(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được bảo tồn, tu bổ. Tuy nhiên, để các di tích phát huy hết giá trị, trường tồn với sự phát triển của quê hương, đất nước, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, quảng bá, tu bổ, tôn tạo di tích, nâng cao hiệu quả quản lý và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp đã có trong quy hoạch di tích.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Thời gian qua, được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được bảo tồn, tu bổ. Tuy nhiên, để các di tích phát huy hết giá trị, trường tồn với sự phát triển của quê hương, đất nước, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, quảng bá, tu bổ, tôn tạo di tích, nâng cao hiệu quả quản lý và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp đã có trong quy hoạch di tích.

Gìn giữ cho muôn đời sauKhu Di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu gắn với Lễ hội Đền Bà Triệu thu hút đông đảo Nhân dân, du khách thập phương. Ảnh: H. Nam

Quan tâm tu bổ, tôn tạo di tích

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 132 công trình/lượt di tích được các cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp di tích. Đã có 50/132 công trình, dự án đã được đầu tư, hỗ trợ kinh phí bảo quản, tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp di tích, với tổng kinh phí 396,94 tỷ đồng. Đối với các di tích quốc gia đặc biệt, tiêu biểu như Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều hội thảo khoa học ở Trung ương, địa phương về vương triều Hậu Lê, các hoàng đế, hoàng hậu, về di tích Lam Kinh; nhiều cuộc nghiên cứu, khai quật khảo cổ học tại khu trung tâm Lam Kinh đã được triển khai thực hiện, nhằm mục đích xác định quy mô kiến trúc công trình xưa, vật liệu xây dựng, trang trí mỹ thuật góp thêm tư liệu, lịch sử về triều đại Hậu Lê và phục vụ công tác bảo tồn, tu bổ, phục hồi tôn tạo. Từ đó đến nay, nhiều hạng mục di tích đã được nghiên cứu, bảo tồn nguyên trạng, chống xuống cấp, nhiều hạng mục di tích được phục dựng, phục hồi, tu bổ dần tái hiện lại phần nào diện mạo trước đây của Thánh điện Lam Kinh. Được biết, Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh có tổng diện tích quy hoạch là 200ha thuộc địa bàn 2 huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc. Ngày 15/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1239/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị bền vững di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025, theo đó: Khu di tích lịch sử Lam Kinh được Chính phủ quan tâm hỗ trợ đầu tư trong giai đoạn này.

Đối với Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được tỉnh, huyện Thọ Xuân quan tâm, hồ sơ tu sửa cấp thiết Di tích đền thờ Lê Hoàn đã được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất chủ trương và phương án tu bổ tại Công văn số 3597-CV/TU ngày 3/3/2023; được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) thẩm định tại Công văn số 1932/SVHTTDL ngày 25/3/2023. Hiện nay, chủ đầu tư (UBND huyện Thọ Xuân) đã thực hiện, hoàn thành việc đầu tư tu sửa cấp thiết di tích đảm bảo theo quy định. Ở thành phố biển Sầm Sơn, công tác quản lý, bảo vệ di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt được địa phương quan tâm. Ngày 25/10/2021, UBND TP Sầm Sơn có tờ trình về việc xin chấp thuận chủ trương tu sửa cấp thiết di tích lịch sử, văn hóa hạng mục mái ngói đền Độc Cước và đền Cô Tiên thuộc Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Sầm Sơn. Đến nay, dự án tu sửa cấp thiết hạng mục mái ngói của đền Độc Cước và đền Cô Tiên đã được thi công tu sửa cấp thiết và hoàn thành, góp phần phát huy giá trị di tích, thúc đẩy du lịch phát triển. UBND TP Sầm Sơn đã triển khai thực hiện rà soát, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch di tích trình cấp có thẩm quyền theo quy định, hoàn thành lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn.

Đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền, quản lý và quy hoạch di tích

Tại Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu (Hậu Lộc), những năm qua, để phát huy những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của khu di tích, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư bảo tồn, tôn tạo các hạng mục di tích, đưa vào khai thác, phát huy giá trị, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân tỉnh Thanh Hóa và du khách thập phương. Tỉnh Thanh Hóa xây dựng và hoàn chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng văn hóa lịch sử của quần thể di tích Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 4139/QĐ-UBND ngày 19/11/2010, trở thành điểm du lịch - văn hóa - tâm linh trong khu vực; nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ, tạo nguồn lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh. Năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 283/QĐ-UBND ngày 17/1/2022 về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác quản lý, khai thác, phát triển du lịch tại Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2030.

