay đối với công tác bán trú ở các trường mầm non (MN) công lập trên địa bàn tỉnh đó là vấn đề kinh phí để trả lương cho người nấu ăn (cô nuôi). Ở khu vực nông thôn, điều này càng khó khăn hơn…

Nỗi niềm... cô nuôi

Một “bài toán” được xem là khó nhất từ trước đến nay đối với công tác bán trú ở các trường mầm non (MN) công lập trên địa bàn tỉnh đó là vấn đề kinh phí để trả lương cho người nấu ăn (cô nuôi). Ở khu vực nông thôn, điều này càng khó khăn hơn…

Nỗi niềm... cô nuôiGiáo viên hợp đồng trường kiêm nhân viên nấu ăn bán trú Trường MN Quảng Giao đang chuẩn bị bữa ăn cho học sinh. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Từ chuyện thuê cô nuôi...

Năm học 2020 - 2021, Trường MN Lĩnh Toại (Hà Trung) có 282/282 học sinh ăn bán trú. Theo quy định của Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, ngày 16-3-2015 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục MN công lập, thì: “Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường MN có tổ chức bán trú thì được hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn như sau: Cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 01 lao động hợp đồng để bố trí vào vị trí nấu ăn”. Nếu “chiếu” theo quy định thì Trường MN Lĩnh Toại thiếu 6 cô nuôi.

Để khắc phục tình trạng này, không còn cách nào khác, nhà trường phải phân công một giáo viên đứng lớp xuống điều hành nấu ăn và thuê thêm 4 cô nuôi ở bên ngoài. Tiền lương trả cho cô nuôi theo sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Theo đó, cô nuôi được chi trả số tiền là 3 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ năm học này mà nhiều năm học trước đó, Trường MN Lĩnh Toại đều phải đi tìm cô nuôi. Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Mai Thị Thu Hà, cho biết: “Khó khăn cho nhà trường là không chỉ thiếu giáo viên đứng lớp mà thiếu cả nhân viên nấu ăn. Nhưng đối tượng này lại không nằm trong biên chế nên nhà trường phải hợp đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện vì còn yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ nấu ăn… Dù huyện có cơ chế về việc chi trả tiền công cho cô nuôi được thực hiện theo sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, thì số tiền cũng không đủ để thuê hết cô nuôi đang thiếu”.

Tương tự, do thiếu cô nuôi nên Trường MN Hà Yên (Hà Trung) cũng phải thuê người nấu ăn bán trú, thậm chí có thời điểm, do tìm cô nuôi có chứng chỉ nấu ăn quá khó, nhà trường đành phải thuê người dân. Theo chia sẻ của Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Vũ Thị Duyên: “Năm học nào nhà trường cũng phải vất vả đi tìm cô nuôi do thu nhập không đảm bảo, ít người gắn bó. Việc cán bộ, giáo viên xuống bếp hỗ trợ cho nấu ăn bán trú là chuyện thường xuyên của nhà trường”.

Năm học mới sắp đến, nhiều trường MN công lập ở huyện Hà Trung đang lo lắng vì không biết những cô nuôi của năm học trước có tiếp tục gắn bó với nhà trường hay không. Bởi sau thời gian nghỉ hè, khả năng cô nuôi đi tìm công việc khác là hoàn toàn có thể xảy ra. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến công tác tổ chức bán trú, cũng như việc kiểm định chất lượng giáo dục…

... đến Giáo viên làm cô nuôi

Là 1 trong 11 giáo viên hợp đồng trường ở Trường MN Quảng Giao (Quảng Xương), cô giáo Mai Thị Hạnh còn được phân công thực hiện nấu ăn bán trú cho học sinh. Không ngại khó, ngại khổ, nhiều năm qua, cô vẫn làm tròn nhiệm vụ được giao. Chia sẻ của cô giáo Hạnh: “Trong điều kiện thiếu cô nuôi, tôi sẵn sàng theo sự sắp xếp của nhà trường. Tôi mong có thêm sự hỗ trợ để đảm bảo thu nhập, yên tâm công tác”.

Từ phía Trường MN Quảng Giao, Hiệu trưởng Vũ Thị Hải cho biết thêm: “Chúng tôi cũng động viên 11 giáo viên hợp đồng đứng lớp chia sẻ với sự khó khăn trong công tác bán trú. 11 giáo viên này luân phiên, phân công nhau để thực hiện nấu ăn cho học sinh. Giáo viên MN đều được đào tạo chương trình dinh dưỡng cho trẻ nên sẽ thuận lợi hơn”.

Cũng như Trường MN Quảng Giao, Trường MN thị trấn Tân Phong 3 (Quảng Xương), trong nhiều năm qua cũng rơi vào tình trạng thiếu cô nuôi. Ngay năm học 2020 - 2021, trường thiếu tới 7 cô nuôi. Để tháo gỡ khó khăn, nhà trường phải hợp đồng công việc với một số giáo viên có bằng sư phạm MN. Trải lòng của Hiệu trưởng nhà trường Phan Thị Hà: “Chúng tôi ký hợp đồng từng tháng, lương mỗi tháng của cô nuôi là 2,5 triệu đồng. Trong điều kiện lương thấp, bảo hiểm không có nên rất khó để giữ chân các cô ở lại”.

Khó khăn trong vấn đề cô nuôi là thực trạng chung ở các trường MN công lập trên địa bàn tỉnh, đặc biệt với khu vực nông thôn. Theo bà Vũ Thị Viên, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hà Trung: “Trước đây, đối với cô nuôi, phần lớn đều lấy giáo viên đứng lớp kiêm nấu ăn bán trú. Sau khi có cơ chế của huyện cho các nhà trường thỏa thuận với phụ huynh để thuê cô nuôi thì các nhà trường cũng vận dụng bằng nhiều phương thức. Tuy nhiên, việc xã hội hóa từ phụ huynh cũng không dễ. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ để nâng cao mức thu nhập cho cô nuôi để họ yên tâm công tác với trách nhiệm cao hơn”.

Nỗi niềm... cô nuôiCô giáo Nguyễn Thị Mười, giáo viên Trường MN Lĩnh Toại vừa là giáo viên đứng lớp, vừa là cô nuôi. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Quế, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương cũng cho rằng: "Hiện ở Quảng Xương có 135 cô nuôi đang hợp đồng với các nhà trường. Việc chi trả lương cho cô nuôi không đồng nhất, đều phụ thuộc vào phụ huynh đóng góp, dao động từ 2,5- 3,5 triệu đồng/người/tháng, không được đơn vị nộp bảo hiểm xã hội. Ngoài sự thống nhất đồng bộ về việc hợp đồng và mức lương cho cô nuôi, UBND tỉnh nên có kế hoạch tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ nghề chế biến nấu ăn cho đội ngũ cô nuôi tại các trường MN”.

Từ phía Sở GD&ĐT, bà Trương Thị Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục MN, cho biết: “Hiện cô nuôi chưa có định biên nên cần phải có một khoản lương để chi trả cho cô nuôi. Tùy vào điều kiện của địa phương mà mỗi nơi sẽ có những mức thu khác nhau. Sở GD&ĐT đã tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành mức thu thống nhất đối với phụ huynh làm căn cứ cho các địa phương. Mục tiêu là để nâng cao đời sống cho cô nuôi, giúp họ gắn bó hơn với công việc. Đồng thời sẽ tránh được tình trạng giáo viên đứng lớp kiêm nhân viên nấu ăn bán trú, nhằm đảm bảo hơn trong công tác chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ”.

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]