(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhẹ nhàng khuyên bảo hay cáu gắt, mắng chửi khi con bị giáo viên nhắc nhở ở nhóm zalo lớp vẫn là câu chuyện rất cần được quan tâm đối với những bậc làm cha, mẹ…

Ứng xử của phụ huynh khi con bị nêu tên trên nhóm zalo lớp

Nhẹ nhàng khuyên bảo hay cáu gắt, mắng chửi khi con bị giáo viên nhắc nhở ở nhóm zalo lớp vẫn là câu chuyện rất cần được quan tâm đối với những bậc làm cha, mẹ…

Ứng xử của phụ huynh khi con bị nêu tên trên nhóm zalo lớp

Tiết học Tiếng Việt ở lớp 5A Trường Tiểu học Thiệu Quang.

Với mục đích chính là trao đổi thông tin về tình hình học tập của học sinh để cha mẹ cùng giáo viên quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh tốt hơn, nhóm zalo lớp kết nối giữa phụ huynh và giáo viên đã được thành lập.

Tiếp nhận thông tin và cách ứng xử

Cách đây không lâu, một học sinh ở một trường THCS trên địa bàn TP Thanh Hóa đã khóc nức nở và không dám về nhà sau khi biết mình bị xếp loại yếu trong bảng thi đua của lớp. Tuần trước đó, em cũng bị xếp loại yếu và bị bố mẹ chì chiết, mắng chửi, thậm chí phạt cả đòn roi. Tuần này, khi nhìn qua điểm số bạn tổ trưởng chấm, em biết mình đã vi phạm quá nhiều lỗi, lại xếp loại yếu và chắc chắn cô giáo sẽ đưa lên nhóm zalo lớp cho bố mẹ xem. Quá lo sợ, em đã đi lang thang mà không dám về nhà.

Câu chuyện là thái độ ứng xử của bậc phụ huynh khi con phạm lỗi trong môi trường giáo dục. Nhờ có nhóm zalo lớp ra đời, bố mẹ nắm bắt được thông tin của con nhanh hơn qua thông báo của cô giáo chủ nhiệm nhưng việc tiếp nhận thông tin với thái độ như thế nào, lại còn phụ thuộc vào phụ huynh. Nếu con được khen, chắc chắn bố mẹ vui. Ngược lại, bố mẹ sẽ buồn và đồng thời có lời khuyên bảo, động viên con nhưng cũng có thể nổi nóng với con…

Theo chị Lê Thị Hiền, một phụ huynh có con đang học lớp 5 ở TP Thanh Hóa thì đa số phụ huynh trong lớp rất đồng tình khi cô giáo lập nhóm zalo lớp. Họ đều muốn cô nhắc nhở ngay trên nhóm để bố mẹ biết và điều chỉnh con. Chị nói: “Tôi cho rằng, những cô giáo thường xuyên cập nhập tình hình của học sinh là những giáo viên rất tâm huyết. Bởi cô phải dành thời gian để nhắn tin nhắc nhở học sinh như chưa làm bài tập hoặc hay nói chuyện riêng… Có vậy thì bố mẹ mới biết để đốc thúc con cái đi vào nền nếp. Bản thân phụ huynh qua thông tin của cô giáo, nếu nhìn nhận về con một cách tiêu cực thì sẽ là tiêu cực và ngược lại. Quan trọng là phải biết ứng xử và đưa ra những hình phạt phù hợp với con, nhưng không có nghĩa là xúc phạm con, là nỗi ám ảnh đáng sợ với con…”. Đồng quan điểm, chị Trương Thị Hải, một phụ huynh có con học lớp 8 ở Trường TH&THCS Xuân Thịnh (Triệu Sơn) cũng cho rằng: “Con có bị nêu tên trên nhóm zalo của lớp, tôi thấy đó cũng là điều bình thường. Vì qua đó, phụ huynh có cách để giáo dục con tốt hơn. Tuy nhiên, phía sau đó, bố mẹ giáo dục con như thế nào, là đòn roi, là mắng chửi hay động viên con… Nhiều khi, bố mẹ cứ nghĩ, không đòn roi thì con không thể tiến bộ nhưng điều đó chưa hẳn. Đó sẽ là gánh nặng tâm lý cho con…”.

