(vhds.baothanhhoa.vn) - Tết sum vầy, xuân ước vọng, năm mới - bắt đầu một “nhịp” mới của thời gian, con người cùng vạn vật hòa vào niềm hân hoan của sự khởi đầu, mang theo nhiều hy vọng tốt đẹp. Trong “bức tranh” xuân nhiều màu sắc ấy, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đang được trao truyền, tiếp nối và cả nỗ lực khôi phục...

Giữ gìn nét đẹp ngày xuân

Tết sum vầy, xuân ước vọng, năm mới - bắt đầu một “nhịp” mới của thời gian, con người cùng vạn vật hòa vào niềm hân hoan của sự khởi đầu, mang theo nhiều hy vọng tốt đẹp. Trong “bức tranh” xuân nhiều màu sắc ấy, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đang được trao truyền, tiếp nối và cả nỗ lực khôi phục...

Giữ gìn nét đẹp ngày xuânNhững trò chơi dân gian ngày đầu xuân đang được nhiều địa phương giữ gìn, khôi phục.

Trong những ngày tết đến, xuân về đong đầy ý nghĩa, có phải không ít người trong chúng ta vẫn thường tự hỏi, Tết Nguyên đán là gì và người xưa đón tết, vui tết ra sao?! Lần giở những trang viết về Tết Nguyên đán của học giả Nguyễn Văn Huyên trong sách Hội hè lễ tết của người Việt, tôi tin rằng nhiều người sẽ không khỏi ấn tượng về những “cảm thức” tết được khẳng định - gọi tên một cách dung dị: “... ở xứ sở mà cuộc sống theo nhịp nối tiếp nhau của các mùa, tết là một ngày thiêng liêng trong tất cả. Con người, vào những ngày bình thường, hoàn toàn thuộc về gia đình và công việc của mình. Anh ta rất ngờ vực kẻ lạ. Chỉ trong những ngày chuyển sang năm mới này thì một sự cảm thông trịnh trọng mới diễn ra... Các gia đình, thông thường khép mình lại và bị giam hãm trong nỗi lo âu của đời sống hàng ngày ít nhiều ích kỷ, thì chìa rộng bàn tay cho nhau. Mọi người chúc nhau sức khỏe và hạnh phúc... Và dường như ai cũng thấy ở sự thịnh vượng của láng giềng vẻ thanh bình và yên ổn của tất cả mọi người... Trạng thái hưng phấn này, trong khi làm trẻ lại sự hiệp đồng xã hội, là phần mở đầu của những lễ hội mùa xuân sắp mở khắp nước”.

Tương tự, Phan Kế Bính - một nhà nho sống vào nửa cuối thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20 có tư tưởng duy tân, am hiểu sâu sắc văn hóa truyền thống đã để lại cho hậu thế thêm những thông tin quý giá về mỹ tục ngày tết đến, xuân về của ông cha xưa: “Đến ngày mùng hai tết trở đi, người thì chọn ngày xuất hành, người thì hái cành hoa về cài vào cửa, gọi là đi hái lộc. Người làm quan thì chọn ngày khai ấn, học trò thì chọn ngày khai bút, nhà buôn bán thì chọn ngày mở cửa hàng, nhà quê thì chọn ngày làm lễ động thổ. Trăm công nghìn việc lại bắt đầu từ đó... già trẻ, trai gái, kẻ chợ, nhà quê, quần điều áo thâm, kẻ thì lễ bái chùa này miếu nọ, người thì du ngoạn cảnh nọ, cảnh kia, chỗ thì hoa thủy tiên, chỗ thì hoa đăng, chỗ thì hội hè hát xướng... gọi là cách thưởng xuân”.

