(vhds.baothanhhoa.vn) - Chỉ còn ít ngày nữa, cùng với học sinh cả nước, học sinh Thanh Hóa sẽ chính thức khai giảng năm học mới 2022 - 2023. Ngày tựu trường đã diễn ra, những bàn chân ngập ngừng đầu tiên đã bước qua cảnh cổng trường để làm quen với lớp học, gặp bạn bè, gặp thầy cô...

Xin chào năm học mới!

Chỉ còn ít ngày nữa, cùng với học sinh cả nước, học sinh Thanh Hóa sẽ chính thức khai giảng năm học mới 2022 - 2023. Ngày tựu trường đã diễn ra, những bàn chân ngập ngừng đầu tiên đã bước qua cảnh cổng trường để làm quen với lớp học, gặp bạn bè, gặp thầy cô...

Xin chào năm học mới!Các em học sinh Trường Tiểu học Thành Sơn (Quan Hóa) tập trung trước ngày khai giảng năm học mới.

Hân hoan tựu trường

Sáng 29-8, gần 900.000 học sinh các cấp với gần 29.500 lớp ở 2.026 cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã tựu trường, sẵn sàng bước vào năm học mới. Đúng 7h30’ ngày 29-8, tại điểm chính của Trường Tiểu học (TH) Trung Lý 2 ở bản Cò Cài, xã Trung Lý (Mường Lát), 33 em học sinh từ lớp 2 đến lớp 4 đã tựu trường (riêng học sinh lớp 5 phải dồn vào điểm trường ở bản Cá Giáng). Trước đó, ngày 22-8, 11 em học sinh hân hoan vào lớp 1. Chia sẻ với chúng tôi, thầy hiệu trưởng Nguyễn Tiến Hiệp cho biết: Năm học 2022 - 2023, nhà trường có 393 học sinh ở 6 điểm trường. Thực hiện Kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa, ngày 22-8 các học sinh lớp 1 đã đến làm quen với bạn, với trường lớp, thầy cô, nghe thầy cô phổ biến nội quy, quy chế học tập và được ôn lại chữ cái tăng cường tiếng Việt.

Nhìn các em nhỏ, tôi lại nhớ về khoảng trời thơ dại đầy kỷ niệm mùa tựu trường của chính mình đã qua từ rất lâu. Thế hệ chúng tôi lớn lên ngay sau khi đất nước vừa xóa bỏ bao cấp, những năm đầu mở cửa, cuộc sống của gia đình nào cũng khó khăn. Tôi nhớ nhất những ngày tựu trường, cái háo hức để không phải bóc lạc mỗi ngày, không phải làm đủ mọi việc mẹ giao và hơn hết là được khoác lên mình bộ quần áo thơm mùi vải mới, đôi dép nhựa mới. Tiếng trống trường vang lên là tiếng lũ trẻ hò reo như chim vỡ tổ. Sân trường rộn tiếng bước chân tiếng cười nói, chúng tôi sôi nổi theo nắng mùa thu vào lớp học. Sự háo hức ấy chẳng khi nào tôi có thể quên.

Tôi nhớ nhất khi tôi vào lớp 6 Trường TH Ba Đình, trường xa cách nhà 3-4 cây số. Tôi được bố mua cho chiếc xe đạp mini Cổ Loa, thời ấy là oách lắm. Đi ra đi vào tôi ngắm chiếc xe, tí tủm cười, lâng lâng vui. Thế mà tối trước ngày đến trường mới, tôi không thể ngủ được...

Hôm nay, nhìn tấm ảnh thầy giáo Nguyễn Tiến Hiệp gửi chụp 23 đứa trẻ ở điểm trường lẻ bản Cánh Cộng, xã Trung Lý (Mường Lát) và 2 giáo viên, trong đó có 6 em học sinh lớp 1, tôi thật sự vui và muốn cười. Những đứa trẻ nhỏ nhắn, mỗi đứa nhìn mỗi hướng, trong những bộ quần áo đủ sắc màu. Ở bản nghèo nhưng chúng vẫn là trẻ con, cứ hồn nhiên như nắng, như gió, như những cây rừng bám chặt trên vách đá.

Ngày tựu trường vui ơi là vui với trẻ nhỏ, còn những lo lắng phía sau là thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội.

