(vhds.baothanhhoa.vn) - Để khởi nghiệp trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ, dài hơi, có sức hút lớn đối với thanh niên thì vẫn còn rất nhiều những khó khăn, vướng mắc cần sự chung tay giúp sức của các cấp, ngành.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh niên xứ Thanh và khát vọng khởi nghiệp (Kỳ cuối): Thách thức trên con đường khởi nghiệp

Để khởi nghiệp trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ, dài hơi, có sức hút lớn đối với thanh niên thì vẫn còn rất nhiều những khó khăn, vướng mắc cần sự chung tay giúp sức của các cấp, ngành.

Xã vắng bóng thanh niên

Anh N.T.T (Nga Trường, Nga Sơn) sau thời gian dài đi làm thuê tích lũy được số vốn, lại được gia đình động viên anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng thành lập trang trại chăn nuôi tổng hợp. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức trong chăn nuôi, đàn lợn bị mắc bệnh nhiều, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định nên ngay trong lứa nuôi đầu anh đã bị lỗ nặng. Nhìn thấy thị trường tiêu thụ thịt lợn vẫn ảm đạm nên anh N.T.T không dám tái đàn, mà nếu có tái đàn thì anh cũng không còn tiền đầu tư nữa. Trong lúc không tìm ra lối thoát anh đã cùng vợ bỏ vào Nam làm thuê, lấy tiền gửi về quê trả nợ dần.

Anh Bùi Văn Cao - Bí thư Đoàn xã Nga Trường, Nga Sơn cho biết “Hiện xã có khoảng 1.000 người trong độ tuổi thanh niên tuy nhiên chỉ có chưa đến 100 thanh niên đang sinh hoạt và phát triển kinh tế tại địa phương”. Cùng trong tình trạng vắng thanh niên như Nga Trường, xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa) có khoảng 800 người trong độ tuổi thanh niên nhưng chỉ còn 200 thanh niên thường xuyên có mặt tại xã. Không riêng gì Nga Trường, Hoằng Tiến mà rất nhiều địa phương trong tỉnh nằm trong tình trạng xã vắng bóng thanh niên. Ly hương đã và đang trở thành phong trào “ngầm” nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn đối với thanh niên. Cứ nhìn cảnh sau mỗi cái Tết Nguyên đán hàng dài người xếp hàng tại các bến xe để Nam tiến là đủ hiểu phong trào này chưa hề giảm nhiệt.

Với tư tưởng ly hương nên nhiều thanh niên không chịu đầu tư công sức, trí tuệ, tiền tài để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Anh Mai Văn Kiều - Phó Bí thư Huyện Đoàn Nga Sơn cho biết “Khởi nghiệp không bao giờ là con đường dễ dàng. Để khởi nghiệp thành công ngoài vốn, thanh niên cần có bản lĩnh, phải gạt bỏ tư tưởng “làm đến đâu tính đó”.

Chọn nghề gì, khởi nghiệp như thế nào, làm sao để bước qua khó khăn... sẽ là những câu hỏi lớn mà nhiều thanh niên nông thôn không thể tìm được câu trả lời nếu vẫn còn tư tưởng ly hương đi làm thuê. Đây cũng sẽ là bài toán nan giải cho các cấp chính quyền để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Vẫn là những khó khăn về vốn

Theo tìm hiểu của chúng tôi tuy nguồn vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp đã được quan tâm hơn nhiều, tuy nhiên vẫn có những khó khăn nhất định trong cách tiếp cận. Như nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn Thanh niên đòi hỏi đối tượng vay vốn phải là chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX... không cho vay đối với cá nhân làm trang trại, gia trại; thủ tục vay vốn rườm rà trong khi thanh niên nông thôn chủ yếu khởi nghiệp từ các mô hình trang trại vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng thiếu nguồn vốn đầu tư nên mãi nằm ở quy mô nhỏ và vừa. Anh Lê Duy Trọng (Hoằng Tiến, Hoằng Hóa) cho biết “Trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình đang phát triển hiệu quả, mang lại lợi nhuận 500 triệu đồng/năm. Nếu chỉ dừng lại ở việc chăn nuôi nhỏ lẻ thế này thì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro có thể dẫn đến phá sản bất kỳ lúc nào, tôi mong muốn được mở rộng sản xuất, đầu tư bài bản theo quy chuẩn để có thể mở rộng thị trường tiêu thụ, tuy nhiên nguồn vốn đầu tư quá lớn, tôi chưa biết vay ở đâu”.

Anh Lê Duy Trọng đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn mở rộng quy mô sản xuất.

Tin vào chính mình

Anh Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại Dũng Phát cho biết “Theo tôi trong khởi sự doanh nghiệp khó khăn không chỉ là nguồn vốn, mặt bằng kinh doanh, nhân lực... mà điều quan trọng là chính bản thân mình phải kiên trì với mục tiêu ban đầu, phải tâm huyết và tin tưởng vào chính mình, thì khi thất bại mới có thể đứng dậy làm lại từ đầu”.

Thiết nghĩ, thách thức với thanh niên khởi nghiệp vẫn còn nhiều. Những chính sách ưu đãi của Nhà nước về vốn, chính sách, thủ tục hành chính... chỉ mang tính hỗ trợ, nếu quá phụ thuộc vào những hỗ trợ kia chẳng khác nào thanh niên đang chờ “sung rụng”. Vì vậy, để khởi nghiệp thành công thanh niên cần nhận thức về nó một cách đầy đủ, có những bước chuẩn bị kỹ càng về kiến thức, ý tưởng và thực sự đam mê, khát vọng, biết nắm lấy cơ hội... Có như vậy thì người trẻ mới có những bước khởi động tốt và cơ hội tiếp cận nhà đầu tư sẽ nhiều hơn, tỷ lệ thành công cũng cao hơn.

Không có con đường nào là rải toàn hoa hồng, gian nan không làm họ nản chí mà ngược lại là cơ hội để đào luyện bản thân trưởng thành hơn.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]