Giữ vững thương hiệu sản phẩm ở thị trường nội địa
Cùng với định hướng các hoạt động xuất khẩu tiếp tục đi vào chiều sâu, với những sản phẩm giá trị gia tăng cao chinh phục các thị trường khó tính; hoạt động kết nối, mở rộng thị trường nội địa đang được cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đẩy mạnh. Thông qua hoạt động này, nhằm khai thác thị trường trong nước có dư địa lớn; đồng thời từ đây, tiếp tục kết nối, hợp tác các đơn hàng lớn, sức cạnh tranh cao hơn khi tham gia xuất khẩu.
Sản phẩm của Công ty CP Mía đường Lam Sơn được trưng bày và tiêu thụ tại Chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và ẩm thực xứ Thanh năm 2024.
Công ty TNHH VAUDE Việt Nam (đóng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn) là DN có 100% vốn đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức. DN này chuyên sản xuất các sản phẩm thể thao, dụng cụ phục vụ leo núi, trượt tuyết và balo, túi xách... Tuy nhiên năm nay, Công ty TNHH VAUDE Việt Nam “bất ngờ” xuất hiện tại khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa và 19 tỉnh, thành phố phía Bắc. Bà Vũ Thị Vĩ, tổng giám đốc công ty, chia sẻ: "Trước đây, DN chúng tôi hoàn toàn phục vụ thị trường xuất khẩu như Mỹ và các nước phát triển của châu Âu. Từ năm nay, chúng tôi lưu ý thêm cả thị trường nội địa với nhiều dự định mới nên đã tham gia sự kiện này. Chúng tôi cho rằng, đây là cơ hội bước đầu để chúng tôi đánh giá, nhìn nhận lại thị trường; đồng thời gặp gỡ đối tác để trao đổi, gợi mở một số đơn hàng ở thị trường nội địa. Hướng đi này sẽ giúp chúng tôi không phụ thuộc quá vào đối tác nước ngoài trong bối cảnh biến động nhiều như hiện nay”.
Là DN đã chinh phục thành công hàng chục thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Kazakhstan, Mỹ, Đức, Hà Lan; tuy nhiên Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) xuất hiện đều đặn tại các hội chợ, chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm do các bộ, ngành và tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Tại Chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và ẩm thực xứ Thanh năm 2024, Lasuco trưng bày hầu hết các sản phẩm tinh túy, sản phẩm dinh dưỡng xanh mang thương hiệu Lavina food, như: sữa gạo lứt giàu protein - Ojita, sữa gạo lứt đậu đỏ - Ojita, nước dinh dưỡng tế bào mía Mitaji, nước mía tươi MiATA vị tắc... Theo đại diện DN, ngoài xuất khẩu thì thị trường nội địa được DN đánh giá còn rất nhiều dư địa khai thác trong thời gian tới. Bởi hiện nay, tuy là đất nước xuất khẩu gạo với sản lượng lớn, nhưng người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng rất nhiều dòng sản phẩm sữa gạo nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Việc giới thiệu để các nhà phân phối, người tiêu dùng trực tiếp trải nghiệm sản phẩm sẽ mở ra nhiều cơ hội chinh phục thị trường nội địa rất rộng mở trong tương lai, với giá cả cạnh tranh hơn”.
Thanh Hóa hiện có 19 sản phẩm công nghiệp chủ yếu. Ngoài ra, còn có hàng trăm sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu hiện nay, việc DN chuyển hướng hợp tác, phát triển thêm thị trường nội địa được khẳng định là hướng đi bền vững. Hỗ trợ cho các DN, tỉnh Thanh Hóa cũng đã tập trung triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động như tổ chức hội chợ, gian hàng trưng bày sản phẩm; tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu; xuất nhập khẩu hàng hóa...
Các sở, ngành, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh cũng hỗ trợ các DN tham gia nhiều chương trình kết nối quy mô toàn quốc như: Hội chợ công thương khu vực Tây Bắc - Điện Biên năm 2024; Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024; Hội chợ thương mại quốc tế lần thứ 32 - VIETNAM EXPO; Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng; Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đã hỗ trợ cho các DN tham gia 18 hội chợ triển lãm, phiên chợ do các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức để kết nối tiêu thụ, quảng bá nông sản thực phẩm của Thanh Hóa đến các tỉnh, thành.
Cũng trong năm 2024, Hiệp hội DN tỉnh đã tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại tại TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh. Tại chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại được tổ chức tại TP Cần Thơ vừa qua, những sản phẩm tiêu biểu của các DN tỉnh Thanh Hóa được trưng bày và giới thiệu tại chương trình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo DN và người dân.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, chia sẻ: “Với kỳ vọng lớn về mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, DN Thanh Hóa đã, đang và sẽ cố gắng kết nối giao thương, tìm cơ hội hợp tác thương mại phù hợp với ngành hàng. Ngoài kết nối trực tiếp, chúng tôi tiếp tục mở các lớp đào tạo, tập huấn, đặc biệt là kiến thức bán hàng trên nền tảng công nghệ số, sàn thương mại điện tử để mở rộng kênh tiêu thụ. Cùng với xuất khẩu, chúng tôi mong muốn mang những sản phẩm tốt, chất lượng của Thanh Hóa phủ trên thị trường nội địa theo đúng định hướng của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng DN đề xuất cần tiếp tục quan tâm, có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ cho các DN; đặc biệt là DN sản xuất các sản phẩm đặc trưng của tỉnh”.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
- 2024-09-24 08:56:00
Góp phần nâng cao vị thế cho thương hiệu Việt
- 2024-09-10 07:00:00
[REVIEW OCOP] Mật ong Thành Kim: Ngọt ngào từ rừng núi Thạch Thành
- 2024-08-28 09:43:00
Vĩnh Lộc: Xây dựng thương hiệu cho làng nghề truyền thống
Người đưa lúa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của Mường Lát
Định vị thương hiệu từ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu
Thêm lựa chọn cho du khách khi đến Hoằng Hóa
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dưa vàng
Hội thảo: “An ninh – an toàn thực phẩm hướng đến du lịch xanh bền vững, chuyển hướng từ nhận thức đến hành động”
Xây dựng giá trị thương hiệu sản phẩm để nâng cao vị thế trên thị trường
Doanh nhân xứ Thanh trong dòng chảy hội nhập: Nâng tầm sản vật truyền thống của cha ông
Xây dựng thương hiệu để gạo nếp xứ Thanh vươn xa