Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn
Việc tích cực triển khai các giải pháp thực hiện Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa) đã giúp hàng chục nghìn hộ dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh được vay vốn để xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch và công trình nhà vệ sinh. Từ đó, góp phần giúp các địa phương hoàn thiện tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường trong XDNTM.
Người dân tìm hiểu thủ tục vay vốn tín dụng chính sách tại Điểm giao dịch xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa).
Đối tượng vay vốn theo Chương trình NS&VSMTNT không chỉ là hộ nghèo, gia đình chính sách mà tất cả các hộ dân khu vực nông thôn nếu có nhu cầu vay vốn đều đủ điều kiện vay. Năm 2022, gia đình chị Vũ Thị Dung ở thôn Thanh Bình, xã Thúy Sơn (Ngọc Lặc) được Tổ Vay vốn của Hội LHPN xã nhận ủy thác với NHCSXH Ngọc Lặc để vay 20 triệu đồng đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống nước sạch và vệ sinh. Chị Dung cho biết: “Trước đây, nguồn nước dùng sinh hoạt của gia đình tôi là nước chảy tự nhiên từ trên núi xuống, trước khi dùng đều phải xử lý bằng hệ thống bể lọc. Tuy nhiên, do nguồn nước không bảo đảm, bị ô nhiễm nên đồ dùng và hệ thống bể lọc rất nhanh hỏng. Nhờ vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, gia đình tôi có nước sạch, công trình vệ sinh khép kín, mọi sinh hoạt của gia đình tiện lợi hơn nhiều”.
Quá trình triển khai cho vay Chương trình NS&VSMTNT, NHCSXH Thanh Hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương cùng các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hộ vay làm thủ tục hồ sơ, điều kiện vay vốn, đối tượng thụ hưởng, mức cho vay, thời hạn, lãi suất cho vay; bảo đảm 100% đối tượng khi có nhu cầu, đủ điều kiện sẽ được giải quyết vốn vay theo quy định. Bà Phạm Thị Ngân, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Thanh Bình, xã Thúy Sơn, cho biết: Tính đến cuối tháng 11/2023, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn đang có 56 hội viên vay vốn các chương trình tín dụng chính sách với dư nợ gần 3,5 tỷ đồng, trong đó có gần 40 hội viên đang vay vốn theo Chương trình NS&VSMTNT với số tiền gần 800 triệu đồng. Hồ sơ vay vốn của các hộ dân được xét duyệt đúng quy định. Đến nay, các hộ vay vốn trả nợ đúng hạn, không phát sinh nợ xấu. Việc tiếp cận nguồn vốn vay từ chương trình đã làm thay đổi thói quen, cải thiện cuộc sống của hội viên.
Được triển khai từ năm 2006, sau hơn 17 năm thực hiện chương trình cho vay NS&VSMTNT, tính đến cuối tháng 11/2023, dư nợ chương trình đạt gần 2.070 tỷ đồng với hơn 111.800 hộ còn dư nợ. Chương trình đã giúp các hộ gia đình khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh xây dựng hơn 82.500 công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Các hộ được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, khu vệ sinh được cải tạo, nước sạch đến tận nhà, chất lượng sinh hoạt được nâng lên, sức khỏe bảo đảm. Các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường là tiêu chí quan trọng để địa phương hoàn thành công tác XDNTM. Tuy nhiên, nhiều hộ dân cho rằng, với mức vốn vay của mỗi hộ là 20 triệu đồng như hiện nay là mức thấp, chưa phù hợp với chi phí, giá cả vật tư thời điểm này. Bên cạnh đó, với việc nhiều xã đã được nâng cấp thành thị trấn nên người dân ở các khu vực này không thuộc đối tượng được thụ hưởng. Tuy vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều hộ dân sinh sống tại các thị trấn vẫn có nhu cầu vay vốn để xây dựng công trình vệ sinh môi trường cũng như công trình nước sạch. Do vậy, để tiếp tục phát huy tác dụng, hiệu quả của chương trình NS&VSMTNT, Nhà nước cần nâng cao hơn nữa mức cho vay đối với mỗi công trình cũng như mở rộng đối tượng được thụ hưởng trên các địa bàn.
Để nhiều người dân được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, NHCSXH Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp, quán triệt đến phòng giao dịch NHCSXH các địa phương làm tốt công tác quản lý vốn vay, giải ngân, kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay đúng mục đích. Đồng thời, nâng cao chất lượng các tổ tiết kiệm và vay vốn tại xã và điểm giao dịch gắn với trách nhiệm thu nợ, thu lãi đúng kỳ hạn để nguồn vốn được tiếp tục xoay vòng, tạo cơ hội cho nhiều hộ dân được tiếp cận vốn chính sách.
Nguồn vốn cho vay của Chương trình NS&VSMTNT đã tác động trực tiếp, thiết thực đến đời sống người dân khu vực nông thôn, nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Qua đó, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống và nhận thức của người dân, từ bỏ một số tập quán sinh hoạt lạc hậu, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn văn minh, hiện đại.
Bài và ảnh: Khánh Phương
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2023-12-04 09:44:00
Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm lợi thế
Thực tập phương án chữa cháy và CNCH tại các khu chung cư Đông Phát và Mai Xuân Dương
Thạch Thành nỗ lực mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế
Trao tặng công trình nước sạch cho trường học huyện Quan Hóa và Mường Lát
Gian nan cô đỡ thôn, bản
Thanh Hóa: Nỗ lực thực hiện Chương trình OCOP 2023
CLB lý luận trẻ - nơi nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng
Cây sắn ở vùng biên Mường Lát
Công ty TNHH Chế biến nông - lâm sản xuất khẩu Như Xuân vào vụ chế biến
Câu lạc bộ trong nhà trường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện