(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; sự hưởng ứng đồng thuận, nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân đã tạo thuận lợi trong việc triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh. Báo Văn hóa & Đời sống có cuộc trao đổi với ông Vũ Thái Sơn - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, Phó Ban Chỉ đạo công tác Gia đình tỉnh Thanh Hóa (ảnh bên) về những kết quả đạt được của tỉnh Thanh Hóa sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (giai đoạn 2008 - 2018), cũng như phương hướng, nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn bạo lực gia đình

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; sự hưởng ứng đồng thuận, nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân đã tạo thuận lợi trong việc triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh. Báo Văn hóa & Đời sống có cuộc trao đổi với ông Vũ Thái Sơn - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, Phó Ban Chỉ đạo công tác Gia đình tỉnh Thanh Hóa (ảnh bên) về những kết quả đạt được của tỉnh Thanh Hóa sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (giai đoạn 2008 - 2018), cũng như phương hướng, nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.

Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa?

Ông Vũ Thái Sơn: Có thể nói, qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với địa bàn hoạt động văn hóa cơ sở rộng, điều kiện đời sống của nhân dân nhiều địa phương còn khó khăn, tình hình tệ nạn xã hội còn nhiều tiềm ẩn phức tạp, kinh phí chi cho công tác gia đình, PCBLGĐ còn hạn chế,... song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp giữa các ngành chức năng, Ban chỉ đạo công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở cùng với nhân dân ở cơ sở, công tác PCBLGĐ trong 10 năm qua ở Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình, ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chương trình, kế hoạch hành động của UBND tỉnh Thanh Hóa, các sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động, kịp thời tham mưu triển khai tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCBLGĐ một cách có hiệu quả với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Qua đó đã nâng cao nhận thức các cấp chính quyền, đông đảo cán bộ và quần chúng nhân dân hiểu rõ hơn về Luật, tạo hiệu quả tích cực, góp phần ngăn chặn và giảm thiểu BLGĐ, giáo dục bình đẳng giới, xây dựng môi trường lành mạnh trong gia đình.

Trong 10 năm, Sở VH,TT&DL và các sở, ngành cấp tỉnh đã cung cấp tài liệu cho các địa phương tổ chức phục vụ sinh hoạt tại các CLB, với số lượng 50.760 cuốn tài liệu Giáo dục đời sống gia đình; 15.170 cuốn Hỏi đáp về Luật PCBLGĐ; 22.050 cuốn Hỏi đáp về Luật Bình đẳng giới; 31.420 cuốn Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật PCBLGĐ, 2.000 cuốn quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình; 15.381 cuốn tài liệu về giới thiệu các văn bản quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, sổ tay công tác gia đình; 31.500 tờ gấp về nội dung tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình; 100.000 tờ rơiKiến thức gia đình, bình đẳng giới, Hỏi đáp Luật phòng, chống BLGĐ.

Việc thực thi Luật PCBLGĐ cũng được các địa phương, đơn vị quan tâm, chỉ đạo với nhiều biện pháp đồng bộ. Trong 10 năm qua, Sở VH,TT&DL đã triển khai mô hình PCBLGĐ tại 27 huyện, thị xã, thành phố với 135 mô hình câu lạc bộ PCBLGĐ, mỗi câu lạc bộ có trên 30 gia đình. Từ sau mô hình điểm, các địa phương, đơn vị đã xây dựng và nhân rộng mô hình. Tính đến tháng 8/2018, toàn tỉnh có hơn 3.000 mô hình, Câu lạc bộ về gia đình và PCBLGĐ; trong đó có 370 mô hình PCBLGĐ; 1.158 CLB "Gia đình hạnh phúc"; 300 CLB "Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới"; toàn tỉnh có: 5.024 tổ hòa giải với 32.571 hòa giải viên cơ sở, tư vấn, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình: 20.189vụ, hình thành được 2.731 địa chỉ tin cậy trên địa bàn. Bằng các giải pháp đồng bộ trong triển khai Luật PCBLGĐ, đã từng bước đưa công tác PCBLGĐ đạt hiệu quả thiết thực, nhằm góp phần xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”. Tình trạng BLGĐ giảm đáng kể, các vụ việc mâu thuẫn gia đình được giải quyết kịp thời, dứt điểm, người dân được tuyên truyền trực tiếp, nắm bắt về Luật và hiểu sâu hơn về vấn đề PCBLGĐ, do đó hạn chế xảy ra các vụ BLGĐ có tính chất nghiêm trọng. Nếu năm 2009 xảy ra 4.054 vụ, đến 31/12/2017 còn 1.136 vụ, (giảm 2.916 vụ). Tính chất các vụ bạo lực gia đình có giảm về mức độ.

