(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến công tác xã hội hóa (XHH) giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập với nhiều cơ chế, chính sách, việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong đó, Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh ban hành chính sách XHH GDMN tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 thực sự là “phao cứu sinh” cho nhiều trường mầm non (MN) ngoài công lập trước khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

“Phao cứu sinh” cho các trường mầm non ngoài công lập

Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến công tác xã hội hóa (XHH) giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập với nhiều cơ chế, chính sách, việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong đó, Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh ban hành chính sách XHH GDMN tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 thực sự là “phao cứu sinh” cho nhiều trường mầm non (MN) ngoài công lập trước khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

“Phao cứu sinh” cho các trường mầm non ngoài công lậpNhờ sự quan tâm, tạo điều kiện, sẻ chia của chủ đầu tư, các cấp, ngành trong lúc khó khăn, cán bộ quản lý, giáo viên Trường MN Họa Mi Delta nỗ lực cố gắng, quyết tâm gắn bó với nghề. (Ảnh chụp trước 27-4-2021)

Các trường mn ngoài công lập trước “cơn bão” COVID-19

Dịch COVID-19 đang tác động đến mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vào thời điểm thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, hệ thống các trường MN ngoài công lập, nhóm lớp tư thục phải tạm ngừng hoạt động, khiến cho chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng, đời sống giáo viên không được đảm bảo để trang trải cuộc sống.

Trường MN Họa Mi Delta (xã Hoằng Đồng) do Công ty Cổ phần Dụng cụ thể thao Delta làm chủ đầu tư là một trong những trường MN ngoài công lập được đánh giá có uy tín, chất lượng cao trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Trường thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018, nhưng đã có hai năm học chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, có thời điểm phải tạm dừng hoạt động. “Đối với hệ thống các trường ngoài công lập, 100% thu, chi đều dựa vào học phí nên việc tạm dừng hoạt động, học sinh nghỉ học kéo dài đồng nghĩa với việc trường không có nguồn thu, người lao động không có việc làm. Trong khi đó, hàng loạt các khoản chi vẫn phải duy trì thực hiện như: Trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… cho người lao động. Đây thực sự là thách thức lớn với chủ đầu tư và đội ngũ cán bộ, giáo viên trong trường”, bà Thiều Thị Hà, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Trường MN tư thục Hoa Hồng (thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn) do Công ty TNHH Phát triển giáo dục Minh Thành làm chủ đầu tư, được xây dựng khang trang, đáp ứng mô hình trường MN chất lượng cao. Bà Hoàng Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường vẫn đang trong quá trình tái thiết, nay lại thêm tác động xấu của dịch COVID-19 càng thêm khó khăn. Do không biết trường tạm dừng hoạt động đến bao giờ, nên nhiều giáo viên trong trường phải vất vả lo toan, xoay xở, tìm kiếm các công việc làm thêm, thời vụ để trang trải cuộc sống”.

Hạnh phúc vì được đồng cảm, sẻ chia…

Trước ảnh hưởng không nhỏ của dịch COVID-19, nhằm thực hiện tốt chủ trương, chính sách XHH GDMN, ngày 1-6-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1857/QĐ-UBND phê duyệt danh sách các trường MN và cán bộ quản lý, giáo viên trường MN ngoài công lập đủ điều kiện được hưởng chính sách XHH GDMN tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh.

Theo đó, 8 trường và 122 cán bộ quản lý, giáo viên được hưởng chính sách, gồm: Trường MN tư thục Ước Mơ Xanh, huyện Ngọc Lặc: 20 người; Trường MN Nobel thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh: 15 người; Trường MN Nobel huyện Thọ Xuân: 15 người; Trường MN Nobel thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định: 16 người; Trường MN tư thục Hoa Hồng, huyện Triệu Sơn: 20 người; Trường MN Họa Mi Delta, huyện Hoằng Hóa: 21 người; Trường MN Delta, huyện Hoằng Hóa: 5 người; Trường MN Camellia, huyện Hoằng Hóa: 10 người. Thời gian hỗ trợ trong năm học 2020 - 2021. UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho chủ đầu tư của các trường MN ngoài công lập trả lương cho cán bộ quản lý, giáo viên.

