(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn 80 năm cầm bút, hai lần đoạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư hiện đang là cái tên được tìm kiếm nhiều nhất về những “cây đại thụ” ngoại bách niên. Năm nay ông 104 tuổi.

Gừng càng già càng cay

Hơn 80 năm cầm bút, hai lần đoạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư hiện đang là cái tên được tìm kiếm nhiều nhất về những “cây đại thụ” ngoại bách niên. Năm nay ông 104 tuổi.

Gừng càng già càng cay

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 năm 2024, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được nhận giải A với Bộ sách “Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)”. Bộ sách này là tâm huyết của ông suốt 20 năm qua và được xem như cẩm nang quý giá, giúp độc giả tra cứu và nghiên cứu sâu về lịch sử và phát triển của vùng đất Gia Định - Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. Trước đó, vào năm 2018, lần đầu tiên ông nhận giải A, Giải thưởng Sách Quốc gia cho công trình sách “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954)”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư từng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng “Tôn vinh Giá trị nội dung Kỷ lục Việt Nam” vào năm 2022, ghi nhận quá trình 80 năm lao động, sáng tạo, cống hiến của ông với gần 60 tác phẩm có giá trị về văn hóa, lịch sử, địa chí của các vùng, miền.

Nhận giải lần này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đi từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội trên chuyến tàu hỏa. 104 tuổi, ở ông luôn “lấp lánh” sự giản dị và hồn nhiên. Trong cuốn tự truyện của mình, ông đã viết: “Tôi thấy được sinh ra ở đời, được làm người đã là hạnh phúc rồi. Ngoài ra, muốn được như vậy thì tôi phải “tu luyện”. Việc “tu luyện” ấy đến nay ông vẫn thực hành hàng ngày. Để duy trì được sức khỏe ở cái tuổi “xưa nay hiếm” đối với một bậc cao niên, ông chia sẻ: “Bản thân thực hiện việc rèn luyện sức khỏe đều đặn mỗi ngày. Ngoài việc vận động chân tay nhẹ cùng hít thở khí trời mỗi sáng ở khoảnh sân nhỏ, là việc đi bộ lên xuống cầu thang 10 lần và ăn uống điều độ”. Có lẽ vì vậy mà dù đánh máy hay tra cứu tài liệu, đôi mắt hiền từ của ông rất hiếm khi phải nhờ sự trợ giúp của kính.

Nhưng để có thể mỗi ngày đều làm việc trước trang sách thì phải thực sự có tình yêu với sách. Ngay cả lúc túng bấn nhất, phải làm nghề bơm, sửa xe đạp bên cạnh ga tàu để có tiền nuôi gia đình, ông vẫn không nguôi niềm đam mê chữ nghĩa. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ cần có thời gian, ông sẽ tìm đến sách. Thói quen này đã được ông duy trì từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Và ông coi việc đọc sách như rèn luyện sức khỏe. Đọc sách đến đâu ông nhớ đến đó, các đoạn cần lưu ý, ông dùng bút cẩn thận gạch dưới chân.

Cần mẫn trên “cánh đồng” chữ nghĩa nhọc nhằn, ông bắt đầu nghiệp viết lách với tác phẩm “Nguyễn Xí” in năm 1943. Đặc biệt, càng về sau, tác phẩm nghiên cứu của ông càng dày dặn, đậm tính học thuật hơn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, cho biết: “Tôi đang mong ông trời rộng rãi cho mình thêm thời gian để hoàn thành 10 đầu sách nữa”. Hiện, ông đã lên đề cương, tìm hiểu hầu hết tư liệu trong đó có tư liệu về lịch sử hình thành Trung bộ, Bắc bộ để truyền lại cho hậu thế.

Sức làm việc, niềm say mê ấy được hun đúc trong tình yêu quê hương, đất nước. Chính lòng yêu nước đã thôi thúc ông đọc sách, tìm tài liệu nghiên cứu, viết về lịch sử Việt Nam. Tìm hiểu, đọc những câu chuyện của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, ít nhất những người hậu sinh như chúng tôi, và những bạn trẻ hơn không chỉ cảm phục, nể phục mà tự ngượng với mình, với mọi người.

“Gừng càng già càng cay”. Để trồng được một cây gừng lâu năm, ngoài giống tốt, còn có sự chăm bẵm, tưới tắm của người trồng. Con người cũng vậy, để giữ mãi một tình yêu, cần phải có sự học hỏi, đầu tư thời gian, công sức và sự vững tin vào hành trình và đích đến.

HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]