(vhds.baothanhhoa.vn) - Huyện Hậu Lộc đã và đang phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm xây dựng các sản phẩm OCOP. Qua đó không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho các chủ thể mà còn tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM.

Hậu Lộc phát triển các sản phẩm OCOP

Huyện Hậu Lộc đã và đang phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm xây dựng các sản phẩm OCOP. Qua đó không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho các chủ thể mà còn tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM.

Hậu Lộc phát triển các sản phẩm OCOPCác đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Hậu Lộc nhiệm kỳ 2023-2028 tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng huyện Hậu Lộc.

Những sản phẩm OCOP vùng biển

Là huyện ven biển với chiều dài bờ biển 12,4km từ cửa Lạch Sung đến Lạch Trường, cách bờ 5km là đảo Nẹ, Hậu Lộc có 6 xã biên giới biển gồm Minh Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc, Đa Lộc và Hòa Lộc. Nghề nghiệp chính của người dân nơi đây là làm ruộng, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản (riêng xã Ngư Lộc chuyên khai thác hải sản). Khi thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Hậu Lộc xác định xây dựng sản phẩm là dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó nổi bật là nghề khai thác, chế biến thủy, hải sản, nhất là các sản phẩm như tôm, cá, các loại nước mắm, mắm tôm...

Về vùng biển Hậu Lộc, chúng tôi đến thăm gia đình ông Vũ Văn Náo làm nghề mắm truyền thống ở thôn Minh Thọ, xã Minh Lộc. Ông Vũ Văn Náo đã hơn 30 năm gắn bó với nghề làm mắm truyền thống. Mỗi năm, cơ sở sản xuất của gia đình ông làm ra từ 110 đến 120 tấn mắm tôm; 15 - 20 nghìn lít nước mắm; thường xuyên tạo việc làm cho 6 - 7 lao động, hàng chục lao động thời vụ. Để giữ nghề truyền thống của gia đình, ông Náo đã truyền nghề cho con trai là Vũ Văn Thiện. Anh Thiện sinh năm 1994, đã tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và quyết định về quê giữ gìn nghề mắm truyền thống của gia đình. Anh Thiện cho biết: “Ký ức của tôi gắn liền với mùi nồng nàn của moi, của cá, của mắm. “Thứ mùi” mà đến giờ tôi vẫn gọi đó là mùi quê hương và gắn liền với cả cuộc đời của bố, của ông để nuôi dạy chúng tôi trưởng thành. Mang trong mình tình yêu với mắm truyền thống, tôi mong muốn được gìn giữ, phát huy và đưa hương vị mắm truyền thống xứ Thanh đến gần hơn nữa với mọi người. Từ cơ sở sản xuất của gia đình, được bố truyền lại bí quyết, kinh nghiệm trong sản xuất, tháng 10-2022, tôi đã thành lập Công ty CP Sản xuất truyền thống mắm ông Náo. Đồng thời xây dựng sản phẩm nước mắm, mắm tôm “Ông Náo” trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, nước mắm, mắm tôm của gia đình tôi không chỉ được người dân trong vùng, trong tỉnh biết đến mà đã phát triển tới thị trường các tỉnh như Hà Nội, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh... Tôi mong muốn sản phẩm của quê hương sẽ ngày càng vươn xa, mang lại thu nhập cho gia đình và tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương”.

Tại xã Ngư Lộc, gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Thắng Lộc là hộ đang kinh doanh các mặt hàng hải sản. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, gia đình chị Thủy đã xây dựng sản phẩm cá thu nướng trở thành sản phẩm OCOP. Còn gia đình chị Triệu Tuyết Mai, thôn Chiến Thắng xây dựng sản phẩm tôm nõn khô Mai Hường là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022. Chị Thủy và chị Mai đều chia sẻ rằng, bí quyết để có những sản phẩm thơm ngon, chất lượng đến với khách hàng là khâu lựa chọn nguyên liệu. Tôm, cá được ngư dân vùng biển Hậu Lộc đánh bắt đảm bảo độ tươi, ngon. Cá thu nướng, tôm nõn khô chính là món quà từ biển cả mà người dân vùng biển mong muốn được nhiều người biết đến và thưởng thức.

