(vhds.baothanhhoa.vn) - Trường THCS “chất lượng cao” được thành lập, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, các địa phương đã tổ chức tuyển sinh, tuyển giáo viên hoặc điều động giáo viên giỏi về dạy. Bên cạnh đó là chính sách đặc thù cho giáo viên và học sinh sau khi về dạy và học tại trường này. Tuy nhiên, đã có sự khó...

Nỗi niềm trường "chất lượng cao”: Khó thực hiện chính sách ưu đãi

Trường THCS “chất lượng cao” được thành lập, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, các địa phương đã tổ chức tuyển sinh, tuyển giáo viên hoặc điều động giáo viên giỏi về dạy. Bên cạnh đó là chính sách đặc thù cho giáo viên và học sinh sau khi về dạy và học tại trường này. Tuy nhiên, đã có sự khó...

Nỗi niềm trường chất lượng cao”: Khó thực hiện chính sách ưu đãiLãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoằng Hóa cùng cán bộ, giáo viên Trường THCS Nhữ Bá Sỹ chụp ảnh lưu niệm với đoàn học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh.

Từ việc khảo sát đánh giá năng lực đầu vào

Thực hiện công tác tuyển sinh, các trường THCS “chất lượng cao” hoặc trường có yếu tố chất lượng cao đã tổ chức theo 2 hình thức: xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào (thực chất là thi tuyển). Đối tượng là học sinh có thành tích cao trong học tập trong huyện, thị xã, thành phố.

Theo quy định, sau khi hoàn thành bậc tiểu học để lên bậc THCS thì học sinh không thi tuyển đầu vào mà chỉ xét tuyển. Tuy nhiên, việc tự đặt ra loại hình trường “chất lượng cao” nên cũng mặc định việc thi tuyển. Theo ý kiến từ các trường THCS “chất lượng cao” thì thi tuyển để sàng lọc học sinh và đánh giá tốt hơn về chất lượng. Hơn nữa, việc học sinh đăng ký dự thi gấp nhiều lần so với chỉ tiêu nên cần thiết phải tổ chức thi tuyển.

Đối với các trường THCS chất lượng cao, ngày càng nhiều học sinh đăng ký dự thi. Sau 4 năm thực hiện đề án xây dựng trường THCS chất lượng cao, số lượng đăng ký vào Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa) tăng nhiều hơn. Năm học 2023-2024, chỉ tiêu lấy 160 học sinh nhưng có tới 500 học sinh trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đăng ký. Nhà trường cũng tổ chức tuyển sinh theo 2 hình thức: xét tuyển và thi tuyển.

Tại Trường THCS Triệu Thị Trinh (Triệu Sơn), sau 3 năm thực hiện Đề án xây dựng trường chất lượng cao, đến nay nhà trường đã tuyển được 11 lớp chất lượng cao với 381 học sinh. Theo nhận định của thầy giáo Lê Nhật Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THCS Triệu Thị Trinh thì thi vào trường, tỷ lệ cạnh tranh tương đối cao. Thầy Quỳnh cho biết: “Việc thi tuyển rất khó. Nhà trường sẽ đẩy dần lớp đại trà và thu về lớp chất lượng cao. Theo đó, cuối cùng sẽ chỉ còn 16 lớp chất lượng cao với số lượng học sinh là 560 em”.

Không chỉ học sinh, giáo viên về dạy tại Trường THCS Triệu Thị Trinh cũng phải qua vòng thi tuyển. Ngoài giáo viên ở các trường trên địa bàn huyện Triệu Sơn thì giáo viên đang dạy tại Trường THCS Triệu Thị Trinh cũng tham gia dự thi. Để đủ điều kiện dự thi, tiêu chí đặt ra: Phải là giáo viên giỏi, có thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi (học sinh đoạt giải nhất, nhì cấp huyện hoặc giải ba cấp tỉnh). Sau 3 năm thực hiện đề án, Trường THCS Triệu Thị Trinh đã tuyển được 12 giáo viên dạy các lớp chất lượng cao.

Nhìn nhận một thực tế, niềm vui của trường “chất lượng cao” đôi khi lại là trăn trở của trường THCS khác. Đơn cử như ở Trường THCS Tô Vĩnh Diện. Ngôi trường này cùng với trường “chất lượng cao” THCS Triệu Thị Trinh đều nằm ở trung tâm thị trấn Triệu Sơn. “Nhà trường cũng như nhiều trường khác sẽ khó khăn hơn trong nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn khi huyện xây dựng trường chất lượng cao”, cô giáo Trịnh Thị Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Vĩnh Diện, cho biết.