Và những khó khăn của năm học mới

Năm học 2022 - 2023 dù chưa khai giảng nhưng ngành giáo dục Thanh Hóa đã nhìn thấy trước những khó khăn. Nếu chiếu theo những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&DT), trong năm học này tỉnh Thanh Hóa thiếu 10.276 giáo viên, trong đó mầm non thiếu 4.510, TH thiếu 4.011, THCS thiếu 1.377 và THPT thiếu 378 giáo viên. Còn theo quy định của tỉnh, toàn tỉnh thiếu 6.484 giáo viên (mầm non thiếu 2.036, TH thiếu 3.241, THCS thiếu 974, THPT thiếu 233 giáo viên).

Trường TH Trung Lý 2 có tổng số 25 cán bộ, giáo viên ở tại 6 điểm trường. Hiện tại nhà trường còn thiếu 4 giáo viên môn văn hóa. Trước đó, nhà trường đã phải ký hợp đồng tự chi trả lương cho 2 giáo viên hợp đồng, trong khi nguồn ngân sách của trường rất khó khăn. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các trường trên địa bàn huyện Mường Lát. Ông Lò Văn Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Năm học 2022 - 2023, huyện có 736/825 biên chế được giao, như vậy còn thiếu 89 người. Theo Quyết định số 3185/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc quy định mức bình quân học sinh/lớp học và định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính của các trường mầm non, TH và THCS công lập trên địa bàn tỉnh, huyện còn thiếu 134 người. Việc thiếu giáo viên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong bố trí, sắp xếp đội ngũ đứng lớp”.

Bên cạnh đó ông Lò Văn Tuấn cũng thông tin thêm: Là huyện miền núi khó khăn nên Mường Lát luôn trong tình trạng nhiều phòng học xuống cấp, trong đó có 100 phòng học tại các điểm trường lẻ thiếu phòng chức năng, nhà hiệu bộ, nhà phục vụ cho học sinh bán trú, thiếu trang thiết bị dạy học. Để chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, huyện đang rà soát, đánh giá các trường cần đầu tư xây mới phòng học, đồng thời chỉ đạo các trường vệ sinh phòng học, chỉnh trang bàn ghế tại điểm trường chính và các điểm lẻ.

Đặc biệt, năm học 2022 - 2023 sẽ bắt buộc học Tin học đối với học sinh từ lớp 3. Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa có 600 trường TH nhưng chỉ có 175 giáo viên bộ môn này, nếu bố trí mỗi trường TH một giáo viên Tin học thì toàn tỉnh đang thiếu 420 giáo viên. Huyện Quảng Xương, riêng bậc TH có 28 trường thì hiện chỉ có duy nhất một giáo viên môn Tin học.

Ở Quan Hóa, hiện cũng chỉ có 3 giáo viên dạy môn Tin học trên tổng số 17 trường TH; 2/3 trong số các trường trên địa bàn huyện không có phòng máy. Nói về điều này, thầy giáo Phạm Văn Loan, Phó Hiệu trưởng Trường TH Thành Sơn cho biết: “Nếu xét theo tỷ lệ học sinh, nhà trường hiện thiếu 3 giáo viên văn hóa và các giáo viên đặc thù (trừ giáo viên thể dục)”.

Không chỉ thiếu giáo viên môn Tin học, trang thiết bị cũng là vấn đề lớn. Huyện miền núi Lang Chánh có 30 trường, theo chia sẻ của ông Cao Bá Châu, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh: Cố gắng lắm cũng chỉ lên kế hoạch mua sắm được 100 máy tính, chưa đủ phân bổ cho khối THCS, TH đành phải học ké vào thời gian trống. Giải pháp đưa ra là bắt buộc phải dồn lớp, để giảm đầu giáo viên đi, như thế thì khó khăn cho giáo viên, học sinh vì lớp chật. Phòng đã tham mưu cho huyện đang bố trí giáo viên Toán - Tin đi dạy liên trường, bắt buộc phải đi trường khác".

Dù biết những khó khăn trước mắt, nhưng năm học 2022 - 2023, ngành GD&ĐT Thanh Hóa tiếp tục khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giữ vững tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Năm học mới đã bắt đầu. Bên cạnh những nỗi háo hức được gặp thầy cô, bạn bè, có mùi thơm chiếc áo mới, có niềm khát khao được cất tiếng ê a đọc bài là cả sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị với mong muốn “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” như sinh thời Bác Hồ đã căn dặn.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]