(vhds.baothanhhoa.vn) - Do không còn chế độ bán trú nên việc đóng tiền bán trú cho con khiến nhiều gia đình khó khăn không thể đáp ứng. Nhiều giải pháp từ phía nhà trường và phụ huynh đã được đưa ra nhưng đáng tiếc, vẫn là những câu chuyện, buồn nhiều hơn vui…

Xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn - Khó vẫn còn khó: Liệu còn tồn tại mô hình bán trú ?

Do không còn chế độ bán trú nên việc đóng tiền bán trú cho con khiến nhiều gia đình khó khăn không thể đáp ứng. Nhiều giải pháp từ phía nhà trường và phụ huynh đã được đưa ra nhưng đáng tiếc, vẫn là những câu chuyện, buồn nhiều hơn vui…

Xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn - Khó vẫn còn khó: Liệu còn tồn tại mô hình bán trú ?

Bị cắt chế độ bán trú, do nhà nghèo nên em Cao Thị Vân Anh phải bỏ học ở nhà trông em.

Từ học sinh chuyển trường

Nếu trước đây, khi chưa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), học sinh TH, THCS và THPT vùng dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ. Theo đó, các em được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở (nếu nhà trường không thể bố trí ở trong trường) và hỗ trợ gạo. Tuy nhiên, sau khi ra khỏi diện ĐBKK theo Quyết định 861/QĐ-TTg, Nghị định 116 không còn được áp dụng. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến học sinh, kéo theo nhiều hệ lụy.

Trường PTDT Bán trú THCS Giao Thiện (Lang Chánh) có 85 học sinh bị cắt chế độ bán trú khi xã Giao Thiện lên vùng I. Do không còn chế độ nên trong số đó đã có gần 20 học sinh xin chuyển trường, chủ yếu về Trường THCS Vân Am (Ngọc Lặc) và Trường THCS Giao An (Lang Chánh). Nói về điều này, ông Trịnh Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Giao Thiện trầm tư: “Không còn chế độ bán trú nhưng khoảng cách khi học sinh chuyển về các trường này sẽ gần hơn, rút ngắn được một nửa chặng đường. Những học sinh chuyển đi là khối lớp 6, hiện nay một số học sinh ở các lớp 7, 8, 9 cũng manh nha xin chuyển trường nhưng tôi chưa giải quyết. Nếu giờ giải quyết thì học sinh sẽ xin chuyển hết…”.

Đến học sinh bỏ học

Năm học mới này, em Cao Thị Vân Anh ở bản Tân Sơn, xã Phú Xuân (Quan Hóa) đã không còn được đến trường. Nếu còn đi học, năm nay em lên lớp 9. Không đi học, Vân Anh ở nhà giúp bố mẹ trông em hoặc chăn bò. Có thể, việc em bỏ học giữa chừng là giải pháp tiêu cực nhưng dường như sự lựa chọn này phù hợp hơn bởi gia đình em thuộc diện hộ nghèo. “Gia đình nghèo quá, không thể đóng tiền ăn cho con ở trường. Gia đình cho cháu về nhà thôi, đi học tiếp thì vất vả quá…”. Đấy là lời tâm sự của chị Cao Thị Thùy, phụ huynh em Vân Anh.

Năm học 2021-2022, khi Vân Anh học lớp 8, do không còn chế độ bán trú nên buổi trưa ở lại trường, em phải ăn mì tôm trong suốt một thời gian dài. Nghỉ học, điều mà chưa bao giờ em muốn xảy ra nhưng lúc này, “bất đắc dĩ” phải thực hiện. Vân Anh nói: “Em vẫn muốn đi học. Bố mẹ cũng luôn mong em được trở lại trường. Vào lúc này, nhà em không có đủ điều kiện…”.

Năm học trước, ở lớp 8A Trường PTDT Bán trú THCS Phú Xuân, nơi Vân Anh đã từng theo học có 26 học sinh, trong đó có 6 học sinh ở các bản đã ra khỏi diện ĐBKK. Đáng buồn, trong số 6 học sinh này thì đã có 4 em bỏ học bởi không có tiền đóng bán trú. Cô giáo Lữ Thị Hòa, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A (bây giờ là 9A) bùi ngùi nhớ lại: “Năm học 2021-2022, hết học kỳ I có 2 em nghỉ học, hết học kỳ II lại 2 em nữa, các em chủ yếu ở bản Tân Sơn, đều là hộ nghèo và cận nghèo. Từ nhà các em đến trường phải đi qua một con dốc cao, cách hơn 7 km. Tôi đã vào nhà từng em, động viên ra lớp nhưng chưa có học sinh nào trở lại trường”.

