(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi biết Nhà giáo ưu tú Chu Anh Tuấn từ khi còn là Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương I với tinh thần làm việc đầy đam mê và quyết liệt. Gặp lại thầy ở lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Trường THPT chuyên Lam Sơn, tôi cảm nhận rõ tình yêu nghề vẫn không ngừng lan tỏa trong con người đứng đầu ở ngôi trường danh tiếng nhất xứ Thanh này.

Thầy hiệu trưởng với đam mê “truyền lửa”

Tôi biết Nhà giáo ưu tú Chu Anh Tuấn từ khi còn là Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương I với tinh thần làm việc đầy đam mê và quyết liệt. Gặp lại thầy ở lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Trường THPT chuyên Lam Sơn, tôi cảm nhận rõ tình yêu nghề vẫn không ngừng lan tỏa trong con người đứng đầu ở ngôi trường danh tiếng nhất xứ Thanh này.

Thầy hiệu trưởng với đam mê “truyền lửa”

Thầy Chu Anh Tuấn và em Nguyễn Ngọc Long - học sinh đoạt HCV Vật lý quốc tế tại Bồ Đào Nha năm 2018.

Những tháng năm nhen lửa

Sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là giáo viên nên thuở còn niên thiếu, cậu học trò Chu Anh Tuấn đã sớm có ước mơ theo nghiệp nhà giáo. Lớn lên, được học tập ở ngôi trường Quảng Xương I với những thầy cô mẫu mực, người học trò ấy càng quyết tâm thi vào ngành Sư phạm. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 1978, cậu học trò giỏi Toán Chu Anh Tuấn đã đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Vinh - ngôi trường có điểm đậu vào cao nhất của ngành Sư Phạm lúc bấy giờ.

Tốt nghiệp đại học, thầy Chu Anh Tuấn được phân công về giảng dạy ở Trường THPT Quảng Xương III (nay là Trường Chu Văn An, thành phố Sầm Sơn). Niềm háo hức được đứng trên bục giảng đã khiến thầy không quản ngại đường xa, vẫn bền bỉ miệt mài đạp xe đến trường bất kể mưa nắng. Thế nhưng, chỉ sau đó một thời gian, người giáo viên trẻ tuổi ấy “chua xót” nhận ra cách truyền đạt bài giảng của mình chưa thực sự hiệu quả. Đa phần học sinh không tiếp thu được bài giảng, ngay cả đồng nghiệp trong trường đến dự giờ cũng nhận xét là “thầy… không biết dạy”.

Gạt đi những hụt hẫng, giấu nỗi buồn vào bên trong để đánh thức khát khao chinh phục, thầy trăn trở đi tìm giải pháp khắc phục giống như cái cách mà khi xưa còn là học sinh, thầy đã phải “lao tâm khổ tứ” vì một bài toán khó. Nhiều buổi nhá nhem tối nhưng thầy vẫn chưa về nhà vì trăn trở với bài giảng vừa dạy xong. Rồi có những đêm không ngủ, thầy miệt mài nghiên cứu tài liệu để tìm ra cách dạy phù hợp nhất với học sinh. Tự trau dồi thôi chưa đủ, thầy còn cầu thị đi dự giờ và trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp để đúc rút kinh nghiệm. Rất nhanh sau đó, thầy đã tìm được con đường đúng để truyền lửa đam mê cho học trò và được các em thích thú đón nhận. Thầy cũng gần gũi, quan tâm, chia sẻ, kích hoạt ở học sinh sự chủ động trong tiếp thu và trao đổi kiến thức; đồng thời khơi dậy trong các em niềm say mê khám phá những điều thú vị của môn Toán. Và những mùa quả ngọt đầu tiên đã đến, thầy Chu Anh Tuấn đã có nhiều học trò đạt giải cao trong những kì thi học sinh giỏi cấp Tỉnh, được nhà trường tin tưởng phân công giảng dạy ở những lớp chọn. Thành công bước đầu tuy không quá lớn nhưng đủ để tiếp thêm ngọn lửa yêu nghề của người thầy ấy trong những năm tháng đầu đến với nghề dạy học.

