Hãy để tuổi trẻ viết tiếp câu chuyện văn hóa
Tham gia các câu lạc bộ (CLB) giữ gìn văn hóa dân tộc, thanh niên đã “truyền” sức trẻ, tạo sức sống mới... Từ đó, viết tiếp câu chuyện văn hóa của chính thế hệ mình.
Chị Nguyễn Thị Lệ cùng thành viên CLB biểu diễn hát nhà trò Văn Trinh.
1. Nói thạo tiếng Mường, uyển chuyển các điệu múa, biết dệt vải may quần áo, am hiểu các loại hình nghệ thuật, hoạt động diễn xướng của người Mường... nhưng với chị Bùi Thị Liễu, một thanh niên người Mường tại xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy vẫn thấy chưa đủ và vẫn đang nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu thêm về văn hóa Mường.
Chị Liễu sinh ra và lớn lên ở vùng đất đậm đặc văn hóa dân tộc Mường. Tuy nhiên, bước ngoặt khiến chị quyết tâm theo con đường lan tỏa văn hóa Mường ra cộng đồng là khi xã thành lập CLB văn hóa, văn nghệ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Lúc bấy giờ, chị Liễu chưa có nhiều kiến thức về văn hóa Mường nhưng với tinh thần nhiệt huyết, quyết tâm của người trẻ, chị được bầu làm chủ nhiệm CLB. Được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền trong việc phục dựng, phát triển các loại hình văn hóa dân gian dân tộc Mường, chị Liễu và thành viên trong CLB dần thành thạo các điệu múa truyền thống Mường như pồn pôông, trồng bông dệt vải..., hiểu biết thêm về các nghi lễ, thực hành tín ngưỡng trong đời sống tinh thần... Càng tìm hiểu chị càng quyết tâm giữ gìn.
Sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc mình, cùng với nhiệt tình tuổi trẻ quyện vào những điệu múa, câu hát của chị Liễu khiến chúng có sức hút và mê đắm lòng người. Chị trở thành “hạt nhân” của CLB.
Khi nhiều thanh niên hỏi chị về “bí quyết” để có điệu múa đẹp, giọng hát hay, chị Liễu không ngần ngại chia sẻ và khẳng định: “Càng hiểu biết về văn hóa dân tộc thì càng nắm bắt được cái hồn trong từng điệu múa, câu hát”. Từ đó, CLB có thêm nhiều thành viên là những thanh niên Mường vừa nhiệt huyết vừa say mê tìm hiểu văn hóa dân tộc. Hiện, CLB có khoảng 50 thành viên trong đó hơn một nửa là người trẻ. CLB thường xuyên được xã, huyện tin tưởng chọn tham gia biểu diễn cho các sự kiện lớn hoặc tham gia các hội thi.
2. Mang sức trẻ cống hiến cho CLB truyền thống cũng là cách mà anh Lê Văn Huân, 32 tuổi, thành viên CLB Trống hội cung đình Hoằng Phú (xã Hoằng Phú, Hoằng Hóa) mong muốn thực hiện. Trống cung đình là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống nổi tiếng của làng Phú Khê (nay thuộc 2 xã Hoằng Phú và Hoằng Quý). Tại đây, vào tháng 2 âm lịch hàng năm là nơi diễn ra lễ hội Kỳ Phúc, lễ hội lớn nhất của làng. Tiếng trống hội được truyền lại từ hàng trăm năm trước, đã từng vang lên trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và tiếp tục âm vang cho đến tận ngày nay, có mặt trong tất cả các hoạt động, sự kiện văn hóa quan trọng của huyện, xã, trở thành hoạt động tinh thần không thể thiếu của người dân làng Phú Khê.
Gia đình anh Huân không có truyền thống nghệ thuật, nhưng anh thấy mình phải có trách nhiệm tiếp nối tiếng trống hội, tiếp nối niềm tự hào bao đời nay của dân làng. Từ ngày có anh, tiếng trống cung đình Hoằng Phú trẻ trung và có sức sống hơn.
Nghệ nhân Ưu tú Lê Minh Triết, chủ nhiệm CLB, cho biết: “Những người trẻ học rất nhanh, chỉ trong khoảng vài tháng là họ đã có thể thành thạo các bài trống, kể cả những bài trống khó như trống múa dùi, trống bái, trống tái nghiêm, tam nghiêm... Không những thế, điệu múa trống của họ rất điêu luyện, thể hiện đúng tinh thần của trống hội”. Đến nay, anh Huân là một trong những nhân tố “cứng” của đội, chuyên cầm trống cái.
