(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều phụ huynh muốn con đi học thêm ngoài giờ học chính khóa để củng cố, nâng cao kiến thức và ngược lại, cũng có không ít phụ huynh cho rằng học thêm sẽ không có thời gian cho con nghỉ ngơi và vô tình tạo cho con thêm áp lực.

Phụ huynh và câu chuyện học thêm của con

Nhiều phụ huynh muốn con đi học thêm ngoài giờ học chính khóa để củng cố, nâng cao kiến thức và ngược lại, cũng có không ít phụ huynh cho rằng học thêm sẽ không có thời gian cho con nghỉ ngơi và vô tình tạo cho con thêm áp lực.

Phụ huynh và câu chuyện học thêm của conHọc sinh THCS tham gia một lớp học thêm buổi tối trên phố Trịnh Tùng, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa).

Lựa chọn của phụ huynh

Với chị N.T.D. ở TP Thanh Hóa, học thêm là nhu cầu cần thiết với con chị bởi lý do duy nhất, lực học con chị kém nên cần phải đi học thêm để củng cố kiến thức. Ngay từ đầu năm học, chị đã sốt sắng hỏi giáo viên chủ nhiệm của con để xin lịch học thêm. Chị D. kể: “Từ năm lớp 1, 2, 3, năm nào con cũng học thêm với cô giáo ở trường hoặc giáo viên trường khác. Năm nay lớp 4, kiến thức khó hơn nên không thể không học thêm. Không chỉ mình tôi có nhu cầu mà đến 2/3 phụ huynh của lớp cũng rất muốn điều này”.

Một tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh, đã học thêm thì phải chọn thầy, cô giáo có “tiếng”. Vậy nên, có những bậc phụ huynh xin cho con học cách nhà thầy thậm chí hơn cả chục cây số. Đó là câu chuyện của anh N.V.T. ở huyện Đông Sơn. Năm nay con anh học lớp 7. Trong các môn học, cháu yếu nhất môn Toán. Nghe theo lời giới thiệu của bạn bè, anh cho con học thêm với 1 giáo viên trường khác, huyện khác. Dù đường xa nhưng với anh, quan trọng nhất là con hợp thầy để giúp con tiến bộ.

Xoay quanh chuyện học thêm của con, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh. Cũng là điều dễ hiểu bởi học hay không còn tùy thuộc vào cách nhìn, cách nghĩ của từng người. Theo chị N.T.T. ở TP Sầm Sơn thì học thêm con chị sẽ không có thời gian nghỉ ngơi, vô tình tạo cho con thêm áp lực. Chị cho rằng: “Cấp 2 có quá nhiều bài vở nên vừa học thêm ở trường vừa học thêm ở nhà thầy cô, tôi sợ con không đủ sức. Tôi có nói với con, cố gắng tham khảo thêm các tài liệu để tự học, tự rèn luyện. Thực tế, con tôi không đi học thêm nhưng vẫn học giỏi”.

Ứng xử của giáo viên

Mới đây, tại một cuộc họp phụ huynh ở một trường THCS tại TP Thanh Hóa, một số phụ huynh đã phát biểu thẳng thắn về việc dạy thêm, học thêm. Họ cho rằng, nên rút ngắn thời gian học thêm ở trường, chỉ nên 1 hoặc 2 buổi/tuần thay vì 3 buổi/tuần như hiện nay. Hoặc chỉ cần 1 buổi học thêm ở nhà cô A, cô B mà không nhất thiết phải 2 buổi/tuần. Bởi thời gian học thêm chiếm quá nhiều sẽ là áp lực lớn đối với con em họ.

Phụ huynh và câu chuyện học thêm của conĐể con tự học, tự rèn luyện ở nhà mà không đi học thêm cũng là cách lựa chọn của nhiều phụ huynh.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh lại có ý kiến khác, đó là với thời lượng 45 phút cho 1 tiết học không đủ cho việc khai thác nội dung bài học, có chăng chỉ đủ trang bị những kiến thức nền tảng, rất cơ bản, không có điều kiện bổ sung kiến thức nâng cao. Vì vậy, việc dạy thêm, học thêm là cần thiết.

Giáo viên chủ nhiệm, người chủ trì cuộc họp cũng đã thẳng thắn trả lời, rằng không ai ép buộc việc học sinh học thêm. Đầu năm học, nhà trường cũng đã gửi tới mỗi phụ huynh đơn xin học thêm ở trường trên tinh thần tự nguyện. Điều này đồng nghĩa, phụ huynh có thể đồng ý hoặc không. Còn việc học thêm ngoài nhà trường (tức học ở nhà thầy, cô), giáo viên cũng không ép buộc. Phụ huynh thích thì cho con học và ngược lại. Để dẫn chứng cho điều mình nói, cô giáo chủ nhiệm đã đọc tên một số học sinh không học thêm tại trường cũng như không học thêm ở chính nhà cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô khác. Như hiểu được tâm lý phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm tiếp tục thẳng thẳn, rằng phụ huynh không nên lo ngại khi con không đi học thêm. Đừng sợ thầy cô trù dập. Thậm chí, những học sinh không đi học thêm, thầy cô còn dành sự quan tâm nhiều hơn. Và người chủ trì cuộc họp phụ huynh đã kết thúc bằng câu: Giáo viên phải là những người hiểu học sinh, sẻ chia, thông cảm với học sinh, không thể lấy chuyện học thêm để tạo áp lực cho phụ huynh cũng như chính học trò của mình.

Còn đây là cách ứng xử của một giáo viên tiểu học đóng trên địa bàn TP Thanh Hóa: Trước nhu cầu quá lớn của phụ huynh trong việc dạy thêm, giáo viên này đã mở lớp dạy thêm tại nhà. Vẫn biết là vi phạm Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm (không dạy thêm đối với học sinh tiểu học), tuy nhiên do tinh thần tự nguyện của phụ huynh quá lớn nên giáo viên cũng cần phải đáp ứng. Chỉ đến khi việc cấm dạy thêm, học thêm tiếp tục được thực hiện quyết liệt, buộc người giáo viên này phải dừng dạy. Nhưng cô giáo đã có một sáng kiến rất hay, bằng cách xin lãnh đạo nhà trường cho phụ đạo những học sinh yếu kém ngay tại trường học. Đề nghị này được chấp thuận. Đáng trân trọng, cô giáo dạy nhưng nhất quyết không lấy tiền của phụ huynh.

Cho con đi học thêm trên tinh thần tự nguyện hay miễn cưỡng hoặc không cho con đi, âu cũng là sự lựa chọn của phụ huynh. Như trên đã nói, quan trọng vẫn là ở cách nghĩ, cách nhìn...

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]