Được biết, đây không phải là năm đầu tiên chính sách XHH GDMN theo Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trước khó khăn, thử thách mà hệ thống trường MN ngoài công lập phải đối mặt trong bối cảnh dịch COVID-19, sự hỗ trợ, động viên, sẻ chia kịp thời này càng trở nên đặc biệt có ý nghĩa, thấm đẫm giá trị nhân văn.

Đây là năm học thứ 2 mà chị Lê Thị Trang (30 tuổi, thị trấn Bút Sơn), giáo viên Trường MN Họa Mi Delta được nằm trong danh sách giáo viên trường MN ngoài công lập đủ điều kiện được hưởng chính sách XHH GDMN của tỉnh. Chị chia sẻ: "Khi nhận được thông tin mình có trong danh sách giáo viên trường MN ngoài công lập đủ điều kiện được hưởng chính sách XHH GDMN, tôi cảm thấy rất vui, cảm động. Với mức hỗ trợ ấy, chúng tôi cảm thấy vơi bớt đi phần nào áp lực kinh tế. Hơn hết, chúng tôi thấy được quan tâm, sẻ chia, thêm động lực gắn bó với nghề”.

Cũng như chị Trang, đây là năm học thứ 2 mà chị Trịnh Thị Minh (xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa) có tên trong danh sách nhận hỗ trợ từ chính sách XHH GDMN của tỉnh. Chị Minh cho biết: “Căn cứ theo bằng cấp và tổng số học sinh của trường, năm học trước, tôi nhận được mức hỗ trợ là 3 triệu đồng/tháng từ chính sách XHH GDMN của tỉnh. Khi ấy, tôi vừa sinh em bé, nên số tiền ấy giúp tôi đứng vững trong cơn bão COVID-19”.

“Phao cứu sinh” cho các trường mầm non ngoài công lậpNăm học 2020 - 2021, Trường MN tư thục Hoa Hồng có 20/28 cán bộ quản lý, giáo viên được hưởng chính sách XHH GDMN của tỉnh. (Ảnh chụp trước 27-4-2021)

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong đại dịch, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Trung ương, tỉnh Thanh Hóa, các chủ đầu tư cũng luôn sát cánh, đồng hành, động viên, chia sẻ với đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên. Ví như thời điểm phải tạm dừng hoạt động, cán bộ quản lý, giáo viên của Trường MN Hoạ Mi Delta được Công ty Cổ phần Dụng cụ thể thao Delta duy trì đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Mặt khác, chủ đầu tư tạo điều kiện cho giáo viên (nếu có nhu cầu) chuyển sang làm việc thời vụ tại một số ngành, nghề khác của công ty như: May mặc, làm dụng cụ thể thao, làm bao bì, xây dựng…, được hưởng lương và chế độ như công nhân làm việc chính, không phải tăng ca. Đặc biệt, đối với những trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên không nằm trong diện được hưởng hỗ trợ từ chính sách XHH GDMN của tỉnh thì chủ đầu tư cũng có sự quan tâm, động viên kịp thời, thiết thực theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau trong cơn đại dịch”.

Tại Trường MN tư thục Hoa Hồng, ngoài việc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…, chủ đầu tư đã hỗ trợ 1 triệu đồng/người để chia sẻ khó khăn, áp lực kinh tế với cán bộ quản lý, giáo viên của trường trong 1 tháng tạm dừng hoạt động vừa qua.

Sau gần 1 tháng tạm dừng hoạt động, từ ngày 19-6-2021, các trường MN ngoài công lập trên địa bàn toàn tỉnh đã hoạt động trở lại. Thế nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nên cả chủ đầu tư và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đang rất mong chờ chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 1857 của UBND tỉnh sớm được triển khai. Bởi lẽ, sự đồng hành, chia sẻ, quan tâm, động viên kịp thời, thiết thực của các cấp, các ngành là “điểm tựa”, “phao cứu sinh” cho hệ thống GDMN ngoài công lập có thêm động lực, niềm tin “trụ vững” giữa đại dịch COVID-19.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]