(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau khi thực hiện Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, Thanh Hóa đã có 5 trường THPT giải thể. Đến nay học sinh và giáo viên các trường THPT giải thể đã yên tâm học tập, giảng dạy tại ngôi trường mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sắp xếp các trường THPT và câu chuyện hậu giải thể

Sau khi thực hiện Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, Thanh Hóa đã có 5 trường THPT giải thể. Đến nay học sinh và giáo viên các trường THPT giải thể đã yên tâm học tập, giảng dạy tại ngôi trường mới.

Khắc phục khó khăn, ổn định tình hình

Sau khi có quyết định giải thể, Trường THPT Lê Văn Linh (Thọ Xuân), hơn 480 học sinh lớp 11 và 12 của trường đã được sắp xếp phân bổ về học tại 3 trường THPT trên địa bàn huyện đó là Trường THPT Thọ Xuân 5, THPT Lê Lợi và THPT Lê Hoàn. Qua khảo sát, các trường THPT trên địa bàn huyện Thọ Xuân đều đảm bảo cơ sở vật chất để tiếp nhận số học sinh từ Trường THPT Lê Văn Linh. Chỉduy nhất Trường THPT Lê Hoàn, do cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên số học sinh chuyển từ Trường THPT Lê Văn Linh sẽ vẫn học tạm tại trường cũ.

Cô giáo Đỗ Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận 9 cán bộ, giáo viên và 204 học sinh, nhà trường đã tổ chức lễ đón học sinh và giáo viên, tổ chức cho học sinh học nội quy, quy chế. Cho đến thời điểm này, tư tưởng của học sinh và giáo viên đã tương đối ổn định, bắt nhịp được với việc học tập và giảng dạy. Nhà trường cũng chưa phải giải quyết đơn xin chuyển trường của học sinh và giáo viên mới. Tuy nhiên, do phải tiếp nhận thêm một lượng lớn học sinh nên nhà trường phải bố trí lớp học ở cả các phòng chức năng, hiện nhà trường đang bị thiếu một số phòng chức năng.

Trường THPT Lê Lợi (Thọ Xuân) nơi tiếp nhận hơn 200 học sinh từ Trường THPT Lê Văn Linh vừa giải thể.

Cũng tương tự như vậy, Trường THPT Tĩnh Gia 3 (Tĩnh Gia) tiếp nhận 104 học sinh từ Trường THPT Tĩnh Gia 5 đã giải thể, đồng thời năm học 2018 - 2019 nhà trường cũng tuyển sinh thêm 5 lớp 10 từ khu vực tuyển sinh của Trường THPT Tĩnh Gia 5 cũ. Như vậy, hiện nay Trường THPT Tĩnh Gia 3 có trên 1.600 học sinh với 38 lớp.

Thầy giáo Hồ Trung Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Tĩnh Gia 3 cho biết: Khó khăn lớn nhất của nhà trường không phải là ở phòng học mà thiếu thốn về trang thiết bị. Tiếp nhận thêm một lượng lớn học sinh nhưng chỉ được tiếp nhận 56 bộ bàn ghế mà phần lớn đã hư hỏng, không đạt chuẩn. Thêm nữa, số lượng học sinh tăng đột biến nên gây quá tải sân chơi bãi tập, nhà để xe, sân tập trung, đặc biệt là nhà vệ sinh. Hiện nay, tính bình quân cứ 100 học sinh/ 1 nhà vệ sinh có diện tích 15m2.

Vẫn còn những trăn trở

Trường THPT Lê Văn Linh sau khi giải thể có tổng số 48 cán bộ, giáo viên phải chuyển công tác đến nơi làm việc mới. Trong đó, đa phần các giáo viên là nữ, có con ở lứa tuổi học mầm non, tiểu học, gia đình đều đã ổn định chỗ ở tại thị trấn Thọ Xuân. Có 42 giáo viên được bố trí, sắp xếp công việc tại các trường trong huyện, còn lại 6 người không thể sắp xếp về các trường THPT trong huyện nên buộc phải bố trí công tác ra ngoài huyện.

Cô giáo H.T.P tâm sự: "Khi biết trường thuộc diện giải thể, chúng tôi rất buồn và lo lắng. Được sự động viên của nhà trường, cấp trên, đặc biệt là có văn bản nêu rõ việc thời gian điều động đến công tác ở đơn vị ngoài huyện, sau 24 tháng sẽ được bố trí trở về các trường THPT trên địa bàn huyện cũ nên chúng tôi cũng yên tâm phần nào".

Trường THPT Đinh Chương Dương (Hậu Lộc) sau khi họp xét theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT và sắp xếp các trường THPT trong huyện, có 9/43 giáo viên phải chuyển công tác đến huyện khác. Còn lại 5 nhân viên là đối tượng ký hợp đồng theo Quyết định 685 của UBND tỉnh không được bố trí việc làm mà phải tự liên hệ công việc. Trong khi đó, các nhân viên này đều đã gắn bó với trường hơn 10 năm.

Chị T.T.H là nhân viên Thiết bị thư viện được ký hợp đồng lao động theo Quyết định 685 từ năm 2007 cho biết: Sau khi trường giải thể, vì tuổi tác đã nhiều, tôi không tự liên hệ được công việc nên ở nhà bán hàng tạp hóa.

Vẫn biết sắp xếp công việc mới, điều động, thuyên chuyển giáo viên đều được căn cứ vào các tiêu chí. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất khi giải thể các trường THPT là hài hòa nguyện vọng công tác của cán bộ, giáo viên các nhà trường thuộc diện giải thể.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]