(vhds.baothanhhoa.vn) - Để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực dạy và học online, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, chung tay góp sức giữa nhà trường - gia đình - xã hội là điều cốt lõi.

“Sóng và máy tính cho em”

Để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực dạy và học online, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, chung tay góp sức giữa nhà trường - gia đình - xã hội là điều cốt lõi.

“Sóng và máy tính cho em”

Tổ chức dạy và học online là phương án phù hợp với bối cảnh dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp nhưng vô hình chung đã tạo nhiều áp lực, hạn chế, khó khăn cho học sinh.

Đang mơ màng với giấc ngủ trưa, bỗng tin nhắn của em gái dồn dập gửi đến khiến tôi có chút cau có, mắt nhắm mắt mở đọc.

- Chị ơi, cái laptop cũ của chị còn dùng được không? Chị bỏ đâu rồi? Cho em nhé!

- Ủa, máy tính “hịn” của em đâu? Mượn cái máy cùi, chạy ì ì này làm gì? Tôi ơ hờ nhắn lại.

- Em xin cho cái chị đồng nghiệp, làm cùng công ty, nó trả lời.

Tin nhắn hồi đáp của đứa em làm tôi thoáng chút ngạc nhiên. Mấy chị em trong nhà, nó là đứa sống lý trí nhất. Nó ít khi xen vào đời sống của người khác, cũng không phải kiểu người thường sướt mướt. Có lẽ, đây là một hoàn cảnh rất đặc biệt.

Tò mò, tôi hỏi lại: Sao lại phải xin laptop cho chị ấy?

- Khổ, hoàn cảnh nhà chị ấy cũng khó khăn, vất vả lắm. Chồng thường xuyên đau ốm, gánh nặng kinh tế phần nhiều đổ dồn lên vai chị. Gắng lo cho cuộc sống hằng ngày, học hành bình thường cho 2 đứa con đã chật vật rồi. Mà giờ dịch bệnh diễn biến phức tạp, chưa thể đến trường học tập trung, cả hai đứa con của chị ấy đều phải học online cả! Nhà có mỗi cái điện thoại, tuy chẳng phải “hàng xịn” gì nhưng kết nối internet được nên dù đi làm cả ngày, nhiều khi bất tiện nhưng cũng phải để điện thoại ở nhà cho hai đứa thay phiên nhau học.

Một niềm thương cảm dâng lên trong lòng. Tôi hình dung về hoàn cảnh của chị ấy. Hình ảnh hai đứa trẻ chung nhau chiếc điện thoại của mẹ, bập bõm học hành, chia nhau từng con chữ mà bỗng thấy lòng nặng trĩu. Nhưng chợt nhớ ra điều gì, tôi nhắn lại: Nhưng chị muốn để dành cái laptop ấy cho hai đứa em nhà cậu. Cho đi rồi đến lúc hai đứa nó lại cũng phải học online thì sao? Nhà cậu lớn, cậu nhỏ mình đó, cũng đâu có dư dả nhiều!

“Sóng và máy tính cho em”

Toàn cảnh buổi lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện (ảnh chụp màn hình)

Hai chị em chúng tôi cùng nhau im lặng. Từ phía bên kia, dường như em tôi muốn nhắn điều gì, nhưng cứ lững lờ, viết lại xoá nên phần tin nhắn mãi chỉ hiện dòng ba chấm nhấp nháy…

Một lúc sau, tin nhắn của em tôi gửi đến: Haizz, đành thôi vậy! Để lại phòng khi mấy đứa em nhà hai cậu phải học online….

Câu chuyện khiến tôi không tài nào chợp mắt được nữa. Tôi miên man với những suy nghĩ. Nơi tôi đang sống thu nhập bình quân đầu người chưa cao lắm, kinh tế chưa có sự đồng đều giữa các hộ gia đình nhưng cũng là huyện đạt chuẩn nông thôn mới, chỉ cách thành phố tỉnh lỵ khoảng 10 cây số. Ấy vậy mà, nhiều gia đình, nhiều bậc phụ huynh vẫn phải “lo sốt vó”, co kéo lắm, khó khăn lắm mới có thể lo cho con đủ điều kiện học online. Nhiều đứa trẻ vẫn có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong việc học trực tuyến này. Vậy thì các bậc phụ huynh, những đứa trẻ ở miền núi, vùng sâu vùng xa còn khó khăn, còn loay hoay như thế nào?

Đâu chỉ riêng phụ huynh, học sinh mà ngay cả những người thầy, người cô và ngành giáo dục nói chung cũng đang nỗ lực “vượt khó” với muôn vàn áp lực, rào cản: những lúng túng ban đầu về cách thức tổ chức, thực hành dạy học online, hạn chế về trang thiết bị, đồ dùng giảng dạy, phổ biến, hướng dẫn và sự tiếp thu, thực hiện của học sinh…

Xã hội là tập hợp, đan xen giữa các tầng lớp, không phải để phân biệt cao - thấp, sang - hèn mà để thấy được khó khăn, vất vả của nhau đến đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Dạy và học online là phương án tối ưu trong bối cảnh dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp hiện nay. Sự học là quan trọng nhưng việc đảm bảo an toàn tính mạng cho mỗi người và toàn xã hội phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực dạy và học online, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, chung tay góp sức giữa nhà trường - gia đình - xã hội là điều cốt lõi. Ngành giáo dục, nhà trường cần quan tâm hơn nữa, sát sao đến từng học sinh để nắm bắt được hoàn cảnh, điều kiện, tâm tư, nguyện vọng của các em; từ đó rà soát, phân loại, chia nhóm đối tượng học sinh, xây dựng các phương án dạy và học phù hợp với từng nhóm. Gia đình đồng hành cùng nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi, kèm cặp thêm cho con. Xã hội đề cao lòng nhân ái, lan toả thông điệp “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” thông qua nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả.

“Sóng và máy tính cho em”

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là giải pháp tình thế nhưng phù hợp với bối cảnh hiện nay dể không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau, không có cơ hội học tập online.

Đó cũng là mục đích, ý nghĩa mà Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai nhằm hỗ trợ học sinh, đặc biệt là các em đang ở vùng có dịch COVID - 19 phải thực hiện Chỉ thị 16/CT-TT, có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Đây là giải pháp tình thế nhưng phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện. Chương trình sẽ được lan tỏa thực hiện ở các ngành, các cấp địa phương trên cả nước, hướng tới mục tiêu phủ sóng 100% toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc.

Với rỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, sự phối hợp của gia đình, sự chung tay góp sức của toàn xã hội sẽ không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Việc dạy và học online sẽ đạt được hiệu quả cao như mong đợi.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]