(vhds.baothanhhoa.vn) - Dân tộc Mường sinh sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ lâu đời và tập trung ở các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Bá Thước, Lang Chánh. Họ là chủ nhân sáng tạo, thực hành và trao truyền nhiều loại hình di sản văn hóa mà dân ca Mường là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể có giá trị đặc sắc.

Hát đúm của đồng bào Mường Thanh Hóa

Dân tộc Mường sinh sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ lâu đời và tập trung ở các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Bá Thước, Lang Chánh. Họ là chủ nhân sáng tạo, thực hành và trao truyền nhiều loại hình di sản văn hóa mà dân ca Mường là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể có giá trị đặc sắc.

Hát đúm của đồng bào Mường Thanh HóaHát đúm nam nữ dân tộc Mường huyện Thạch Thành.

Cũng như các loại hình dân ca như hát xường, rang, bộ mẹng thuộc nhóm dân ca trữ tình thường sử dụng trong hát giao duyên, bộc lộ tâm tình, hát đúm hay hát giao duyên là thể loại dân ca của đồng bào Mường, lưu giữ tinh hoa văn hóa tộc người, phản ánh mối quan hệ và sự gắn bó bền chặt giữa con người với tự nhiên, xã hội; thể hiện sâu sắc, mối quan hệ, tình cảm gắn bó giữa con người với con người trong cuộc sống. Hát đúm còn gọi là hát hội, hát đối - là loại hình nghệ thuật dân gian, lối hát truyền khẩu có từ xa xưa sử dụng trong các cuộc hát đối đáp giao duyên giữa nam và nữ, với những giai điệu trữ tình, thể hiện tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi, diễn ra mọi lúc, mọi nơi, hát khi đi trên đường, trong khi lao động, lúc giải lao...

Môi trường và không gian diễn xướng loại hình dân ca này diễn ra trong lễ hội mùa xuân, trong đám cưới, mừng nhà mới, hội thi hát; hát ở sân đình, trên ngôi nhà sàn, ngoài bãi áng, trong hội lễ. Trong lễ hội, hai bên vừa hát, vừa ném quả còn (quả đúm) cho nhau, nên gọi lối hát này là hát đúm.

Trước đây, hát đúm có hai hình thức diễn xướng, hát lẻ và hát hàng. Hát lẻ do một người nam và một người nữ đảm nhiệm, hát hàng diễn ra trong lễ hội. Vào cuộc hát, chàng trai muốn hát với cô gái nào thì chủ động tiến đến ngỏ lời mời, nếu cô gái đồng ý sẽ đưa tay cho chàng nắm và tay trong tay, mắt dừng lâu trong mắt họ cất lời ca, gửi trao lời yêu thương, ước hẹn lứa đôi. Giai điệu mở đầu với lời hát vào đề là: “... thương... thương... nhớ... nhớ... thương... thương...” và người hát đối sẽ hát đệm theo bằng các từ: “xường... xương... xướng... hái... ài... ới (thương nhiều lắm anh ơi)” nếu người đệm là nữ, còn với người nam hát đệm là “ời... ới”. Hát đúm là hình thức hát nói mang tính cộng đồng, cộng cảm, lối hát giao duyên càng nghe càng hấp dẫn, say mê nên không chỉ thu hút đông đảo nam thanh, nữ tú mà còn lôi cuốn và hấp dẫn cả những người đứng tuổi lắng nghe, thưởng thức.

Tham gia hát đúm không chỉ là những đôi trai gái trong cùng một làng, cùng một mường mà còn thu hút trai gái các mường xa đến chơi, giữa chủ và khách cùng nhau vui hát. Cách thức của cuộc hát được diễn ra như là một quy ước, ngầm định trước mà bất kỳ ai tham gia hát đúm cũng đều phải thực hiện. Nếu như cuộc hát diễn ra trên nhà sàn thì sau khi chào hỏi và xin phép chủ nhà, được chủ nhà đồng ý, chủ nhà nâng đĩa đưa ra mời khách rồi hát câu “mở lời” mời khách, đó là câu hát khởi đầu cho cuộc hát và tiếp đó cuộc thi tài đối đáp cứ tuần tự diễn ra thông qua lời hát đối đáp giữa hai bên trai thanh, gái lịch, chủ và khách.

Nội dung những bài hát đúm phong phú, giàu chất thơ, được các đôi trai gái lấy lời hay ý đẹp và thường mượn cảnh vật, thiên nhiên để nói hộ lòng mình, trao gửi tâm tình. Lời ca hát đúm gắn với chủ đề tình yêu lứa đôi với lời ca nồng nàn mà thiết tha, sâu lắng: Thương... thương... nhớ... nhớ... / Thương... thời... thương.../ Miếng trầu là ngãi tương tư/ Không ăn cầm lấy cũng như ăn rồi/... Miếng trầu là ngãi tương vàng/ Không ăn cầm lấy cho nàng được... vui.

