(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện công tác sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học, trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Quan Sơn đã xóa được 78 điểm trường lẻ. Đây được xem là sự thay đổi quan trọng để học sinh có môi trường học tập tốt hơn, chất lượng giáo dục cũng được nâng lên.

Xóa điểm trường lẻ xóa nỗi nhọc nhằn

Thực hiện công tác sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học, trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Quan Sơn đã xóa được 78 điểm trường lẻ. Đây được xem là sự thay đổi quan trọng để học sinh có môi trường học tập tốt hơn, chất lượng giáo dục cũng được nâng lên.

Xóa điểm trường lẻ xóa nỗi nhọc nhằnTừ điểm trường lẻ ở khu Hao - Hẹ ra điểm trường chính Trường Tiểu học Sơn Lư, học sinh được học tập với điều kiện tốt hơn.

Tránh những cơn dông, thoát cảnh lớp ghép...

Đến lúc này, cô giáo Hà Thị Tươi, giáo viên khu Hao - Hẹ, Trường Mầm non Sơn Lư (thị trấn Sơn Lư) vẫn chưa quên được cơn dông xảy ra ở học kỳ I năm học 2018 - 2019 tại khu Bon. Cô giáo Tươi nhớ lại: “Lúc đấy, cả cô và trò đều hoảng sợ và chạy ra khỏi lớp học vì gian bếp ở ngay sát lớp đã bị đổ sập. 16 năm đứng lớp, đấy là lần đầu tiên tôi chứng kiến một cảnh tượng như vậy. Sang học kỳ II, có 57 học sinh ở khu Bon chuyển lên học ở khu Hao - Hẹ mới. Công trình ở khu Hao - Hẹ với 4 phòng học, 4 nhóm lớp gồm 60 học sinh. Điều kiện đã thuận lợi hơn cô, trò yên tâm dạy và học”.

Ở Trường Mầm non Sơn Lư trước đây có 1 điểm trường chính và 4 điểm trường lẻ đó là khu Bon, khu Hao - Hẹ, khu Bìn và khu Sỏi. Thực hiện chủ trương sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, nhà trường đã được xóa 2 điểm lẻ ở khu Bon và khu Bìn. Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Thanh, cho biết: “Chúng tôi thực hiện xóa điểm trường lẻ, theo phương án dồn khu lẻ về khu lẻ vì nếu dồn từ khu lẻ về khu chính thì khoảng cách quá xa. 2 khu lẻ dồn lại cách nhau chỉ 1 km, thuận tiện cho phụ huynh đưa, đón con, đồng thời bỏ được lớp ghép, học sinh học đúng độ tuổi và được tổ chức ăn bán trú. Phụ huynh rất đồng thuận với chủ trương này”.

Còn ở Trường Tiểu học Sơn Hà (xã Sơn Hà), trước đây có 1 điểm trường chính và 2 điểm lẻ ở khu Xum và khu Lầu thì nay đã được xóa điểm lẻ ở khu Xum. Đối với học sinh lớp 4 và 5 ở khu Xum chuyển về điểm trường chính, còn học sinh lớp 1 - 2 và 3 về học tại khu Lầu. Trước đây, khu Xum được xem là khu đặc biệt vì theo như chia sẻ của thầy giáo Hà Ngọc Tú, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Hà: “Ở khu này đã duy trì lớp ghép gần 20 năm. Tách ra thì học sinh không đủ nên buộc phải ghép lại. Một lớp học 2 trình độ. Từ đầu năm học 2020-2021, nhà trường đã vận động học sinh lớp 1 ở khu Xum ra khu Lầu trước, sang học kỳ II là lớp 2 và 3. Riêng lớp 4 và 5 đã ra điểm trường chính từ năm học 2016 - 2017”.

Theo lời giới thiệu của thầy hiệu trưởng, chúng tôi đã gặp cô giáo Hà Thị Hoài, từng “cắm bản” ở khu Xum 12 năm. Cô giáo Hoài sinh năm 1987, người dân tộc Thái. Hiện cô là giáo viên chủ nhiệm lớp 2C ở khu Lầu. Lớp 2C có 21 học sinh, trong đó có 6 em từ khu Xum ra. Nhớ lại những năm tháng dạy học ở khu Xum, cô Hoài xúc động: “Thoát cảnh lớp ghép là niềm vui lớn cho cô và trò. Đó là khoảng thời gian thực sự khó khăn đối với chúng tôi. Một phòng học có 12 học sinh, nhưng có 6 học sinh lớp 1 và 6 lớp 2. Phòng học có 2 bảng, học sinh ngồi quay lưng lại với nhau. Ra khu Lầu, các em được gặp bạn bè nhiều hơn, phong trào học tập cũng tốt hơn"...

