(vhds.baothanhhoa.vn) - Văn hóa đọc trường học không phải vấn đề mới, nhưng làm thế nào để xây dựng, phát triển phong trào, việc đọc sách, báo trong mỗi trường học thì vẫn còn nhiều trăn trở. Thiếu sách, thiếu không gian, thiếu những định hướng... khiến không ít thư viện trường học vẫn đơn thuần chỉ là kho sách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển văn hóa đọc: Nhìn từ trường học

Văn hóa đọc trường học không phải vấn đề mới, nhưng làm thế nào để xây dựng, phát triển phong trào, việc đọc sách, báo trong mỗi trường học thì vẫn còn nhiều trăn trở. Thiếu sách, thiếu không gian, thiếu những định hướng... khiến không ít thư viện trường học vẫn đơn thuần chỉ là kho sách.

Chuyện đọc ở những trường học

Trường Tiểu học (TH) Xuân Sơn (Thọ Xuân) giờ ra chơi sôi động, náo nhiệt. Hàng trăm em học sinh các khối lớp ùa ra sân trường như đàn chim vỡ tổ. Thay vì chạy nhảy, nô đùa, nhiều em nhanh chóng tìm cho mình một vị trí thích hợp dưới tán cây xanh cùng với cuốn sách ưa thích. Cứ như vậy, trước mắt chúng tôi là những đứa trẻ nơi vùng quê nghèo có phần còn nhem nhuốc, gầy gò nhưng ánh mắt sáng và sự say mê đọc những cuốn sách thì không thể che giấu.

Hàng trăm cuốn sách, truyện, báo phần nhiều đã cũ sờn, quăn mép nhanh chóng được các em nhỏ lựa chọn để đọc, giải trí trong giờ ra chơi. Trong không gian sân trường, hình ảnh những em học sinh chuyền tay nhau các cuốn sách, báo khiến người ta không khỏi có nhiều liên tưởng.

Được biết, nhiều năm nay Trường TH Xuân Sơn đã đưa mô hình Thư viện xanh vào hoạt động. Với lợi thế không gian khuôn viên trường rộng rãi, nhà trường đã khéo léo khi treo những giỏ đựng sách dưới các gốc cây để các em học sinh tự lựa chọn đầu sách, báo mình yêu thích. Hết giờ nghỉ ra chơi, những cuốn sách lại được tự động đưa về giỏ treo, sau đó cán bộ thư viện sẽ chủ động cất sách về kho.

Năm 2017, Trường THCS Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đạt chuẩn quốc gia và thư viện của trường là một trong 10 thư viện khối THCS trên địa bàn huyện Hoằng Hóa được công nhận là thư viện tiên tiến. Được biết, Hoằng Phụ là xã bãi ngang, người dân chủ yếu làm nghề biển, dân số đông nên đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Để phục vụ việc học và đọc của học sinh trong trường, trước đây mỗi lớp học đều được trang bị tủ sách để học sinh chủ động tìm kiếm. Song tủ sách lớp học thường hạn chế về số lượng đầu sách. Vì vậy các tủ sách được tập trung về phòng đọc trường học được xây dựng tương đối khang trang, phân loại thành tủ sách, báo chuyên đề, chuyên mục cho giáo viên và học sinh lựa chọn. Việc thay đổi và sắp xếp linh hoạt đã phần nào đáp ứng nhu cầu học và đọc của giáo viên, học sinh trong trường.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng thư viện Trường THCS Hoằng Phụ đã được công nhận thư viện tiên tiến.

Cô Vũ Thị Kim Dung, cán bộ thư viện trường chia sẻ: Do khối THCS thời gian nghỉ giữa giờ không nhiều như học sinh tiểu học nên cùng với việc đọc tại trường thì thư viện cũng khuyến khích để giáo viên và học sinh mượn sách về đọc ở nhà. Tùy thuộc vào chủ đề sinh hoạt mỗi tháng mà có những định hướng đọc sách khác nhau cho độc giả: sách về tấm gương đạo đức Bác Hồ; lịch sử; cách mạng...hiện tại thư viện trường học có trên 2.600 bản sách, trong đó chủ yếu là sách giáo khoa, sách tham khảo, nghiệp vụ. Còn các đầu sách khoa học, đời sống, giải trí thì vẫn còn rất hạn chế.

