(vhds.baothanhhoa.vn) - Trò chơi dân gian có ý nghĩa đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng các dân tộc huyện Như Xuân. Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, Nhân dân các dân tộc trong huyện luôn có ý thức xây dựng đời sống văn hóa, lưu giữ và phát huy nhiều trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Gìn giữ nét truyền thống qua các trò chơi dân gian

Trò chơi dân gian có ý nghĩa đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng các dân tộc huyện Như Xuân. Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, Nhân dân các dân tộc trong huyện luôn có ý thức xây dựng đời sống văn hóa, lưu giữ và phát huy nhiều trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Gìn giữ nét truyền thống qua các trò chơi dân gian

Đồng bào dân tộc Thổ huyện Như Xuân thi đẩy gậy tại lễ hội Đình Thi.

Để việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian, huyện đã bám sát các nghị quyết, chỉ thị về lĩnh vực văn hóa để xây dựng kế hoạch bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là bảo tồn, phát huy các giá trị của trò chơi dân gian trong đời sống đồng bào dân tộc; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi, trò diễn không chỉ trong dịp lễ, tết, ngày hội mà còn ở các buổi sinh hoạt văn hóa ở các xã, thôn, bản, cơ quan, trường học. Đồng thời, lồng ghép nội dung bảo tồn giá trị văn hóa vào thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với phát triển du lịch và XDNTM.

Với 4 dân tộc Kinh, Thái, Thổ, Mường cùng sinh sống, những sắc thái riêng về văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi dân tộc đã làm nên nét đặc sắc trong văn hóa của huyện. Từ đặc trưng đó, huyện Như Xuân khuyến khích các địa phương khai thác và duy trì các trò diễn, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao truyền thống trong các lễ hội đầu xuân, ngày hội văn hóa - thể thao, sự kiện văn hóa cộng đồng.

Tiêu biểu như lễ hội Đình Thi; lễ hội dâng trâu tế trời đền Chín Gian; lễ cúng cơm mới; hát đốm, hát ru, hát chậm đò ho của đồng bào dân tộc Thổ; khua luống, nhảy sạp, tung còn của đồng bào dân tộc Thái; hát xường, hát giao duyên của đồng bào dân tộc Mường. Tại đây bên cạnh phần nghi lễ truyền thống còn hội tụ nhiều trò chơi, trò diễn dân gian mang đậm sắc thái văn hóa của đồng bào các dân tộc, như: hát đốm, hát ru, hát chậm đò ho, múa bắt nhái, múa dựng nhà, đánh trống tăng... Mỗi trò chơi tuy có ý nghĩa, cách chơi khác nhau, nhưng tựu trung đều xuất phát từ cuộc sống lao động sản xuất hằng ngày của đồng bào, phục vụ mục đích vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, tăng cường đoàn kết cộng đồng.

Việc duy trì tổ chức trong lễ hội định kỳ góp phần động viên người dân rèn luyện thể chất, sức mạnh, sự dẻo dai, khôn khéo, ý chí vươn lên giành chiến thắng của con người. Thông qua các trò chơi dân gian còn nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ.

Chị Sầm Thị Bích, thôn Thanh Tân, xã Thanh Quân, chia sẻ: “Là người con dân tộc Thái, mặc dù sống trong xã hội hiện đại nhưng em vẫn muốn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là các trò chơi dân gian. Các bạn trẻ tại địa phương em cũng rất yêu bản sắc văn hóa dân tộc. Bạn nào cũng nhiệt tình, hứng thú tham gia các trò chơi dân gian mỗi khi tổ chức”.

Để bảo tồn, phát huy giá trị các trò chơi dân gian, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân Lê Anh Tuấn cho biết: “Những năm gần đây, các cấp, ngành của huyện Như Xuân quan tâm đưa các trò chơi dân gian quay trở lại, gần gũi hơn với mỗi người. Huyện xác định người dân đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội, di tích, trò chơi trò diễn. Do đó, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của các giá trị văn hóa truyền thống; trách nhiệm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cá nhân. Đồng thời, huyện chú trọng triển khai công tác tập huấn, truyền dạy và thực hành văn hóa truyền thống cho người dân các dân tộc. Qua đó khơi dậy niềm đam mê với văn hóa và nâng cao trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người dân”.

Huyện Như Xuân đang thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025”. Theo đó, việc bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể sẽ gắn với phát triển du lịch, nhằm giữ gìn văn hóa truyền thống, phong tục địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng và vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên các phương tiện thông tin, truyền thông. Ngoài ra các địa phương căn cứ vào thế mạnh từng vùng, từng dân tộc để xây dựng hình thức tổ chức các trò chơi dân gian phù hợp; sưu tầm và khôi phục một số trò chơi dân gian để làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa của địa phương.

Bài và ảnh: Anh Tuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]