(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau gần 4 năm thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện sáp nhập trường học ở các cấp, bậc học theo đơn vị hành chính cấp xã mới. Sự sáp nhập này, bên cạnh thuận lợi cũng đặt ra nhiều vấn đề khó…

Trường học, hậu sáp nhập xã: Thay đổi suy nghĩ, cách làm

Sau gần 4 năm thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện sáp nhập trường học ở các cấp, bậc học theo đơn vị hành chính cấp xã mới. Sự sáp nhập này, bên cạnh thuận lợi cũng đặt ra nhiều vấn đề khó…

Trường học, hậu sáp nhập xã: Thay đổi suy nghĩ, cách làmGiờ học Tiếng Việt ở lớp 1B1 Trường TH thị trấn Nga Sơn 1.

Sau khi xã Hoằng Khê và xã Hoằng Xuyên (Hoằng Hóa) sáp nhập thành xã Hoằng Xuyên vào năm 2019 thì ngày 5-8-2020, Trường THCS Hoằng Khê và Trường THCS Hoằng Xuyên cũng đã thực hiện việc sáp nhập với tên gọi Trường THCS Hoằng Xuyên.

Thầy giáo Nguyễn Việt Hùng cho rằng: “Quan trọng là phải tạo mối đoàn kết để hiểu nhau. Ngay đến việc phân công chức danh nhà trường cũng phải hài hòa hợp lý, không thể có chuyện, lâu nay tôi làm lãnh đạo ở điểm này thì sẽ phân công cán bộ tổ chức đoàn thể luôn ở đấy. Hay như việc giao ban hàng tuần, tuần này ở điểm chính, tuần sau điểm lẻ. Chia như vậy để tạo sự công bằng, đề xuất ý kiến gì thì chung cả hội đồng...”.

Sáp nhập và về 1 điểm trường hoặc sáp nhập mà vẫn tồn tại 2 điểm trường thì tính đoàn kết, thống nhất vẫn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Trường Tiểu học (TH) Thuần Lộc (Hậu Lộc) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 Trường TH Văn Lộc và TH Thuần Lộc (cũ). Sau sáp nhập, học sinh đã về 1 điểm trường để học tập. Thuận cũng nhiều, khó cũng không tránh khỏi. Theo như trải lòng của hiệu trưởng Trường TH Thuần Lộc, cô giáo Vũ Thị Thư: Về 1 điểm trường thuận lợi rất nhiều cho việc chỉ đạo chuyên môn, tập trung nâng cao chất lượng. Nhưng khó nhất vẫn là tạo tâm thế cho học sinh và tâm lý giáo viên.

Để tạo tâm thế cho học sinh, khi bắt đầu về 1 điểm trường, ban giám hiệu Trường TH Thuần Lộc đã chia lại toàn bộ lớp ở các khối. Ở lớp nào cũng có học sinh của 2 trường trước đây. Việc làm này để tạo sự gần gũi, không phân biệt, ngăn cách. Ngay trong cách gọi cũng chỉ còn là học sinh Thuần Lộc, không bao giờ dùng từ Văn Lộc cũ hoặc Thuần Lộc cũ.

Cũng theo hiệu trưởng Vũ Thị Thư, việc bố trí, sắp xếp con người sau sáp nhập trường là vấn đề khó. Do đó, phải tạo sự đồng thuận, đoàn kết mà trước hết là phải nắm bắt được năng lực đội ngũ, tâm tư của giáo viên. Hiệu trưởng Thư cho biết: “Sắp xếp tổ chức sau sáp nhập là vấn đề nan giải, phải vừa tế nhị, khách quan, vừa sử dụng sao cho hài hòa và cũng để đảm bảo chất lượng. Nếu không có sự kết hợp khéo léo ngay từ đầu dễ dẫn đến việc tư tưởng không thông, mất đoàn kết nội bộ…”.

Khi nói về tính thống nhất, đoàn kết trong nội bộ sau sáp nhập trường, thầy giáo Lê Xuân Tuấn, hiệu trưởng Trường THCS Tế Nông (Nông Cống) đã rất đỗi tự hào khi chỉ một thời gian ngắn sau sáp nhập, cán bộ, giáo viên nhà trường đã đồng lòng, chung sức góp phần nâng cao chất lượng giáo dục xã nhà. “Cơ sở vật chất thiếu rồi sẽ có, giáo viên thiếu có thể sắp xếp được nhưng nội bộ mà thiếu tính đoàn kết, thống nhất thì thực sự đáng lo ngại…”, hiệu trưởng Lê Xuân Tuấn nhấn mạnh.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục là một trong những mục tiêu của sáp nhập trường học. Tạo tính thống nhất, đoàn kết nội bộ sau sáp nhập trường là động lực quan trọng để tạo chuyển biến trong chuyên môn. Thực tế, nhiều trường học đã tìm ra giải pháp, phương pháp dạy và học hiệu quả, bảo đảm mục tiêu trong sáp nhập trường.

