Tết về dựng cây nêu
Nếu mùa xuân đẹp tựa bức tranh, thì có lẽ những mỹ tục trong ngày tết đến, xuân về rực rỡ như sắc thắm đào, mai trong bức tranh ấy. Đi qua thời gian với những thăng - trầm, thay đổi của đời sống, những mỹ tục tốt đẹp như “ngọn lửa hồng”, bền bỉ và âm thầm “sống đời” qua bao thế hệ. Để rồi tết đến, xuân về, trong hân hoan niềm vui đón mừng năm mới với nhiều ước vọng, những mỹ tục tốt đẹp đã làm cho ngày tết của người Việt thêm ý nghĩa.
Dựng cây nêu ngày tết là mỹ tục văn hóa lâu đời của người Việt.
Qua “dặm dài” phát triển của lịch sử dân tộc, với sự sáng tạo và cả gửi gắm thật nhiều triết lý nhân sinh tốt đẹp, cha ông xưa đã “dệt” nên những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Trong đó, mỹ tục dựng cây nêu ngày tết mang nhiều ý nghĩa.
Chuyện kể cây nêu
Là người Việt, trong ký ức thuở ấu thơ của mình, tôi vẫn nhớ chuyện kể về sự tích cây nêu ngày tết. Rằng xa xưa lắm rồi, khi con người và loài quỷ còn sống cùng nhau. Loài quỷ dữ gian ác ức hiếp người quá đáng, bởi vậy người dù lam lũ quanh năm cũng chẳng thể đủ ăn. Loài quỷ chiếm hết đất đai, người phải đi làm thuê cho quỷ. Người trồng lúa, quỷ gian tham đòi lấy hết ngọn (bông lúa) cho con người lấy gốc. Phật thương tình nên trong vụ mùa sau đã chỉ cách cho người trồng khoai, đến khi thu hoạch, người lấy củ, để lá và ngọn cho quỷ. Loài quỷ tức giận, liền đòi lấy cả gốc lẫn ngọn. Phật lại chỉ cho người trồng ngô. Bắp ngô ra ở giữa thân cây, đến mùa thu hoạch, người ung dung bẻ bắp về nhà, để ngọn và gốc cho quỷ. Cuộc sống của người vì thể mà không còn đói khổ.
Không còn bắt nạt được người nữa, loài quỷ gian tham tức tối bèn đòi lại đất. Không bỏ mặc, Phật lại chỉ người đến gặp quỷ, mua một miếng đất nhỏ bằng chiếc áo cà sa và giao ước bóng áo cà sa đến đâu, đất của người ở đó. Trên khoảnh đất nhỏ, Phật chỉ người trồng một cây tre, trên ngọn tre có treo chiếc áo cà sa. Cây tre cao vút, bóng áo cà sa phủ rộng che khắp mặt đất, đẩy loài quỷ ra ngoài xa. Loài quỷ tức tối liền bội ước, kéo vào xâm chiếm đất của người. Với sự giúp sức của Phật, loại quỷ hung dữ liên tục bị đánh bại.
Biết không thể chiến thắng, loài quỷ liền khóc xin với Phật cho chúng mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán được về đất liền thăm mộ phần tổ tiên. Phật đồng ý và không quên dạy con người mỗi năm vào dịp tết đến, xuân về, trước nhà dựng cây nêu để ngăn không cho loài quỷ quấy phá. Và tục dựng cây nêu có từ thuở đó.
Tục dựng cây nêu ngày tết đã ăn sâu vào trong đời sống văn hóa của người Việt. Trong tất bật, bộn bề công việc ngày cuối năm, người Việt vẫn không quên truyền thống tổ tiên, dựng cây nêu vào ngày tết. Ở mỗi giai đoạn, cây nêu ngày tết lại được “trang trí” với nhiều vật đi kèm khác nhau.
Về mỹ tục dựng cây nêu dịp tết về của người Việt, gần 100 năm về trước, học giả Nguyễn Văn Huyên đã miêu tả chi tiết: “Đấy là một cây tre dài năm sáu mét, được tước hết các cành, nhưng để lại ở ngọn những cụm lá hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh. Gần đỉnh treo một cái vòng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai. Ở đỉnh còn treo một cái đèn thắp ban đêm” (sách Hội hè lễ tết của người Việt, tác giả Nguyễn Văn Huyên).
Và học giả Nguyễn Văn Huyên lý giải về ý nghĩa: “Cây nêu được làm như vậy để chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn tết trong gia đình những người đang sống. Bằng ánh sáng và bằng gai của các cành cây mà nó mang, bằng âm thanh mà các vật đất sét phát ra lúc gió thổi, cây nêu làm sợ hãi ma quỷ, chúng tưởng mình đang đứng trước nhà một vị thần hay một đức Phật. Để chống lại những hồn lang thang đáng sợ đó, người ta còn buộc vào cây nêu một tấm phên nhỏ gồm bốn nan dọc đan vào năm nan ngang, là thứ bùa nổi tiếng của các thầy phù thủy”.