Còn đó bộn bề, trăn trở...

Xóa điểm trường lẻ với mục đích để cải thiện điều kiện học tập cho học sinh, tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục... Thực tế, từ những điểm trường chúng tôi dừng chân đã có những chuyển đổi tích cực rõ nét. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là xóa được điểm trường lẻ, lại đối diện với những khó khăn khác.

Ở Trường Tiểu học Sơn Lư (thị trấn Sơn Lư), sau khi xóa điểm lẻ khu Hao - Hẹ, đưa hơn 80 học sinh của 5 lớp lên điểm trường chính thì hiện ở trường này còn 1 khu lẻ là Sỏi - Bìn. Tại điểm trường chính hiện có 10 lớp, mỗi khối 2 lớp, đảm bảo 2 buổi học/ngày. Theo thầy giáo Phạm Anh Tuyến, Hiệu trưởng nhà trường: “Các em lên đây được tiếp cận đầy đủ hơn với phòng tin học, ngoại ngữ, phòng đọc, khu đa năng... Nhưng do điểm trường lẻ trước đây lên điểm trường chính bây giờ cách nhau 5 km nên phụ huynh nào có điều kiện thì thuê xe trung chuyển đưa đón con hoặc gửi con ở nhà người thân gần trường buổi trưa, chiều đón về. Dù vậy, có những gia đình không có điều kiện thì họ sẽ nấu cơm, bỏ cặp lồng để trưa con ăn, nghỉ luôn tại lớp”.

Còn ở Trường Tiểu học Sơn Hà (xã Sơn Hà), học sinh điểm lẻ ở khu Xum đã được dồn vào khu Lầu. Mặc dù khu Lầu đã được đầu tư, sửa chữa để đảm bảo cho việc dồn khu, dồn lớp thì hiện nay lại không đáp ứng được yêu cầu về diện tích khi mỗi phòng chỉ hơn 20m2/21 học sinh.

Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2020, trong 4 năm, Quan Sơn đã xóa được 78 điểm trường lẻ ở hai bậc mầm non và tiểu học, còn lại 54 điểm chưa xóa được. Cuộc hành trình này, bước đầu đã có những hiệu quả nhất định, là điều kiện để huyện tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, góp phần đưa tỷ lệ kiên cố hóa trường học đạt 60%, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đến nay đạt 58,5%, chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực. Chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, ông Chu Đình Trọng: Quan Sơn là huyện nghèo, địa hình khó khăn, ngoài sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh thì huyện đã có những chỉ đạo quyết liệt để thực hiện xóa điểm trường lẻ. Phấn khởi là bà con Nhân dân đã ý thức hơn trong chăm lo việc học cho con em mình. Tới đây, huyện tiếp tục lộ trình xóa điểm trường lẻ dù biết vẫn còn nhiều khó khăn”.

Đáng chú ý, trong hành trình xóa điểm trường lẻ ở Quan Sơn, có những trường 7 điểm lẻ thì đã xóa tới 6 điểm. Tuy nhiên, có trường phải chấp nhận việc không thể xóa điểm lẻ dù bà con rất mong muốn con em được về điểm trường chính học tập. Đó là khi điểm trường lẻ cách điểm trường chính hơn 10 km và phải đi qua nhiều con suối, có trường từ khu lẻ ra khu chính hơn 20 km. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Sơn, ông Lê Đình Xuân cho biết: “Đối với Quan Sơn, phần lớn điểm lẻ dồn về điểm trường chính, khó quá thì khu lẻ mới dồn lại với nhau. Vấn đề ở đây, nếu không dồn khu, dồn lớp thì không đủ giáo viên để dạy. Dồn được, học sinh sẽ có điều kiện công bằng hơn trong học tập. Tuy vậy vẫn còn một số như: chưa thể tổ chức được mô hình bán trú cho học sinh tiểu học, thiếu hơn 100 phòng học và vẫn còn thiếu gần 80 giáo viên. Có những nơi dồn xong thì phải làm thêm phòng tôn, phòng gỗ mới đủ chỗ cho học sinh ngồi. Đặc biệt, tới đây sẽ thay sách giáo khoa lớp 3, trong đó các môn Tin học, Ngoại ngữ là bắt buộc. Ở điểm trường chính đang khó khăn về phòng học, giáo viên, nói gì ở các điểm trường lẻ...

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]