Thể thức lời ca của hát đúm thường sử dụng theo thể loại ca dao, thơ “lục bát” hoặc lục bát biến thể để người hát, người nghe, người đối đáp dễ nhớ, dễ thuộc, dễ nhập tâm: “Biết nhau từ thuở còn thơ/ Cùng nhau sàng cát trong tờ mo nang/ Đuổi nhau chạy khắp đường làng/ Tranh nhau từng chiếc lá vàng đánh rơi/ Giận nhau thể chẳng cùng chơi/ Hôm sau gọi có nửa lời lại sang/ Giờ đây em bắc anh nam/ Đường xa bái ngái biết làm sao đây”. Nhưng hát đúm có những bài biến thể, phóng túng không gò bó bởi quy định chặt chẽ của niêm luật nào mà theo cảm xúc trào dâng: “Anh đi lính thú nhà vương/ Việc quan khó nhọc nàng có thương anh cùng/ Nằm đất nằm cát nằm vùng/ Nằm đất nằm cát nằm cùng gió sương/ Không chiếu lại cũng chẳng giường/ Anh đi tuần thú nàng có thương chăng là/ Ngó xuống sông nước chảy sa sá/ Ngó lên rừng những lá cùng cây/ Đau đớn lòng dạ anh thay hỡi nàng...”.

Hát đúm là lời tự sự, tâm tình nên giai điệu nhẹ nhàng, bay bổng, trữ tình. Mở đầu cuộc hát là hát chào, hát mừng khi nam thanh, nữ tú gặp nhau; sau khi chào hỏi, làm quen là hát giao hẹn, hát hỏi, hát đố, hát mời, hát họa, hát huê tình, hẹn ước... và kết thúc là hát giã biệt, ra về.

Trong mỗi cuộc hát đúm, hai bên nam nữ cử ra người đại diện cả nhóm, họ không chỉ đẹp người, ngoan nết, giọng đẹp, được cả thanh và sắc mà còn có tài ứng đối ứng, thông qua đó mà biết tài văn chương, kiến thức uyên thâm, nhớ và hiểu nhiều ca dao, tục ngữ, tích truyện. Lời ca trong hát đúm rất phong phú, do người hát sáng tác để đối đáp với người cùng tham gia cuộc hát nhằm so tài cao thấp giữa hai bên nam nữ. Nội dung bài hát không theo bài bản đã được sắp đặt trước mà đòi hỏi người hát phải linh hoạt ứng tác kịp thời, phù hợp với nội dung và khung cảnh do bên kia đưa ra. Giúp đôi nam thanh, nữ tú khi hát là những người hiểu biết, có tài ứng vận, hỗ trợ trai gái những lúc bí vần, câu chữ hay những tích truyện khó. Trong hát đúm thường có âm nhạc hỗ trợ, phổ biến là đàn và sáo. Thời gian mỗi cuộc hát không giới hạn, hai bên hát đối đáp cho đến khi nào có một bên bị thua thì họ phải mời trầu bên thắng cuộc.

Tan cuộc hát, giữa chủ và khách lòng lưu luyến không muốn rời xa, để lại trong lòng niềm thương yêu bịn rịn, mượn lời ca nói hộ lòng mình: “Chân đi chân đứng chân ôi/ Chẳng đi chẳng đứng chân ngồi lại đây.../ Nhớ ai hôm sớm đăm đăm/ Chiếu chẳng muốn nằm cơm chẳng muốn ăn...”.

Ngày nay hát đúm của người Mường đã và đang có nguy cơ thất truyền, số nghệ nhân nhớ và truyền lại cho lớp trẻ không còn nhiều. Để bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Mường nói chung, hát đúm nói riêng, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và trưởng thôn cần tích cực tuyên truyền, làm cho cán bộ, Nhân dân nắm được chủ trương, chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường. Làm cho đồng bào Mường, nhất là lớp trẻ hiểu biết giá trị của hát đúm. Tạo ra môi trường diễn xướng thông qua tổ chức các câu lạc bộ hát đúm, hàng năm tổ chức liên hoan hát đúm ở cơ sở, huyện và tỉnh. Khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy và lan tỏa hát đúm để bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình dân ca đặc sắc này nhằm không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho đồng bào mà còn phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh: Hoàng Minh Tường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]