Ảnh hưởng bởi Quyết định 861/QĐ-TTg, đến nay, Trường PTDT Bán trú THCS Phú Xuân đã có gần 10 trường hợp học sinh bỏ học. Không dừng ở đây, trong số 130 học sinh nhà trường không còn được hưởng chế độ bán trú thì có 95 học sinh từ chối không tham gia đăng ký bán trú khi phải đóng tiền. Ông Nguyễn Danh Kiên, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Phú Xuân ngậm ngùi: “95 học sinh này phần lớn là hộ nghèo, cận nghèo. Xã, nhà trường bàn phương án để học sinh ở lại bán trú, chỉ đóng tiền ăn nhưng trong cuộc họp phụ huynh, nhiều người nói với giáo viên rằng, nếu cho tiền ăn thì mới cho con ở còn đóng tiền ăn, gia đình lấy đâu mà đóng. Vì vậy, có học sinh nghỉ học, có học sinh được bố mẹ đón về buổi trưa nhưng cũng nhiều học sinh phải mang xôi, cơm nắm đi ăn…”.

Học sinh chuyển trường, bỏ học hoặc lại mì tôm, cơm nắm mang đi ăn hoặc nếu tiếp tục ăn bán trú, có trường lại phải đi xin gạo để hỗ trợ thêm cho học sinh như Trường TH Thanh Xuân (Quan Hóa) khi tại đây có gần một nửa số học sinh nhà trường bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861/QĐ-TTg.

Nguy cơ xóa bỏ mô hình trường bán trú

Thực tế, khi địa phương ra khỏi vùng ĐBKK, phần lớn phụ huynh không đủ điều kiện để đóng tiền bán trú cho con, dù nhà trường đã tạo điều kiện cho học sinh được ở lại trường, chỉ tính tiền ăn, không thêm một khoản chi phí nào khác. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho số lượng học sinh ăn bán trú tại các trường này giảm mạnh. Chia sẻ của ông Trịnh Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Giao Thiện (Lang Chánh): “Nhà trường đã trao đổi với các gia đình nhưng hầu hết đều từ chối việc cho con tiếp tục ở lại trường. Năm học này, nhà trường không được cấp kinh phí cho nấu ăn (cấp dưỡng) vì số học sinh đăng ký ăn bán trú quá ít theo quy định. Theo đó cũng không thể tổ chức bán trú cho học sinh”. Ông Hoàng Danh Kiên, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Phú Xuân (Quan Hóa) lại bày tỏ sự lo ngại vì hiện nay nhà trường có một nửa học sinh bị cắt chế độ bán trú nhưng trong số đó lại có đến 2/3 học sinh không có điều kiện để đóng tiền ăn bán trú ở trường. Ông cho hay: “Với một nửa số học sinh còn lại của nhà trường hiện đang được hưởng chế độ bán trú thì nếu sau khi ra khỏi vùng ĐBKK, số lượng học sinh bán trú không đảm bảo theo quy định thì liệu mô hình trường bán trú có bị xóa bỏ?”.

Xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn - Khó vẫn còn khó: Liệu còn tồn tại mô hình bán trú ?

Không còn hưởng chế độ bán trú, học sinh Trường PTDT Bán trú THCS Phú Xuân buổi trưa ở nhờ nhà người dân và chỉ ăn mì tôm.

Mô hình trường bán trú có hiệu quả giáo dục lớn, đặc biệt đối với các trường học ở miền núi. Bởi mô hình phù hợp, đáp ứng được với đặc thù vùng sâu, vùng xa như về quy mô dân cư, khoảng cách địa lý, giao thông… Bà Phạm Thị Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho rằng: “Mô hình bán trú duy trì khi có 50% học sinh hưởng chế độ bán trú và nếu sắp tới giảm xuống 40% thì huyện Quan Hóa đang có đề xuất mở rộng đối tượng học sinh hộ cận nghèo khi khoảng cách từ nhà đến trường trên 7 km đối với THCS, trên 4 km với TH. Nếu như mở rộng được đối tượng hộ cận nghèo, chắc chắn sẽ duy trì được mô hình còn nếu không thì khi giảm xuống 40% ở trên địa bàn huyện sẽ không thể tồn tại mô hình này”.

Bài và ảnh: Việt Hoàng


Bài và ảnh: Việt Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]