Ông Trương Hoài Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa tỉnh, cho biết: Thời gian qua, nhằm phát huy giá trị di tích, trung tâm phối hợp với Trường Đại học VH,TT&DL tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng thuyết minh viên nhằm nâng cao chuyên môn của đội ngũ thuyết minh viên, quảng bá, giới thiệu về giá trị lịch sử, văn hóa, hình ảnh Di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu và các di tích, danh thắng phụ cận tới du khách, bạn bè trong nước và nước ngoài; khai thác tiềm năng, thế mạnh của di sản để phát triển kinh tế du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá di tích, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ thông qua xây dựng phim phóng sự, phối hợp với các nhà trường tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan di tích; xây dựng tour, tuyến du lịch kết nối các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, trung tâm mong muốn và đề nghị các cấp, các ngành, tỉnh quan tâm công tác đầu tư, triển khai các nhiệm vụ còn lại đã được phê duyệt tại quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng văn hóa lịch sử của quần thể di tích Bà Triệu; bổ sung nguồn nhân lực cho ban quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phục vụ, phát huy giá trị di tích.

Trong số các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hang Con Moong và các di tích phụ cận nổi bật với đặc trưng là một trong số rất hiếm di chỉ khảo cổ học có địa tầng văn hóa dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam và cả Đông Nam Á, được coi là những di sản văn hóa với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu của quốc gia. Đồng thời, hiện nay Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận cũng là di tích đang đáp ứng nhiều tiêu chí di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, công tác quản lý di tích còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Theo ý kiến của địa phương, hang Con Moong là di tích quốc gia đặc biệt, di chỉ khảo cổ học có giá trị tiêu biểu, đòi hỏi phải có bộ máy quản lý có chuyên môn sâu về bảo tồn di sản, tuy nhiên hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho huyện Thạch Thành quản lý theo mô hình kiêm nhiệm, chưa có cơ chế con người và kinh phí cụ thể để tổ chức trực tiếp bảo vệ, trông coi di tích. Huyện đang giao cho Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tạm thời trông coi, quản lý. Hiện nay, tại di tích vẫn chưa có phòng trưng bày hiện vật và chưa có kho, trang thiết bị thiết yếu phục vụ bảo quản, trưng bày hiện vật sau các đợt khai quật và phục vụ khách tham quan. Đây chính là những khó khăn ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.

Huyện Thạch Thành đề xuất các cấp, các ngành cần thực hiện quản lý theo phân vùng quy hoạch và theo quy hoạch được phê duyệt tại Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ học hang Con Moong và các di tích phụ cận. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhóm dự án thành phần trên cơ sở quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt. Đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và cơ chế quản lý di tích. Việc giao cho cấp huyện quản lý di tích quốc gia đặc biệt hiện nay không đảm bảo về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ quản lý di tích nói chung và công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thực hiện công tác quản lý di tích.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, tôn tạo di tích để góp phần thể hiện được bản sắc của dân tộc, trong những năm qua, Sở VH,TT&DL đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh nhiều cơ chế, chính sách nhằm quản lý và phát huy giá trị di tích. Trong đó, đã tham mưu nhiều văn bản và được cấp có thẩm quyền phê duyệt như: Kết luận số 82-KL/TU ngày 30/5/2017 của Thường trực Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2025; Kế hoạch số 2021/KH-UBND ngày 22/8/2021 về việc bảo quản, tu bổ, phục hồi chống xuống cấp các di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025; phối hợp với các địa phương triển khai nhiều nội dung nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Để việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới được tốt hơn, Sở VH,TT&DL đang tiếp tục nghiên cứu một số giải pháp như: Tăng cường mở thêm các lớp tập huấn về quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; tham mưu quy định phân cấp, phân quyền trong quản lý di sản văn hóa; tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc quản lý, phát huy giá trị và trùng tu tôn tạo di tích. Tiếp tục đề nghị HĐND tỉnh tăng nguồn vốn đầu tư công, chương trình mục tiêu địa phương để phục vụ các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp cho các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh kêu gọi công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư ở địa phương; vận động doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hỗ trợ tài chính để thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích...

Bùi Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]