Hành trình lan tỏa đam mê

Năm 1998, với mong muốn được về lại ngôi trường đã nuôi dưỡng và chắp cánh cho những ước mơ thở học trò của mình, thầy giáo Chu Anh Tuấn đã xin chuyển công tác về Trường THPT Quảng Xương I. Được về giảng dạy tại trường xưa, được sự quan tâm, động viên của các thầy cô giáo cũ và lãnh đạo nhà trường, thầy tiếp tục nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bản thân. Thế rồi, thầy đã khẳng định được năng lực chuyên môn của mình sau khi đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Thầy được giao những nhiệm vụ quan trọng trong công tác chuyên môn, đứng lớp chọn của nhà trường và phụ trách đội tuyển học sinh giỏi tỉnh. Không phụ sự tin tưởng ấy, sau năm thứ hai về trường, thầy cùng học trò đã đem về cho Trường THPT Quảng Xương I những giải toán cấp tỉnh đầu tiên – điều mà trước đó nhà trường chưa từng đạt được. Thành tích ấy đã tạo đà để thầy phát huy năng lực và tiếp tục nhận được sự tín nhiệm đối với học trò, phụ huynh và đồng nghiệp. Vì thế, dù tuổi nghề còn trẻ, dù trong tổ vẫn còn nhiều giáo viên kì cựu nhưng không bao lâu sau khi về trường, thầy đã được bầu làm Tổ trưởng tổ Toán của trường.

Thầy hiệu trưởng với đam mê “truyền lửa”

Các thầy cô Trường THPT chuyên Lam Sơn tự hào vì ngày càng có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế

Năm 2003 được xem là một bước ngoặt quan trọng đối với thầy Chu Anh Tuấn, khi chỉ chưa đầy 5 năm giảng dạy ở ngôi trường Quảng Xương I, thầy được các đồng nghiệp trong trường tín nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng. Và cũng chỉ 3 năm sau đó, năm 2006, Thầy đã vinh dự đảm nhận trọng trách Hiệu trưởng nhà trường trong bối cảnh Trường THPT Quảng Xương 1 đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Giống như cánh buồm gặp gió vươn khơi, càng được tin tưởng và giữ những trọng trách mới, năng lực của thầy Chu Anh Tuấn càng được phát huy mạnh mẽ. Vì mong muốn đóng góp, tri ân ngôi trường mà một thời học sinh đã từng gắn bó, Thầy Chu Anh Tuấn đã cùng với các đồng nghiệp quyết tâm xây dựng trường THPT Quảng Xương 1 phát triển với những sắc diện mới. Bên cạnh quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, thầy dành nhiều tâm sức để bồi đắp nền nếp học đường, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục mũi nhọn. Bởi với tthầy, đây chính là cách thức để vừa quảng bá hình ảnh, tạo dựng vị trí cho nhà trường; vừa đánh giá chính xác thực lực của các CBGV.

Áp lực để có học sinh đạt giải đã khó, muốn vươn lên đứng trong top đầu của tỉnh càng khó hơn. Nhưng với phong cách chỉ đạo sát sao, quyết liệt cùng với tầm nhìn và tâm huyết của người đứng đầu nhà trường, thầy đã không ngừng đổi mới sáng tạo, đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Làm việc với tổ chuyên môn thường xuyên là cách thầy chọn để phát huy sức mạnh tập thể. Tổ chức những hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm là cách thầy lắng nghe để có những giải pháp điều chỉnh kịp thời hiệu quả. Đồng hành và chia sẻ, đặc biệt là luôn sự ghi nhận, tôn vinh những thành tích của thầy và trò là cách để thầy động viên, tiếp thêm động lực cho giáo viên và học sinh. Dù trong điều kiện khó khăn của một ngôi trường huyện trên vùng đất khó nhưng thầy luôn quan tâm kêu gọi các nguồn lực để có thể tổ chức lễ trao thưởng trang trọng – điều chưa từng có trong tiền lệ của tỉnh lúc bấy giờ. Chính điều này đã nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê và khát khao được làm việc, được cống hiến của giáo viên và học sinh. Với những nỗ lực cố gắng ấy, Thầy Chu Anh Tuấn đã đưa Trường THPT Quảng Xương 1 trở thành địa chỉ đỏ trong bản đồ giáo dục của Xứ Thanh. Liên tiếp nhiều năm, nhà trường vinh dự xếp ở vị trí số 1 trong kì thi HSG cấp tỉnh và cũng liên tiếp trong nhiều năm, Quảng Xương 1 có học sinh đậu thủ khoa, giành điểm cao trong các kỳ thi đại học và THPT Quốc gia.

