(vhds.baothanhhoa.vn) - Để học sinh (HS) hình thành thói quen đọc sách, xây dựng kỹ năng tự học, những năm qua các trường học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đổi mới hoạt động thư viện, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm, trao đổi, làm phong phú đầu sách,...

Nơi ươm mầm tình yêu sách cho học trò

Để học sinh (HS) hình thành thói quen đọc sách, xây dựng kỹ năng tự học, những năm qua các trường học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đổi mới hoạt động thư viện, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm, trao đổi, làm phong phú đầu sách,...

Nơi ươm mầm tình yêu sách cho học tròHọc sinh tranh thủ giờ giải lao lên thư viện trường đọc sách.

Ngay khi được thông báo đến thư viện trường đọc sách, tất cả các bạn nhỏ trong lớp 3B, Trường Tiểu học (TH) Lê Mạnh Trinh (Hoằng Hóa) liền reo hò mừng rỡ, chạy thật nhanh đến bên những kệ sách, tự chọn cho mình cuốn sách phù hợp, chọn chỗ ngồi ưng ý, rồi lật giở từng trang sách trong sự phấn khởi. Vốn là tuổi hiếu động nhưng khi ngồi đọc, các bạn nhỏ rất trật tự. Nhìn những đôi mắt trong veo đắm chìm vào những trang sách, biết rằng điện thoại, ti vi có sức hút đến cỡ nào thì trong các em tình yêu sách vẫn luôn còn. Khi được hỏi các em có thích đến thư viện không, 41 HS đều chung câu trả lời có. Em Nguyễn Thanh Châu, vui vẻ nói: “Thư viện đẹp, nhiều sách hay mà ở nhà chúng em không có. Cô giáo bảo đọc càng nhiều sách chúng em sẽ học giỏi, biết thêm nhiều điều hay, nên chúng em thích đến thư viện lắm”. Cô giáo Đinh Ba Lê, chủ nhiệm lớp 3B, cho biết: “Ngoài thư viện chung ở trường thì mỗi lớp đều có tủ sách Lam Sơn do phụ huynh và HS tự xây dựng. Đọc sách không những giúp HS khám phá thêm nhiều kiến thức mới, bổ ích mà đối với khối TH còn giúp luyện đọc tốt, tăng cường khả năng đọc hiểu, biết phân biệt những hành động tốt, xấu”.

Thư viện xanh tại Trường TH Lê Mạnh Trinh được xây dựng có không gian mở, thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên, với hình dáng như một cuốn sách. Hiện, thư viện có trên 500 đầu sách, chủ yếu là truyện thiếu nhi trong và ngoài nước, sách tham khảo, sách dạy kỹ năng, truyện cổ tích Việt Nam, … Thầy Bùi Khắc Hòa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Phát huy hiệu quả của thư viện, bồi dưỡng tình yêu sách cho HS, vào thứ 2 hàng tuần (khi dịch bệnh chưa bùng phát) cùng với Lễ chào cờ, nhà trường tổ chức buổi thảo luận sách dưới cờ, mỗi tuần có một chủ đề như Bác Hồ, ngày Nhà giáo Việt Nam, công ơn cha mẹ… được HS và phụ huynh rất ủng hộ. Thời gian gần đây, tuy nhà trường không còn tổ chức thảo luận sách dưới cờ nhưng khuyến khích các lớp tự tổ chức thảo luận theo đề xuất của HS về một cuốn sách hay nào đó mà em đã đọc”.

Cùng chung câu hỏi “Các em có đến thư viện trường đọc sách không?”, tất cả các cánh tay trong lớp 9A Trường TH&THCS Đông Thịnh (Đông Sơn) đều giơ lên, em ít nhất thì 2 buổi/tuần, nhiều là 4 buổi/tuần. Với các em HS bậc trung học cơ sở áp lực học tăng, ngoài thời gian học chính khóa trên trường, đa phần các em phải đi học thêm chuẩn bị cho thi cuối cấp. Vì vậy, việc đến thư viện trường đọc sách thường được các em tranh thủ vào giờ ra chơi, giờ thể dục. Theo em Lê Nguyên Hùng, HS lớp 9A: “Thường chúng em hay chọn sách tham khảo, đọc ngay tại trường, nếu có chỗ nào chưa hiểu có thể hỏi ngay thầy cô giáo. Nhà trường cũng cho chúng em được mượn sách về nhà đọc. Nhiều bạn trong lớp chưa có điện thoại nên chúng em cũng thường xuyên đọc sách báo, tìm hiểu thông tin về giáo dục”. Tuy nhiên, do thời gian đọc tại thư viện hạn hẹp, tâm lý nhiều HS muốn được giải trí sau những giờ học căng thẳng, vì vậy, mong muốn nhà trường có thêm nhiều đầu sách giải trí như truyện tranh, sách báo thanh thiếu niên... Hiện tại, Trường TH&THCS Đông Thịnh đang xây dựng thư viện xanh, dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 11 này với trên 500 đầu sách. Thư viện được xây dựng ngoài trời, trong không gian mở, với thiết kế giá sách treo, chắc chắn sẽ thu hút ngày càng nhiều HS.

Ngày nay, sự phát triển vượt bậc của công nghệ đang làm thay đổi văn hóa đọc, nhất là trong HS. Tuy nhiên, thực tế có thể thấy dù ti vi, điện thoại có ma lực đến đâu thì trong mỗi HS vẫn có tình yêu nhất định dành cho sách, điều quan trọng là phụ huynh, thầy cô và nhà trường phải biết khơi dậy, duy trì và cổ vũ cho tình yêu đó phát triển. Như việc, thay vì để sách trên thư viện, nhà trường đã đưa sách về tủ sách của các lớp học, để các em thuận tiện tìm đọc vào mỗi giờ giải lao, mỗi khi tới lớp, hoặc có thể mượn về nhà. Bên cạnh đó, nhà trường khuyến khích cô giáo chủ nhiệm biểu dương, khen thưởng những em ham đọc sách, giới thiệu những quyển sách hay đến cho các bạn. Không những thế, việc đọc sách tại thư viện bao giờ cũng thu hút HS hơn, bởi “HS TH thường bắt chước theo hành động, thấy bạn mình đọc sách thì các em cũng tự nguyện đọc. Không những thế những câu chuyện, nhân vật còn được các em hóa thân, biến thành những trò chơi với bạn bè vô cùng vui vẻ”, cô Đinh Ba Lê, Trường TH Lê Mạnh Trinh, cho biết thêm.

Duy trì văn hóa đọc, hiện tại nhiều trường đã đổi mới hoạt động thư viện, bằng cách xây dựng thư viện xanh, đầu tư cơ sở vật chất, đa dạng các đầu sách. Đồng thời đổi mới hoạt động ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, giới thiệu sách hay, triển lãm sách… để khơi dậy niềm đam mê, hứng thú tìm hiểu, đọc sách cho các em HS, dần dần hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]