Có một tâm lý chung với nhiều phụ huynh, khi con bị nhắc tên trên nhóm zalo lớp, thường bản thân họ cũng có cảm giác xấu hổ với các phụ huynh khác. Vì vậy, bố mẹ lại trút bỏ bực dọc, xấu hổ ấy lên con, vô tình lại làm cho con trẻ thêm nỗi sợ hãi…

Cần sự tế nhị

Nhóm zalo lớp đã xích lại gần hơn mối liên hệ giữa phụ huynh và giáo viên. Đặc biệt, khi Thông tư 28/2020 và Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời, quy định về việc giáo viên không được phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường thì việc thành lập nhóm zalo lớp đã có những hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, với giáo viên cũng cần có một ứng xử phù hợp khi làm việc trên nhóm zalo này.

Nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, nhất là khi có nhóm zalo lớp, cô giáo Vũ Thị Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, Trường Tiểu học Thiệu Quang (Thiệu Hóa) có cơ hội để tiếp cận với phụ huynh nhiều hơn. Không chỉ kết nối qua zalo lớp mà chị còn kết nối trực tiếp với từng phụ huynh qua zalo cá nhân. Với chị, việc nhắc nhở học sinh trên zalo lớp cũng cần sự tế nhị, tránh cụ thể. “Trong buổi học, nếu có học sinh nào không làm bài tập, không ghi chép bài, nói chuyện…, thì tôi sẽ nhắc chung trên nhóm zalo rằng, hôm nay có một số bạn không làm bài tập, đề nghị bố mẹ nhắc nhở các con. Còn trường hợp, học sinh nào vi phạm nhiều lần, tôi sẽ nhắn tin riêng trên zalo của phụ huynh hoặc gọi điện. Vì tôi nghĩ, cần tránh sự ngại ngùng cho phụ huynh khi nhắn trên zalo nhóm, tâm lý số đông biết, chắc chắn họ cũng không thoải mái”.

Ứng xử của phụ huynh khi con bị nêu tên trên nhóm zalo lớp

Theo chị Lê Thị Hiền, tiếp nhận thông tin về con qua nhóm zalo lớp, cần phải biết ứng xử phù hợp với con.

Với cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 8B, Trường TH&THCS Xuân Thịnh (Triệu Sơn) thì ít khi chị nhắc tên riêng của học sinh vi phạm trên nhóm zalo lớp. Nếu học sinh có lỗi nặng sẽ thông báo trực tiếp cho bố mẹ hoặc gặp riêng học sinh để trao đổi, khuyên bảo. Chị cho rằng: “Tôi thấy sự tiện ích qua nhóm zalo bởi giáo viên và phụ huynh có thể phản hồi thông tin trực tiếp, nhanh. Khi tôi thông báo tình hình của học sinh, tôi vẫn luôn nhắc các phụ huynh, nên cố gắng kìm chế cảm xúc, không dùng bạo lực hoặc lời lẽ nặng nề với con”.

Nhắc nhở hay bị nêu tên trên nhóm zalo lớp cũng là hình thức để bố mẹ, thầy cô giáo dục, quản lý học sinh tốt hơn nhưng trong mọi trường hợp, không nên quá lạm dụng nhóm zalo này để phê bình học sinh một cách thiếu tế nhị, bản thân bố mẹ cũng cần điều chỉnh hành vi ứng xử với con. Nghiêm túc, nghiêm khắc là tốt nhưng nếu đi quá sẽ rất khó lường, việc dạy dỗ có đôi khi còn khó hơn…

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]