Sự tham gia của các thanh niên trẻ như một luồng gió mới thổi vào CLB làm bừng lên sức sống, niềm hy vọng của các nghệ nhân già. Nghệ nhân dân gian Nguyễn Bá Khê, 83 tuổi, chia sẻ: “Tôi gắn bó với trống hội đã gần 20 năm, ngay từ khi mới thành lập CLB. Chúng tôi luôn nỗ lực trong việc truyền dạy cho những người trẻ, để tiếp nối giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông. Có sự tham gia của người trẻ thì tiếng trống mới thăng hoa hơn”. Từ ngày anh Huân gia nhập, trong làng đã có thêm nhiều người trẻ mong muốn được học trống hội, thành viên CLB đang dần được trẻ hóa.
Hiện tại, nếu có thời gian anh Huân vẫn theo các nghệ nhân dân gian đi truyền nghề cho học sinh các trường trên địa bàn.
3. Là nghệ nhân trẻ nhất của CLB Hát nhà trò Văn Trinh (xã Quảng Hợp, Quảng Xương), chị Nguyễn Thị Lệ được các anh chị, các bác trong CLB quan tâm, chỉ dạy tận tình tất cả các điệu múa, hát của hát nhà trò Văn Trinh.
Những người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất Văn Trinh xưa, nay là xã Quảng Hợp như chị Lệ đều hiểu rằng đất Văn Trinh có truyền thống lịch sử, nơi đây là một trong những địa danh ghi dấu trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, đồng thời cũng là cái nôi sản sinh ra hát nhà trò Văn Trinh - văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Loại hình văn hóa phi vật thể này đã có một thời gian bị thất truyền, mai một, nhắc lại thời kỳ này, người dân trong làng ai cũng buồn. Năm 2006, hát nhà trò Văn Trinh được phục dựng, CLB Hát nhà trò Văn Trinh được thành lập, từ đó đến nay người dân trong làng luôn nỗ lực, giữ gìn, phát huy niềm tự hào của cha ông, nhất là những thành viên của CLB.
Cũng chính niềm tự hào ấy đã thôi thúc chị Lệ gia nhập CLB. Học hát nhà trò, chị Lệ hiểu hơn về truyền thống tốt đẹp của cha ông, hiểu được trách nhiệm của người trẻ với quê hương, từ đó chị vừa nỗ lực tiếp bước để trở thành ca nương chủ lực của đội, vừa trở thành “tuyên truyền” viên tích cực trong cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện lịch sử quê hương để càng nhiều người biết về hát nhà trò và thu hút giới trẻ tham gia CLB. Chị Lệ cho biết: “Người làng Văn Trinh ai cũng tự hào về truyền thống lịch sử quê hương, bởi vậy ai cũng khát vọng giữ tiếng hát nhà trò vang mãi trên đất này. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà những người trẻ chưa mặn mà, nhưng tôi tin rằng dòng máu tự hào cha ông luôn chảy trong người sẽ luôn nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm và giữ gìn”.
Sự phát triển của các CLB văn hóa nghệ thuật truyền thống, giữ gìn văn hóa dân tộc... đã mở ra một sân chơi văn hóa đặc sắc dành cho bạn trẻ. Tại sân chơi này, các bạn trẻ được chào đón, được trân trọng, chỉ dạy nhiệt tình, khơi dậy đam mê. Dẫu rằng, vẫn chưa nhiều bạn trẻ tham gia sân chơi này, nhưng những nhân tố trẻ, đại diện cho hy vọng mới, sức sống mới đã xuất hiện. Họ không chỉ giữ gìn, phát huy mà với cách tiếp cận mới và hiện đại đã lan tỏa các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đến gần hơn với cộng đồng n
Bài và ảnh: Vân Anh
- 2024-11-12 20:41:00
Hoa hậu Thanh Thủy đăng quang Miss International 2024
- 2024-11-12 09:27:00
“Tứ tung ngũ hoành” hay “tứ tung ngũ hành”?
- 2024-11-08 19:47:00
“Hương đảng” không phải là “Phe cánh trong làng”
Tướng quân Nguyễn Phan
Tác phẩm về sự sáng tạo trong việc học ngôn ngữ giành giải cuộc thi Pháp ngữ
Người trẻ và sứ mệnh giữ gìn văn hóa dân tộc: Khi người trẻ giữ “lửa”
Triển lãm nghệ thuật “Phan Huỳnh Điểu-Cánh chim bay về”
Niềm vui với Toán học
UNESCO xem xét công nhận kỹ thuật nấu rượu sake là di sản văn hóa phi vật thể
“Bản giao hưởng sắc màu” Festival Hoa Đà Lạt 2024 hấp dẫn với nhiều hoạt động
Trở lại chuyện chính tả “xán lạn” hay “sáng lạn”
615 ứng viên đạt chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024