Thầy Lê Bá Lý - Hiệu trưởng Trường THCS Hoằng Phụ cho biết: Mặc dù thư viện nhà trường đạt chuẩn và được công nhận là thư viện tiên tiến, song để đáp ứng cũng như khơi dậy nhu cầu đọc của học sinh trong trường thì một không gian đọc sách mở như mô hình thư viện xanh là cần thiết. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí còn nhiều khó khăn nên đến thời điểm hiện tại mong muốn xây dựng thư viện xanh ngoài trời của thầy và trò nhà trường vẫn chưa thể thực hiện.

Đừng để thư viện là... kho chứa sách

Cùng với thư viện các cấp thì thư viện trường học là môi trường vô cùng thuận lợi để phát triển văn hóc đọc ở lứa tuổi học sinh. Và cần phải khẳng định, việc đọc không chỉ là niềm đam mê mà đó thực sự là nhu cầu có thật, cần thiết với mỗi người, đặc biệt là các em học sinh. Vấn đề đặt ra: Thư viện trường học đã có, nhu cầu đọc sách của học sinh cũng là thực tế, nhưng tại sao vẫn chưa thể tạo nên phong trào đọc sách hiệu quả thực sự trong các nhà trường?

Trước hết, cần nhìn lại hoạt động của các thư viện trường hiện nay. Mặc dù, thư viện đạt chuẩn là một trong tiêu chí để công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia. Song sự “chuẩn” ở không ít thư viện trường vẫn chỉ mới dừng lại ở cơ sở vật chất về mặt hình thức. Có nghĩa rằng, có đủ phòng sách, tủ sách và đầu sách...song sách vẫn thường xuyên “nằm im” trong kho qua mỗi năm. Bên cạnh đó, nội dung các đầu sách cũng là điều đáng bàn. Những giờ học văn hóa trên lớp đã khiến học sinh không khỏi căng thẳng. Vì vậy, những cuốn sách không phải “giáo khoa”, mang tính giải trí, thuộc các lĩnh vực khoa học, đời sống, văn học...thực sự là điều cần thiết. Song những đầu sách như vậy ở các trường học, nhất là các trường thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa là không nhiều nếu không nói rằng đang thực sự thiếu. Phải chăng, đã đến lúc việc đầu tư, mua sắm sách trong hệ thống thư viện trường học cần gắn liền với nhu cầu đọc thực tế.

Bà Lê Thu Lan - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa cho biết: Việc đọc là nhu cầu có thật ở mỗi học sinh. Cùng với đa dạng các đầu sách thì việc tạo không gian mở, thân thiện tại các thư viện trường học là thực sự cần thiết. Một không gian đọc sách thoải mái chắc chắn sẽ khơi dậy, kích thích nhu cầu đọc ở mỗi học sinh. Ở các trường có mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện đều có phong trào đọc sách đạt kết quả. Và mỗi cán bộ thủ thư trong nhà trường, không nên chỉ là người trông coi, sắp xếp sách. Đó phải là người có chuyên môn, nghiệp vụ, kết nối giữa sách với độc giả. Tuy vậy, đây hoàn toàn không phải điều dễ dàng, nhất là trong điều kiện ở nhiều trường học cán bộ thư viện là kiêm nhiệm, thậm chí luân phiên nhau.

Rõ ràng, ngoài dạy văn hóa, trường học còn được xem là môi trường tốt nhất cho việc hình thành và phát triển văn hóa đọc của mỗi người. Vì vậy, nếu việc đọc trong nhà trường không đạt được hiệu quả thiết thực thì sẽ rất khó để tạo nên những công dân hiểu biết, yêu văn hóa đọc trong tương lai. Một năm học mới đang bắt đầu, gieo mầm tri thức trong trường học không thể thiếu văn hóa đọc.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]