Phóng viên: Xin ông chia sẻ một số khó khăn, hạn chế và bài học kinh nghiệm của tỉnh Thanh Hóa trong triển khai thực hiện?

Ông Vũ Thái Sơn: Những kết quả đạt được là rất đáng mừng, nhưng cũng có không ít những tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo, triển khai thi hành Luật PCBLGĐ; việc tổ chức triển khai thực hiện Luật còn lúng túng, chưa đề ra được chủ trương, biện pháp cụ thể; chưa ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác PCBLGĐ, thực tế mới chỉ lồng ghép với các chương trình, nhiệm vụ về phát triển văn hóa, xã hội. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương có lúc, có nơi chưa đồng bộ...

Từ những tồn tại hạn chế nêu trên, bài học kinh nghiệm của Thanh Hóa chính là tập trung chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác PCBLGĐ, đưa các nội dung của công tác này vào chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; Thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, tuyên truyền về chính sách pháp luật, xây dựng chuyên trang, chuyên mục về PCBLGĐ; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về lĩnh vực gia đình, nhất là bạo hành trong gia đình. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Phát huy hơn nữa vai trò tổ tư vấn, tổ hòa giải ở thôn, xóm, bản, tổ dân phố và các cụm dân cư trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCBLGĐ hoặc tổ chức thực hiện việc hòa giải khi có vụ việc bạo lực gia đình xảy ra. Tổ chức nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả nhằm giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình tại địa phương; Lồng ghép triển khai công tác PCBLGĐ với các phong trào xã hội.

Một hội thi CLB gia đình hạnh phúc.

Phóng viên: Để Luật PCBLGĐ tiếp tục lan tỏa, tạo sự hưởng ứng đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, xin ông cho biết giải pháp của tỉnh Thanh Hóa trong những năm tiếp theo?

Ông Vũ Thái Sơn: Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc thực thi Luật PCBLGĐ cũng như tạo sự lan tỏa, hưởng ứng đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, tỉnh Thanh Hóa thực hiện một số giải pháp đồng bộ sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác gia đình và PCBLGĐ tại địa phương. Phải coi công tác gia đình và PCBLGĐ là một nội dung quan trọng trong kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Các chỉ tiêu xây dựng phát triển gia đình và PCBLGĐ phải đưa vào chỉ tiêu phát triển KT-XH của địa phương, đơn vị. Qua đó, đánh giá cụ thể tình hình công tác gia đình ở Thanh Hóa để tiếp tục có kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả Thông báo - Kết luận số 26-TB/TW ngày 9/5/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về lĩnh vực gia đình, nhất là bạo hành trong gia đình. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong công tác PCBLGĐ. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở để đảm bảo tốt việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác gia đình và PCBLGĐ. Đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân, trước hết là các thành viên trong gia đình mình thực hiện nghiêm túc Luật PCBLGĐ.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các thành viên trong gia đình, gia đình và cộng đồng về thực hiện công tác gia đình và PCBLGĐ. Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán các hủ tục lạc hậu; những việc làm tiêu cực, thiếu lành mạnh trong công tác PCBLGĐ. Giáo dục ý thức chấp hành luật pháp trong nhân dân, cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây bạo lực gia đình, tránh để những trường hợp bạo lực gia đình xảy ra nhiều năm không giải quyết gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và Nhà nước trong công tác PCBLGĐ.

Thứ tư, triển khai có hiệu quả các mô hình đến các xã, phường, thị trấn. Lồng ghép triển khai công tác PCBLGĐ với các phong trào xã hội như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các phong trào do các tổ chức, đoàn thể phát động như: xây dựng “gia đình 5 không 3 sạch” “Nuôi con khỏe dạy con ngoan”; “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”; “Gia đình nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”; “phòng, chống tệ nạn xã hội” và phong trào “xây dựng thị trấn, xã, phường không tệ nạn ma túy; phong trào “Xây dựng nông thôn mới”. Hàng năm, lấy “Ngày Quốc tế hạnh phúc” 20/3; “Ngày gia đình Việt Nam” 28/6 và “Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” 25/11 để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và các hoạt động văn hóa có ý nghĩa nhằm quy tụ được sự tham gia hưởng ứng của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân, tạo sự lan tỏa trong các cộng đồng dân cư, chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc.

Thứ năm, tăng cường các chế tài xử lý, thanh tra, kiểm tra thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về các vụ bạo lực gia đình. Chú trọng làm tốt công tác phát hiện, trợ giúp pháp lý cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, nạn nhân bị BLGĐ. Tiếp tục bố trí nguồn lực về con người và kinh phí để thực hiện có hiệu quả hơn công tác PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Huấn (thực hiện)


Ngọc Huấn (thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]