Ở vùng biển Đa Lộc, sản phẩm được nhiều người biết đến là mật ong rừng Sú Vẹt. Những năm qua, nghề nuôi ong lấy mật ở những cánh rừng ngập mặn đã gắn bó với người dân xã Đa Lộc, trở thành nghề có thu nhập chính. Mật ong rừng Sú Vẹt trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Còn ở xã Hưng Lộc hiện nay sản phẩm tổ yến sào, tổ yến chưng của gia đình anh Nguyễn Văn Tú (Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh) đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đến nay, công ty đã nâng cấp, mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, định hướng trong tương lai trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia.

Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP

Nếu 6 xã biên giới biển huyện Hậu Lộc với đặc trưng sản phẩm OCOP từ khai thác, chế biến nguồn lợi từ hải sản, từ những cánh rừng ngập mặn, nuôi chim yến... thì ở các xã, thị trấn còn lại của huyện Hậu Lộc, các chủ thể, địa phương đã và đang lựa chọn sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... đặc trưng, thế mạnh của mình để xây dựng thành sản phẩm OCOP.

Trong 9 tháng năm 2023, Hậu Lộc có thêm 5 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, đạt 94,4% kế hoạch năm 2023, gồm: giò Hảo Liên, xã Hoa Lộc; đông trùng hạ thảo Thiên Thảo Việt - xã Đa Lộc; rau cải bó xôi, xã Phú Lộc; nem chua Xuân Kỳ, giò lụa Xuân Kỳ, thị trấn Hậu Lộc; lũy kế có 17 sản phẩm đã được công nhận. Hiện nay, Văn phòng Điều phối NTM huyện đang tham mưu cho Hội đồng OCOP huyện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho 5 sản phẩm trong cuối năm 2023 là: Giá đỗ Dũng Lan và rượu sim Thanh Hồng (xã Triệu Lộc); dao thép không rỉ Tấn Lộc Tài (xã Tiến Lộc); nấm sò Tuấn Hưng, nấm mộc nhĩ Tuấn Hưng (xã Hòa Lộc).

Để khuyến khích các chủ thể tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, vừa nâng tầm giá trị sản phẩm, góp phần quảng bá sản phẩm địa phương, chung tay XDNTM, huyện Hậu Lộc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn và xây dựng cơ chế, chính sách, khơi gợi sự chủ động của các chủ thể trong sản xuất, xây dựng sản phẩm đặc trưng. Cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn các thủ tục đăng ký, xây dựng sản phẩm OCOP. Năm 2022, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP huyện Hậu Lộc là 30 tỷ 740 triệu đồng.

Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững các sản phẩm OCOP, UBND huyện Hậu Lộc thường xuyên giám sát việc sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt đối với tiêu chí an toàn thực phẩm, huyện chỉ đạo ban chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện, trong đó có các chủ thể sản phẩm OCOP đã và đang được xếp hạng thực hiện tốt và chấp hành các quy định của Hiệp định TTP, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đáp ứng các tiêu chuẩn chung đối với phụ gia thực phẩm.

Huyện Hậu Lộc cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên các lĩnh vực, đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử. Hiện nay, Hậu Lộc có 4 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và 4 sản phẩm được đưa lên sàn nongsanantoanthanhhoa.vn.

Ông Trịnh Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, cho biết: Chương trình OCOP được đánh giá mang lại hiệu quả không chỉ về mặt kinh tế mà còn góp phần quảng bá, nâng tầm giá trị cho sản phẩm lợi thế của quê hương Hậu Lộc, góp phần vào sự thành công của chương trình XDNTM của địa phương. Đến nay, huyện Hậu Lộc đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM và đang hoàn thiện các bước để Trung ương thẩm định, công nhận. Toàn huyện có 21/21 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Phú Lộc, Hoa Lộc, Hưng Lộc; 111/132 thôn đạt chuẩn NTM, đạt 84,09%; có 14 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; lũy kế có 17 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Thời gian tới, huyện Hậu Lộc tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng để đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP. Huyện tiếp tục hỗ trợ đưa 13 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể tham gia sàn giao dịch điện tử nông sản Thanh Hóa, voso, posmart. Theo mục tiêu, kế hoạch năm 2024, huyện Hậu Lộc phấn đấu xã Quang Lộc đạt chuẩn NTM nâng cao; xã Phú Lộc đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 5 thôn NTM kiểu mẫu; 5 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]