(vhds.baothanhhoa.vn) - Hiền Kiệt là xã biên giới của huyện Quan Hóa, kinh tế - xã hội còn bộn bề khó khăn. Xã chưa có trường đạt chuẩn quốc gia (CQG). Giải “bài toán” xây dựng trường học đạt chuẩn là vấn đề lớn đối với cấp ủy đảng, chính quyền nơi đây. Điển hình như Trường Tiểu học Hiền Kiệt có 390 học sinh (HS) với 19 lớp học, vì thiếu phòng học, nên phải dạy hai ca/ngày. Trong 5 tiêu chuẩn để trường học đạt CQG thì nhà trường đã đạt được 4 tiêu chuẩn, còn lại là kết cấu hạ tầng và trang thiết bị dạy học. Để hoàn thành được tiêu chuẩn này cần nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn vốn xã hội hóa rất hạn chế. Nếu không có sự quan tâm của huyện và ngành chức năng thì mục tiêu xây dựng trường học đạt CQG của Trường Tiểu học Hiền Kiệt sẽ khó bề thực hiện.

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia ở miền núi: Khó huy động nguồn lực

Hiền Kiệt là xã biên giới của huyện Quan Hóa, kinh tế - xã hội còn bộn bề khó khăn. Xã chưa có trường đạt chuẩn quốc gia (CQG). Giải “bài toán” xây dựng trường học đạt chuẩn là vấn đề lớn đối với cấp ủy đảng, chính quyền nơi đây. Điển hình như Trường Tiểu học Hiền Kiệt có 390 học sinh (HS) với 19 lớp học, vì thiếu phòng học, nên phải dạy hai ca/ngày. Trong 5 tiêu chuẩn để trường học đạt CQG thì nhà trường đã đạt được 4 tiêu chuẩn, còn lại là kết cấu hạ tầng và trang thiết bị dạy học. Để hoàn thành được tiêu chuẩn này cần nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn vốn xã hội hóa rất hạn chế. Nếu không có sự quan tâm của huyện và ngành chức năng thì mục tiêu xây dựng trường học đạt CQG của Trường Tiểu học Hiền Kiệt sẽ khó bề thực hiện.

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia ở miền núi: Khó huy động nguồn lực

Trường Mầm non Điền Hạ (Bá Thước) phòng học bị đổ sập, việc xây dựng trường đạt CQG trở nên khó khăn hơn.

Thầy giáo Trần Mai Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hiền Kiệt, cho biết: Xác định công tác xây dựng trường học đạt CQG có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua, ban giám hiệu nhà trường đã tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện nhiều giải pháp. Tuy nhiên, do địa phương còn gặp nhiều khó khăn, ngân sách hạn chế nên việc xây dựng trường học đạt CQG của nhà trường sẽ phải chờ đợi sự hỗ trợ của cấp trên.

Ông Lò Khăm Thuận, Chủ tịch UBND xã Hiền Kiệt, chia sẻ: “Trong những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã rất quan tâm tới sự nghiệp giáo dục của xã nhà, nhưng xuất phát điểm của xã thấp, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn, vì thế việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các trường học còn nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, xây dựng một dãy phòng học cấp THCS đạt chuẩn và kinh phí phục vụ việc mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu cũng cần tới 4 - 6 tỷ đồng. Lượng kinh phí lớn, thực sự là “bài toán” nan giải đối với địa phương chúng tôi”.

Không chỉ ở xã Hiền Kiệt, theo ông Ngô Phi Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quan Hóa, huyện này vẫn còn 57 phòng học, nhà công vụ bị xuống cấp, nhiều khu lẻ của các trường thiếu trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu, nhất là nhân viên phụ trách thiết bị thư viện... nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xây dựng trường học đạt CQG.

Việc xây dựng trường học đạt CQG của huyện Bá Thước cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, toàn huyện đang thiếu 70 phòng học, hơn 200 phòng học đang xuống cấp và không đảm bảo diện tích, 42 điểm trường lẻ thiếu trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời... Đặc biệt, phòng học ở nhiều trường mầm non được xây dựng từ lâu, trong thiết kế không có nhà vệ sinh khiến việc thực hiện bán trú gặp rất nhiều khó khăn.

Trường Mầm non (MN) Điền Hạ được xây dựng từ năm 2003, bằng nguồn vốn Chương trình kiên cố hóa trường lớp học của Nhà nước. Hiện nay, phòng học, phòng giáo viên đang xuống cấp nghiêm trọng, một phòng học đã bị sập hoàn toàn. Nhà trường đã phải chuyển toàn bộ HS đến học tạm tại công sở UBND xã Điền Hạ cũ. Do các phòng được thiết kế không đúng tiêu chuẩn của lớp học MN, nên cả cô và trò đều rất vất vả trong những buổi học.

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia ở miền núi: Khó huy động nguồn lực

Lớp học khang trang, sạch đẹp nhưng diện tích của Trường Tiểu học Hiền Kiệt (Quan Hóa) không đủ tiêu chuẩn trường đạt CQG.

Ông Cao Minh Quang, Chủ tịch UBND xã Điền Hạ, cho biết: Để xây dựng mới Trường MN Điền Hạ, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học kinh phí lên đến cả chục tỷ đồng. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì việc xây mới trường là không khả quan, bởi việc huy động nguồn lực từ phụ huynh rất khó khăn, và người dân phần lớn sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp.

Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bá Thước trao đổi thêm: Hầu hết các trường, lớp học được xây dựng trên địa bàn từ năm 1998 - 2000, theo Chương trình kiên cố trường lớp học nên đã xuống cấp và không đủ diện tích, trang thiết bị hư hỏng, thiếu thốn... đã ảnh hưởng đến việc dạy học của các nhà trường. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bá Thước đang xây dựng kế hoạch đề xuất xây dựng mới 435 phòng học, phòng chức năng, 80 phòng ở công vụ... Huyện rất mong các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học đạt CQG.

Không chỉ có Quan Hóa, Bá Thước, nhiều huyện miền núi Thanh Hóa cũng đang gặp khó trong công tác xây dựng trường học đạt CQG. Nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế, để hoàn thành chỉ tiêu buộc ngành GD&ĐT, các địa phương phải “liệu cơm gắp mắm”, chọn những đơn vị có thành tích, có cơ sở vật chất tương đối khang trang để tập trung đầu tư.

Để giải quyết khó khăn về xây dựng kết cấu hạ tầng trong xây dựng trường học đạt CQG, các huyện miền núi cần thực hiện đồng bộ giải pháp khắc phục, như: Bổ sung quỹ đất đáp ứng yêu cầu tối thiểu diện tích đất theo quy định về công nhận trường học đạt CQG đối với từng cấp học; lồng ghép các nguồn lực để đầu tư bổ sung phòng học thiếu, các công trình phụ trợ; tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, đồ chơi theo danh mục tối thiểu; tăng cường công tác xã hội hóa bằng việc huy động mọi nguồn lực từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để đầu tư kết cấu hạ tầng, phương tiện, thiết bị giáo dục; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội tạo môi trường giáo dục lành mạnh...

Bài và ảnh: Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]