Ghi nhận năng lực chuyên môn và quản lý của Nhà giáo ưu tú Chu Anh Tuấn, ngày 30/11/2015, lãnh đạo tỉnh và Sở Giáo dục & Đào tạo đã tín nhiệm điều chuyển thầy về làm Hiệu trưởng của Trường THPT chuyên Lam Sơn. Nói về sự kiện này, thầy Chu Anh Tuấn bồi hồi nhớ lại: “Đó là vinh dự cao quý nhưng cũng đặt ra áp lực và trách nhiệm rất lớn lao. Chuyên Lam Sơn là ngôi trường giàu truyền thống bậc nhất và là niềm tự hào của xứ Thanh. Nhưng chuyên Lam Sơn ở thời điểm đó, chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục mũi nhọn đã có dấu hiệu chững lại khi hai năm liên tục, nhà trường không có học sinh đoạt huy chương Quốc tế. Khó khăn hơn, thời điểm đó, nhà trường có một sự thay đổi lớn trong lịch sử, đó là chuyển từ 89 Hàn Thuyên sang 307 Lê Lai với điều kiện cơ sở vật chất bước đầu khiến nhiều GV, HS và phụ huynh băn khoăn, lo lắng. Còn bản thân tôi, vốn không phải là học sinh chuyên, cũng chưa từng là giáo viên dạy chuyên, thời gian công tác lại không còn dài nên khi đảm nhận cương vị người đứng đầu trường chuyên của tỉnh cũng gặp vô vàn trở ngại, trong đó có cả sự hoài nghi của chính CBGV và học sinh nhà trường. Thử thách nhiều, nhưng cơ hội cũng lớn, tôi quyết tâm bắt nhịp để hoà nhịp, nỗ lực vượt lên bản thân để nhanh chóng thích ứng. Tôi luôn tin rằng, nếu mình dốc sức và dành trọn tâm huyết, kết quả sẽ không phụ công người. Tôi đặt cho mình 3 mục tiêu lớn: sớm ổn định tâm lí tư tưởng CBGV để xây dựng một tập thể đoàn kết, tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất khang trang xanh – sạch - đẹp, kích hoạt nội lực ở cả thầy và trò để tạo nên sự đột phá trong chất lượng giáo dục. Tôi mong muốn khi Lam Sơn tổ chức thành công Lễ kỉ niệm 90 năm thành lập cũng là lúc tôi chia tay mái trường trong niềm tự hào và cảm giác thanh thản, hạnh phúc thực sự”.

Không phụ lòng người có tâm và có tầm, luôn trăn trở trong định hướng, sát sao quyết đoán trong quản lí chỉ đạo, đôn hậu ấm áp trong cuộc sống đời thường, sau 6 năm “cầm lái”, người thuyền trưởng ấy đã tiếp tục đưa Trường THPT chuyên Lam Sơn vươn xa. Chỉ trong 6 năm nhận nhiệm vụ (từ 2015 – 2021), thầy đã cùng với đội ngũ CBGV và các thế hệ học sinh đạt được 314 giải học sinh giỏi Quốc gia, trong đó có 27 giải nhất, 18 Huy chương Olympic khu vực và trên thế giới (trong đó có 8 HCV, 6 HCB và 4HCĐ) - bằng 1/3 thành tích trong dòng chảy lịch sử 90 năm của nhà trường. Đặc biệt, cả 5 môn dự thi quốc tế (gồm: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học), nhà trường đều đã có HCV – điều mà ở các giai đoạn trước đó chưa từng đạt được. Vì vậy mà tháng 11/2021, kỷ niệm 90 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Lam Sơn đã được Chủ tịch nước kí quyết định trao tặng Huân chương độc lập hạng Nhất.

Những ngày cuối cùng của tháng 12/2021, Nhà giáo ưu tú Chu Anh Tuấn cũng lưu luyến nói lời tạm biệt hành trình trong sự nghiệp giáo dục của mình. Người thầy giáo trẻ ngày nào, nay mái tóc đã điểm bạc, nhưng trong ánh mắt vẫn ấm áp ngọn lửa tình yêu với nghề, ngọn lửa mà thầy đã dày công nhen nhóm, dày công giữ gìn qua bao khó khăn, thử thách. Thầy thổ lộ: “Trong cuộc đời mình, tôi đã có không ít lần viết tâm thư chia tay các học sinh cuối cấp với niềm xúc động nghẹn ngào thì giờ đây, chính tôi đang sắp phải làm điều tương tự với ngôi trường Lam Sơn của mình. Biết bao tâm huyết tôi đã vun đắp ở nơi này và đã cho quả ngọt, chỉ tiếc là khi đã đủ hiểu, đủ gắn bó thì tôi lại đến tuổi nghỉ chế độ. Nếu thời gian có quay trở lại, tôi vẫn sẽ lựa chọn nghề giáo dục, bởi với tôi, đó chính là nghề “truyền lửa”. Chỉ những ai thực sự yêu nghề bằng cả trái tim, ngọn lửa ấy mới có thể soi đường và lan tỏa để làm nên những điều kỳ diệu”.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]