Sau sáp nhập, Trường THCS Hoằng Xuyên (Hoằng Hóa) có 15 giáo viên và 328 học sinh tương đương với 9 lớp. Theo chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Việt Hùng, hiệu trưởng nhà trường thì trước đây, ở Trường THCS Hoằng Xuyên (cũ) chỉ có 9 giáo viên. Giáo viên ít nên một năm có những giáo viên đứng 3 đội tuyển, vì vậy rất khó khăn trong việc trao đổi, học hỏi. Sau sáp nhập, nhân sự nhiều hơn, theo đó, việc phân bổ giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi cũng tốt hơn. Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Trong công tác chuyên môn, chúng tôi có sự điều chỉnh phù hợp, nắm bắt được năng lực từng giáo viên để phân công làm công tác chủ nhiệm lớp, đứng đội tuyển… Trước sáp nhập, cả hai trường không có học sinh giỏi. Sau sáp nhập, chất lượng mũi nhọn có nhiều chuyển biến, nhà trường đã có học sinh đạt giải tỉnh. Năm học 2021-2022, học sinh thi đỗ vào THPT đạt 80%..., tỷ lệ cao hơn so với trước khi sáp nhập”.

Những kết quả nói trên, đã có tác động lớn đến phụ huynh, học sinh, đó là niềm tin dành cho ngôi trường sau sáp nhập. Minh chứng cho điều này, sau gần 3 năm sáp nhập trường, Trường THCS Hoằng Xuyên không có học sinh nào bỏ học và cũng không có trường hợp nào xin sang trường khác. Những điều mà trước đây, khi chưa thực hiện việc sáp nhập vẫn thường xảy ra. Hiện, học sinh trên địa bàn xã, sau khi hoàn thành chương trình TH đều về học tại Trường THCS Hoằng Xuyên.

Trong câu chuyện nâng cao chất lượng ở Trường TH thị trấn Nga Sơn 1 (Nga Sơn) cho thấy sự nỗ lực vượt khó của đội ngũ cán bộ, giáo viên tại đây. Sự vượt khó đã làm nên điều kỳ diệu về thành tích khi trường có sự bứt phá ngoạn mục về chất lượng dạy và học.

Trường TH thị trấn Nga Sơn 1 được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường TH Nga Mỹ và Trường TH Nga Hưng. Trước khi chưa sáp nhập, chất lượng giáo dục ở 2 trường này thuộc tốp cuối của huyện Nga Sơn. Nhưng sau sáp nhập, Trường TH thị trấn Nga Sơn 1 đã vươn lên tốp đầu. Theo đó, chất lượng mũi nhọn được tăng lên, có nhiều học sinh đạt giải cấp huyện, tỉnh. Chất lượng giáo dục toàn diện được khẳng định thuộc tốp ổn định. Nhà trường đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.

Đạt được kết quả này, ngoài tạo mối đoàn kết nội bộ và sự tin tưởng vào lãnh đạo nhà trường, trong chuyên môn, Trường TH thị trấn Nga Sơn 1 đã đổi mới công tác kiểm tra đánh giá thực chất hơn. Nói về điều này, hiệu trưởng Trường TH thị trấn Nga Sơn 1, thầy giáo Mai Xuân Thống cho biết: “Kiểm tra đánh giá này không phải đơn thuần là kiểm tra học kỳ mà chúng tôi kiểm tra thường xuyên, cứ 1 tháng nhà trường khảo sát chất lượng 1 lần. Điều này không nặng nề với học sinh, coi như làm bài bình thường thôi nhưng lấy cái đấy soi vào kết quả làm việc của giáo viên”. Còn theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nga Sơn: “TH thị trấn Nga Sơn 1 có thể nói là 1 điển hình của huyện Nga Sơn, một sự thay đổi kỳ diệu về chất lượng giáo dục sau sáp nhập. Sáp nhập trường để đẩy chất lượng lên, là bài toán khó. Nếu không đoàn kết, không nỗ lực, không tìm ra phương pháp phù hợp để nâng cao chất lượng thì rất khó thành công”.

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]