Giữ gìn nét đẹp ngày xuânTái dựng lễ thượng nêu ngày tết tại Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Có dịp ngồi lại, lắng lòng mình, ta thèm cảm giác được “đón” một tết nay với “hương vị tết xưa”, chầm chậm, đơn giản mà ấm cúng. Và trong những ngày Tết Giáp Thìn, ghé thăm làng cổ Đông Sơn giữa lòng TP Thanh Hóa, khám phá “Tết xưa làng cổ” với những trò chơi, trò diễn dân gian như bịt mắt đập nồi; đi cà kheo; cờ tướng; cờ người; cho chữ ngày xuân; hay phiên chợ quê ngày tết được tái hiện... cùng thưởng thức những món ăn truyền thống quen thuộc trong không gian làng quê Việt tươi đẹp, chắc chắn sẽ mang đến cho người dân, du khách tham quan xúc cảm “tết xưa” vui tươi, ý nghĩa.

Hay mùa xuân này, đến với Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, không chỉ tham quan tòa thành đá, du khách còn được trải nghiệm chuỗi các hoạt động vui tết, đón xuân nhiều ý nghĩa. Bắt đầu từ ngày 22 tháng Chạp, tái dựng lễ Thượng nêu ngày tết cổ truyền; tổ chức chương trình rung chuông vàng chủ đề “Âm vang cố đô” để các bạn trẻ vui chơi và có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống của dân tộc. Du khách cùng hòa mình vào không gian trưng bày “Đất và người Tây Đô” và một không gian “Tết xưa di sản” cũng được tái hiện nhiều màu sắc. Và trình diễn văn hóa - nghệ thuật vùng Tây Đô chủ đề “Sắc xuân thành cổ” hấp dẫn... Các hoạt động vui tết, đón xuân tại Di sản Thành Nhà Hồ diễn ra tiếp nối và kéo dài đến ngày 15 tháng Giêng.

Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, cho biết: “Thành Nhà Hồ trên đất cổ Tây Đô xưa là di sản văn hóa chứa đựng nhiều giá trị, điểm đến tham quan hấp dẫn cho du khách cả trong và ngoài tỉnh. Việc tổ chức các hoạt động tại di sản trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn mong muốn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm, xúc cảm hơn khi về với vùng đất từng là kinh đô của một triều đại nhiều khát vọng. Việc tái dựng lễ Thượng nêu nói riêng, các hoạt động tái hiện, trưng bày nói chung nhằm bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong vẻ đẹp chung của văn hóa Việt, với việc tham vấn ý kiến của các nhà nghiên cứu và người dân địa phương, chúng tôi cố gắng làm nổi bật nét riêng của đất và người Tây Đô”.

Giữ gìn nét đẹp ngày xuânVăn hóa là sự sáng tạo, trao truyền, kế thừa và tiếp nối.

Dựng cây nêu, du xuân, đi lễ, các trò chơi, trò diễn dân gian... là mỹ tục văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong những ngày tết đến, xuân về. Tuy nhiên thực tế, trải qua thời gian với nhiều nguyên do, những mỹ tục tốt đẹp, đâu đó có thể bị mai một, phai mờ. Dẫu vậy, văn hóa được kết tinh từ những sáng tạo, vun đắp không ngừng của lớp lớp thế hệ ông cha, gửi gắm những quan niệm, ý nghĩa tốt lành và sức sống của văn hóa truyền thống dẫu âm thầm mà vẫn luôn bền bỉ.

Về việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ngày xuân, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải, chia sẻ quan điểm: “Văn hóa là sự sáng tạo - trao truyền, kế thừa - tiếp nối. Và đi qua thời gian, việc văn hóa “tiếp biến” để phù hợp với đời sống hiện đại cũng là quy luật. Tuy nhiên, tiếp biến chứ không phải đánh mất, còn với những giá trị văn hóa tốt đẹp nhưng chẳng may vì nhiều nguyên do mà mai một thì vấn đề khôi phục là cần thiết". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nói: “Tôi nhớ trước đây có một vị tiền bối nói là văn hóa nói lên bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Thực tế lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam vẫn luôn minh định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]