(vhds.baothanhhoa.vn) - Văn học dân gian là một bộ phận của văn hóa dân gian, có tác dụng quan trọng trong bồi dưỡng và giáo dục tâm hồn thế hệ trẻ. Thế nhưng, việc dạy văn học dân gian ở nhà trường hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong truyền cảm hứng, tạo sự thích thú cho học sinh.

Truyền cảm hứng cho học sinh từ văn học dân gian

Văn học dân gian là một bộ phận của văn hóa dân gian, có tác dụng quan trọng trong bồi dưỡng và giáo dục tâm hồn thế hệ trẻ. Thế nhưng, việc dạy văn học dân gian ở nhà trường hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong truyền cảm hứng, tạo sự thích thú cho học sinh.

Truyền cảm hứng cho học sinh từ văn học dân gian

Cô giáo Tô Thị Hiền, Trường THCS Lê Đình Chinh (Ngọc Lặc) trong giờ giảng dạy Văn học dân gian.

Không thể sân khấu hóa trong giờ học chính khóa

Văn học dân gian là sáng tác nghệ thuật truyền miệng của các tầng lớp Nhân dân, phát triển qua các thời kỳ lịch sử cho tới ngày nay. Do có đặc trưng là gắn bó với các sinh hoạt trong đời sống mà mỗi thể loại của văn học dân gian có cách diễn xướng khác nhau, như chèo phải diễn, dân ca phải hát... Vì vậy, dạy văn học dân gian cần có hình ảnh minh họa, có “diễn” để lột tả được nội dung tác phẩm, như một chất xúc tác, truyền cảm hứng để lôi cuốn học sinh, giúp giờ học sinh động hơn.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, nếu để dựng tác phẩm văn học dân gian thành một tiểu phẩm kịch tại giờ học chính khóa thì sẽ mất nhiều thời gian cho công tác hóa trang và cần đến kinh phí. Do vậy, nhiều trường học chỉ có thể thực hiện ở tiết trải nghiệm sáng tạo hoặc các buổi hoạt động ngoại khóa, nhưng rất hạn chế. Dạy tác phẩm văn học dân gian nếu không thể “diễn” trên lớp thì vô tình sẽ làm cho các tác phẩm mất màu sắc dân gian, khó hấp dẫn học sinh.

Truyền cảm hứng nhờ vận dụng... công nghệ thông tin

Giờ hoạt động ngoại khóa lớp 10A9, Trường THPT Lê Văn Hưu (Thiệu Hóa), giáo viên cho học sinh nhập vai để diễn lại một số nội dung nhỏ trong truyện cổ tích Tấm Cám, một tác phẩm văn học dân gian chương trình lớp 10. Học sinh hào hứng nhập vai Tấm đi xem hội, thử giày... Bài học trên lớp thành tiểu phẩm kịch khiến cho cả cô và trò say mê, thích thú. Nhưng đấy là câu chuyện của 10 năm về trước. Sau này, khi không còn hoạt động ngoại khóa, việc dạy và học dân gian đều nhờ vào... công nghệ thông tin. Cô giáo Nguyễn Thị Mai, giáo viên Văn học Trường THPT Lê Văn Hưu bùi ngùi: “Chương trình lớp 10, nhất là trong năm học tới, việc giảng dạy tác phẩm văn học dân gian càng quan trọng vì lượng tác phẩm khá nhiều. Nếu không thể thực hiện sân khấu hóa thì không khác gì dạy tác phẩm văn học viết. Trong khi văn học dân gian là văn học nói, ra đời khi chưa có chữ viết. Dạy như vậy vừa khó cho cả giáo viên và học sinh”.

Đối với bậc THCS, cũng là những khó khăn tương tự khi phần lớn các trường không thể tổ chức sân khấu hóa. Khó khăn hơn nữa là đối với việc dạy văn học dân gian địa phương. Đơn cử như một số tiết ở chương trình lớp 7, đòi hỏi học sinh phải sưu tầm các bài dân ca, ca dao ở địa phương, nhưng thực tế việc tìm kiếm rất hạn chế.

Do không thể thực hiện sân khấu hóa trong giảng dạy tác phẩm văn học dân gian, nhiều trường học vận dụng công nghệ thông tin để giúp các em có cách tiếp cận gần hơn với đặc trưng, thể loại... Chia sẻ của cô giáo Tô Thị Hiền, giáo viên Văn học, Trường THCS Lê Đình Chinh (Ngọc Lặc): “Ngoài soạn giáo án điện tử bằng PowerPoint chèn tư liệu, hình ảnh, giáo viên dạy văn của nhà trường còn dùng máy chiếu kết nối wifi, ở đó học sinh sẽ được bổ trợ để hiểu và có cảm hứng hơn khi học tác phẩm văn học dân gian. Ví dụ, học đến phần ca dao thì giáo viên sẽ mở phần ca dao để các em vừa nghe vừa xem, hoặc đến phần dân ca cũng vậy. Tức là thông qua máy chiếu, qua internet, bài học sẽ sinh động hơn, giúp các em phân biệt rõ hơn đâu là dân ca, ca dao...”. Còn theo cô giáo Hoàng Thị Lan, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Tĩnh Gia 1 (thị xã Nghi Sơn): “Trong điều kiện nếu không thể diễn, không thể hát thì xây dựng bài giảng có trợ giúp của máy chiếu là biện pháp hữu hiệu nhất”.

Vậy nên, nếu bằng hình thức sân khấu hóa sẽ khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện tư duy sáng tạo, phát triển mở rộng kiến thức và giáo dục học sinh một cách toàn diện hơn. Đây là hình thức trực tiếp trong truyền tải nội dung bài học. Ngược lại, không thể dựng tác phẩm bằng các tiểu phẩm kịch..., thì hình thức gián tiếp dưới dạng trình chiếu cũng là giải pháp đảm bảo cho giờ học chất lượng hơn, góp phần tạo sự hứng thú, hình thành xúc cảm thẩm mỹ cho các em.

Bài và ảnh: Anh Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]