Thậm chí, ngày đầu năm, người xưa còn quan sát cây nêu để đoán định thời tiết, mùa màng. “Mọi người còn xem túm lá trên đỉnh cây nêu quay về đâu. Nếu túm lá lay động lúc có gió bắc, thì vụ gặt sẽ trung bình; vụ gặt sẽ rất tốt nếu túm lá quay về phía Tây Bắc. Trời sẽ hạn hán lớn nếu gió thổi nó về hướng Nam; sẽ có nạn binh đao nếu túm lá ngả về hướng Bắc; sẽ có những cơn mưa tốt lành khi túm lá hướng về phía Đông” (sách Hội hè lễ tết của người Việt, tác giả Nguyễn Văn Huyên).
Xuân về bản mường xem dựng cây nêu
Đất Mường Đòn (nay là làng Vân Đội, xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành) là vùng đất cổ với đại đa số đồng bào dân tộc Mường. Tại đây, mỗi dịp tết đến, xuân về, người dân vẫn duy trì mỹ tục dựng cây nêu. Trước mỗi gia đình, cây nêu được trang trí rực rỡ sắc màu, đung đưa trong gió xuân.
Ông Trương Văn Long, trưởng làng Vân Đội chia sẻ: “Mỗi năm, cứ sau 23 tháng Chạp, làng sẽ tổ chức họp Mường (họp làng) bàn việc triển khai các hoạt động trong ngày tết đến, xuân về, trong đó có việc dựng cây nêu. Các gia đình sẽ lên núi đi tìm cây (tre, nứa, luồng) thẳng, đẹp mang về. Cành lá phía dưới được chặt đi, để lại phần ngọn. Trên mỗi cây nêu, người dân sẽ trang trí các hoa văn, rồi vòng tròn... thật nhiều màu sắc... Việc dựng cây nêu chậm nhất phải hoàn thành vào chiều 30 tết. Có một điều đặc biệt, trước khi dựng hay trước khi hạ cây nêu, người dân sẽ không quên làm lễ “báo cáo” thần linh, gia tiên”.
Và ở Mường Đòn, cây nêu hiện hữu trong suốt những ngày tết, kéo dài cho đến khi kết thúc lễ hội truyền thống Mường Đòn (lễ hội Mường Đòn diễn ra từ ngày 17 đến 19 tháng Giêng).
Cũng trong những ngày đầu xuân, nếu về với các làng Mường trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, du khách cũng sẽ “bắt gặp” hình ảnh cây nêu được dựng lên. Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Tắng, người “giữ lửa” văn hóa Mường trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, tâm tình: “Trong quan niệm của người Mường, cây nêu là “chỉ dấu” giữ đất trước các loài quỷ độc ác. Người Mường tin rằng, khi cây nêu được dựng lên sẽ giúp xua đuổi các loại ma quỷ và khí độc. Nhưng cũng chính cây nêu lại là “chỉ dấu” để ông bà, tổ tiên nhà mình “biết đường” về nhà ăn tết cùng con cháu. Khi cây nêu ngày tết được dựng lên, người Mường sẽ “không quên” những lời ca hát mừng: Hỡi trai mường trên/ Hỡi gái mường dưới/ Về đây múa hát/ Mừng cây nêu ngày tết của làng...”.
Gắn bó nhiều năm với công tác văn hóa, ông Bùi Hồng Nhi, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Lặc, chia sẻ: “Từ xa xưa cho đến ngày nay, mỹ tục dựng cây nêu ngày tết là nghi thức văn hóa cổ truyền và cây nêu ngày tết đã trở thành “biểu tượng” không thể thiếu của mỗi nhà, mỗi bản làng dịp tết đến, xuân về. Cây nêu ngày tết không chỉ mang những giá trị văn hóa độc đáo mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa - gắn liền với tín ngưỡng văn hóa dân gian của người Mường. Chính vì thế, mỹ tục dựng cây nêu ngày tết luôn được người Mường giữ gìn, đời nối đời tiếp nối”.
Tết đã đến, xuân đã về. Trong rộn ràng không khí ngày đầu năm, ngước nhìn cây nêu đung đưa trong gió xuân căng tràn, ta lại thấy dâng trào niềm tự hào về di sản văn hóa ông cha. Từ quá khứ - hiện tại - tương lai, vẫn như mạch nguồn... chảy mãi.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-02-15 11:05:00
Khai hội Chùa Mèo
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 15/2/2024
Hôm nay (15/2 - mùng 6 tháng Giêng) khai hội chùa Hương
Hoà mình vào Lễ hội Nàng Han xã Vạn Xuân
Thị xã Nghi Sơn: Sôi nổi trò chơi, trò diễn dân gian nấu cơm thi
Một số nghi lễ trong dịp Tết cổ truyền
Vì sao điệu múa rồng dân gian thường gắn bó với các võ đường?
“Bay”cùng ước mơ
Những ngày cuối năm…
Nguồn cảm xúc bất tận trong ca khúc “Quê Thanh miền đất tình người”