(vhds.baothanhhoa.vn) - Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 84 nhóm, lớp mầm non tư thục độc lập hoạt động, trong đó, có tới 19 cơ sở chưa được cấp giấy phép. Những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý các nhóm lớp này đang là bài toán khó với các cấp quản lý.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quản lý các nhóm lớp mầm non tư thục: Còn nhiều bất cập

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 84 nhóm, lớp mầm non tư thục độc lập hoạt động, trong đó, có tới 19 cơ sở chưa được cấp giấy phép. Những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý các nhóm lớp này đang là bài toán khó với các cấp quản lý.

Thực tế, không thể phủ nhận việc các nhóm, lớp mầm non tư thục độc lập được thành lập đã góp phần giảm bớt áp lực cho hệ thống giáo dục mầm non công lập. Tuy nhiên, quá trình hoạt động các nhóm lớp tư thục độc lập còn tồn tại nhiều hạn chế khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn.

Chúng tôi có mặt tại cơ sở giáo dục mầm non tư thục IQ (TP Thanh Hóa) để được “mục sở thị”, mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ, học tập, vui chơi của 16 trẻ đều được diễn ra trong một phòng học có diện tích chỉ hơn 10m2. Diện tích sử dụng này càng bị thu hẹp bởiđồ chơi, dụng cụ học tập được xếp trong phòng.

Theo Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT về quy chế tổ chức, hoạt động của trường mầm non, nhóm trẻ tư thục quy định: các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục có diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em bảo đảm tối thiểu 15m2; tổng số trẻ không quá 50 em,nơi tổ chức ăn cho trẻ phải có bếp ăn riêng, an toàn, bếp phải đặt xa nhóm trẻ; có sổ theo dõi cho trẻ... Điều lệ quy định thì đã rõ, nhưng nếu chiếu theo quy định thì vẫn có rất nhiều các nhóm lớp mầm non tư thục không đủ tiêu chuẩn vẫn được cấp phép hoạt động và nhiều nhóm lớp mầm non tư thục hoạt động không có giấy phép.

Chị Lê Thị T. chủ cơ sở mầm non tư thục Baby (TP Thanh Hóa) cho biết: Chúng tôi cũng đã xây dựng và quan tâm đến các quy định được đặt ra nhưng vì kinh tế còn hạn hẹp nên chưa thể làm đúng với quy định được, trong thời gian tới chúng tôi sẽ khắc phục dần những mặt còn thiếu sót, những điều chưa làm được để công tác chăm sóc, giáo dục các cháu được tốt hơn.

Không chỉ không đáp ứng được các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, hầu hết các nhóm, lớp mầm non tư thục chưa xây dựng được nội dung chương trình giảng dạy đảm bảo yêu cầu về chuyên môn; chưa có sổ theo dõi trẻ; thậm chí nhiều chủ cơ sở còn thuê cả những người chưa hề được đào tạo để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ... Những bất cập này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ của các cơ sở này.

Theo Quyết định 41 và Thông tư 28 của Bộ GD&ĐT thì Phòng GD&ĐT có nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị cho phép thành lập nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục; còn việc cấp phép, rút giấy phép lại thuộc quyền của UBND các phường, xã. Tuy nhiên, do chính quyền cấp xã, phường, thị trấn chưa làm tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước theo phân cấp, việc cấp phép hoạt động cho các nhóm trẻ tư thục ở một số nơi còn quá dễ dàng, trong khi công tác kiểm tra, giám sát hoạt độnglại chưa thường xuyên, xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết nên tình trạng các nhóm lớp mầm non tư thục chưa đủ điều kiện hoạt động vẫn được cấp phép vẫn diễn ra.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) cho biết: Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh, hoạt động của các nhóm trẻ nhất là cơ sở vật chất, những cơ sở còn thiếu hoặc chưa đáp ứng đủ sẽ được yêu cầu bổ sung thêm. Và giao cho các trường mầm non công lập trên địa bàn phường tăng cường chức năng quản lý để các nhóm trẻ tư thục hoạt động tốt hơn.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất ở các nhóm, lớp mầm non tư thục tự phát chính là việc mất an toàn của trẻ, bởi ở đây người dạy không có chuyên môn, cơ sở vật chất không đảm bảo yêu cầu tối thiểu... Do đó, các cấp có thẩm quyền cần khẩn trương chỉ đạo các phường, xã, thị trấn rà soát lại các nhóm, lớp mầm non tư thục độc lập trên địa bàn, trên cơ sở đó, thực hiện cấp phép cho những cơ sở có đủ điều kiện và kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện để đảm bảo môi trường giáo dục an toàn và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Nhiều chính sách hỗ trợ thành lập trường mầm non ngoài công lập

Theo chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non trên địa bàn đến năm 2030 do tỉnh Thanh Hóa đã ban hành, trường MN ngoài công lập được thành lập và đi vào hoạt động trong khoảng thời gian từ 1/1/2018 đến ngày 30/12/2020 phải có tối thiểu 50 trẻ đối với vùng nông thôn, miền núi và 100 trẻ đối với vùng thành phố, thị xã. Diện tích bình quân tối thiểu là 12m2/trẻ đối với khu vực nông thôn, miền núi; 8m2/trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã và núi cao...

Sau 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, trường phải bổ sung các điều kiện để đạt tiêu chuẩn của trường MN chuẩn quốc gia. Đồng thời, phải thực hiện đầy đủ các chính sách: BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và kinh phí công đoàn cho cán bộ quản lý, GV và người lao động theo quy định hiện hành. Cán bộ quản lý, GV được thụ hưởng chính sách phải đảm bảo tiêu chuẩn về chức danh nghề nghiệp theo quy định. Số lượng người thụ hưởng được áp dụng theo quy định của UBND tỉnh về định mức bình quân trẻ/lớp và định mức cán bộ quản lý, GV các trường công lập trên địa bàn.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ kinh phí cho chủ đầu tư của các trường ngoài công lập để trả lương cho cán bộ quản lý, GV. Cụ thể, đối với các trường thuộc các xã miền núi, thời gian hỗ trợ là 10 năm kể từ khi trường được thành lập và đi vào hoạt động. Trong đó, 5 năm đầu hỗ trợ hàng tháng bằng 100% lương khởi điểm, 5 năm tiếp theo giảm dần theo từng năm lần lượt bằng 80%, 60%, 40% và 10% lương khởi điểm theo trình độ chuyên môn.

Đối với các xã đồng bằng thuộc huyện, thị xã, thành phố và thị trấn miền núi, thời gian hỗ trợ là 6 năm. Trong đó 3 năm đầu hỗ trợ 100% lương khởi điểm; 3 năm tiếp theo giảm dần theo từng năm lần lượt là 70%, 50% và 30% lương khởi điểm theo trình độ chuyên môn. Số cán bộ, GV được hỗ trợ hàng năm được tính theo số học sinh hiện có của nhà trường tại thời điểm kết thúc học kỳ 1.

Đối với các trường thuộc thị trấn của các huyện đồng bằng và các phường của thị xã được hỗ trợ 3 năm, theo thứ tự năm đầu là 70%, năm thứ 2 là 50% và năm thứ 3 là 30%.

T.N

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]