Cũng theo hiệu trưởng Trịnh Thị Phương, khi xây dựng trường “chất lượng cao” thì các trường còn lại nên đánh giá bằng chất lượng đại trà như thi vào lớp 10 để giảm bớt áp lực về học sinh giỏi cho các trường này.

Đến chính sách ưu đãi cho giáo viên, học sinh

Đối với học sinh và giáo viên trường THCS “chất lượng cao”, áp lực sẽ nhiều hơn trường THCS khác. Lớn nhất vẫn là áp lực thành tích. Để động viên, khuyến khích giáo viên, học sinh, các huyện đã đưa ra chính sách ưu đãi đặc thù. Nhưng đáng buồn, do trường THCS “chất lượng cao” không có trong quy định Pháp lý Giáo dục Việt Nam nên chính sách đưa ra khó thực hiện đã khiến nhiều địa phương bối rối, lúng túng...

Nỗi niềm trường chất lượng cao”: Khó thực hiện chính sách ưu đãiHuyện Thiệu Hóa trao phần thưởng cho học sinh Trường THCS thị trấn Vạn Hà trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Lam Sơn.

Hỗ trợ 50% học sinh đạt thành tích cao trong năm học đối với học sinh lớp 6, mỗi học sinh 500.000 đồng/tháng là cơ chế của huyện Hoằng Hóa dành cho học sinh Trường THCS Nhữ Bá Sỹ. Tuy nhiên, đến năm học 2023-2024, chính sách này không còn với lý do trong quá trình thực hiện, nhận thấy, HĐND huyện không có thẩm quyền vận hành cơ chế, chính sách nên đã điều chỉnh lại. Trước đó, về chính sách cho giáo viên, trong dự thảo đề án có đề xuất 70% phụ cấp, vì thiếu cơ sở pháp lý nên không thể thực hiện. Thầy giáo Lê Khắc Chiến, giáo viên dạy bộ môn Vật lí, Trường THCS Nhữ Bá Sỹ cho biết: “Khối lượng công việc nhiều, nhiệm vụ nặng nề hơn nhưng quyền lợi lại giống như các trường khác... Giáo viên không được hưởng cơ chế, chính sách”.

Cho đến nay, sau 3 năm thành lập trường chất lượng cao, 7/12 giáo viên thi tuyển vào Trường THCS Triệu Thị Trinh vẫn chưa được nhận 50 triệu đồng, tiền khuyến khích giáo viên về công tác tại trường (trong 12 giáo viên thi tuyển, có 5 giáo viên công tác tại trường thi tuyển đủ điều kiện dạy các lớp chất lượng cao không được hưởng 50 triệu đồng). Đồng thời, 84 học sinh cũng chưa nhận được hỗ trợ tiền xe theo đề án với 1,8 triệu đồng/học sinh. Thầy giáo Đàm Duy Thắng, giáo viên bộ môn Sinh học, Trường THCS Triệu Thị Trinh cho biết: “Tôi là giáo viên cốt cán của huyện. Hằng năm đều dạy đội tuyển học sinh giỏi huyện tham gia thi tỉnh và đạt kết quả tốt. Điều động về dạy tại Trường THCS Triệu Thị Trinh, tôi và một số đồng nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, cũng chưa nhận được số tiền này”.

Sở dĩ, giáo viên và học sinh chưa nhận được tiền hỗ trợ do không có căn cứ pháp lý để chi trả vì không có trường THCS chất lượng theo quy định Pháp lý Giáo dục Việt Nam. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cận, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Triệu Sơn thông tin: “Cũng rất khó khăn. Huyện đang tìm giải pháp để thực hiện tiền hỗ trợ cho giáo viên, học sinh. Dự kiến trong tháng 12 sẽ chi trả".

Khuyến khích, động viên học sinh, giáo viên, đây là ý tưởng tốt. Nhưng cần thiết phải cẩn trọng, nghiên cứu kỹ hơn khi đưa ra quyết định hỗ trợ. Khi không đủ cơ sở pháp lý đồng nghĩa chính sách ưu đãi khó duy trì.

Bài và ảnh: An Diệp



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]